Trong khi rất nhiều doanh nghiệp tiến vào vùng sâu, vùng cao “xí đất” phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng kiếm bộn tiền thì bầu Đức, người đang sở hữu hơn 20.000 héc ta đất ở cả Việt Nam, Lào, Campuchia khẳng định, kể cả ngày mai chuyển sang làm dự án bất động sản lời ngay 5.000 tỉ (bằng số nợ mà ông đặt mục tiêu trả trong năm nay) ông cũng không làm.
- Bầu Đức và chiến lược đưa Hoàng Anh Gia Lai ‘trở lại’
- Bầu Đức đưa HAGL “trở lại”: Tôi thứ hai thì không ai đứng thứ nhất
- Bầu Đức đưa HAGL ‘trở lại’: Quyết tâm chính trị của tôi là trả nợ
“Sa lầy” ở nông nghiệp nhưng sau hơn chục năm gắn bó, đại gia bất động sản một thời thú nhận: “Đánh golf về ngủ có thể thấy chiêm bao nhưng tôi đi thăm chuối, thăm heo về thì ngủ rất ngon”.
Quản trị gì thì trồng chuối là phải bán được
Bầu Đức chở chúng tôi xuyên qua những cánh đồng chuối bát ngát. Gió Tây nguyên xé những tàu lá thành nhiều lát nhỏ, cuốn thành từng đợt sóng xanh thẫm, chảy hút tầm mắt. Bình yên đến lạ. Có lần tôi tò mò hỏi, sao ông có thể ở miết trong căn phòng thiếu tiện nghi bên Attapeu (Lào), bầu Đức bảo “rất khó để giải thích mà phải lái xe đi giữa những cánh đồng mênh mông không thấy bến bờ, để gió vuốt qua mặt và nghe mùi hương của đất, chứng kiến cây cối lớn lên từng ngày mới hiểu được”. Thế nên doanh nhân bất động sản lừng lẫy một thời Đoàn Nguyên Đức dứt khoát “chuyển sang dự án lời ngay 5.000 tỉ đồng cũng không bao giờ làm” khi có người hỏi “có quay trở lại kinh doanh nhà đất nữa không”.
Vừa lái xe chạy theo những con đường ngoằn nghèo, khúc khuỷu cơ man là chuối, bầu Đức vừa giải thích, chuối rất dễ trồng nhưng nông dân lại khó làm vì cứ một diện tích cố định (khoảng 200 héc ta) phải có một nhà đóng gói, có hệ thống ròng rọc đưa chuối từ vườn vào tận nơi, có kho lạnh trữ chuối từ lúc thu hoạch cho tới lúc phân loại, xếp lên xe chở ra cảng, xuống tàu duy trì liên tục ở 14 độ C…
Với hơn 500 héc ta chuối tại Gia Lai, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã xây dựng 2 nhà đóng gói quy mô lớn, hiện đại, hoạt động liên tục từ phân loại chuối, đóng gói, xếp vào thùng carton, trữ trong kho lạnh trước khi vận chuyển ra cảng xuất khẩu qua Hàn, Nhật và Trung Quốc. Mỗi buồng chuối đều gắn tem có mã code, chỉ cần “quét” là ra gần chục thông tin về xuất xứ, người quản lý, số điện thoại, thời gian thu hoạch…
“Chứ hàng triệu buồng chuối biết nó ở chỗ nào, lớn – nhỏ ra sao, bao giờ thu hoạch. Còn quản lý thế này thì ngồi trong văn phòng vẫn nắm được hết. Nên hàng xuất qua Nhật, Hàn hay Trung Quốc mà có vấn đề ở thùng nào chỉ cần quét mã code là tìm ngay ra ông nào phụ trách vùng trồng đó, không thoát được” – bầu Đức nhờ một nhân viên quét mã code cho chúng tôi coi, giải thích.
Để biến cây chuối quen thuộc trong vườn của hầu hết các gia đình nông thôn Việt Nam thành ngành công nghiệp chuối như hiện nay, bầu Đức đã mời những chuyên gia hàng đầu của Phillippines, ông trùm ngành chuối thế giới về làm cho mình. Còn để thâm nhập vào thị trường tiêu dùng chuối lớn nhất thế giới là Trung Quốc, ông cũng “săn đầu người” một chuyên gia thị trường người Đài Loan đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai từ gần 20 năm nay. Nhờ thế mà Tập đoàn này đã lọt vào nhóm 500 nhà buôn chuối lớn nhất Trung Quốc. Cứ hằng tuần nhóm này đấu giá, khớp lệnh, xuất hàng và ở Thượng Hải, Đại Liên hiện “ngập” chuối HAGL. “Quản trị gì thì trồng chuối cũng phải bán được đã” – bầu Đức cười nói.
Hoàng Anh Gia Lai không phải doanh nghiệp lớn đầu tiên chuyển sang làm nông nghiệp, nhưng áp dụng cơ giới hoá và chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, có thể nói Tập đoàn này là tiên phong. Từ cách đây gần một thập kỉ rưỡi, ông Đoàn Nguyên Đức đã áp dụng “nông nghiệp không đất” với mía, cao su tại Attapeu sau khi nghiên cứu mô hình của Israel.
“Israel một năm không có giọt mưa, đất thì toàn cát và sỏi đá nhưng họ vẫn trồng bắp với sản lượng 18 tấn/ha trong khi chúng ta chỉ 7 tấn/ha. Điều đó chứng tỏ, đất không phải là quan trọng nhất mà là dinh dưỡng. Cây cần chất gì, cần bao nhiêu ta cung cấp bấy nhiêu” – bầu Đức giải thích.
Với quan điểm đó, phân tích đất là khâu đặc biệt quan trọng của Tập đoàn này ngay từ ngày đầu chuyển sang nông nghiệp. Mỗi nông trường lấy vài chục mẫu đất, trộn lẫn rồi thực hiện phân tích. Phần mềm “công thức đất” (cũng mua bản quyền của Israel) sẽ cho đáp số về từng loại lượng dinh dưỡng cần bổ sung. Ngày ấy, héc ta cao su đầu tiên được thí điểm tưới nước, tưới phân đã phát triển rất nhanh. Ngay lập tức, hệ thống tưới có chiều dài khoảng 160.000 km đi ngầm dưới đất mà bầu Đức ví von “bằng 4 vòng trái đất” được vận chuyển từ Israel về Attapeu. Từ hồ chứa tổng, nước tỏa đi khắp nơi với định lượng mỗi giờ một lít để luôn giữ độ ẩm cần thiết cho cây. Khi cần dinh dưỡng, phân được “hòa” từ bể tổng và theo mạng lưới này tưới thẳng vào gốc… Tưới nhỏ giọt, phân tích đất, cung cấp dinh dưỡng cũng được Tập đoàn này áp dụng các loại cây ăn trái và chuối hiện nay. Thế nên, năng suất, chất lượng và mẫu mã đều vượt trội.
Cần thêm nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp
Nhưng đó chỉ là bề nổi, thực tế nông nghiệp gánh chịu nhiều rủi ro hơn những ngành khác. Nếu hệ thống tưới nhỏ giọt có thể khuất phục được sự khô cằn của đất đai thì con người vẫn bất lực với thiên tai, bão lũ. Chuối cho lợi nhuận cao nhưng một buồng chuối 25 kg chỉ xuất khẩu được 13 kg do yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu. Một nửa còn lại (tương đương với 200.000 tấn/năm) trước khi thí điểm thành công heo ăn chuối hiện nay, bầu Đức vẫn vứt bỏ. Thế nên dù Nhà nước kêu gọi, khuyến khích và có nhiều chính sách ưu đãi nhưng đầu tư vào nông nghiệp vẫn hết sức khiêm tốn. Một số tập đoàn lớn chuyển qua nhưng cũng chỉ coi là ngành tay trái.
Đó là lí do, nông nghiệp nói chung của Việt Nam vẫn còn manh mún trong khi những ngành “ngon ăn” lại rơi vào tay các ông lớn ngoại như Thái Lan, Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc. Điển hình là thức ăn chăn nuôi. Phụ thuộc hoàn toàn nguyên liệu đầu vào, ngành chăn nuôi của Việt Nam đang dần rơi vào nghịch lý: Trong khi người chăn nuôi và cả các doanh nghiệp nhỏ điêu đứng vì chi phí thức ăn tăng cao, nhiều nơi phải treo chuồng thì các ông lớn ngoại vẫn lãi khủng.
Cũng từ bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mở rộng hệ sinh thái với mô hình 3F, 4F (trang trại, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm và phân bón hữu cơ vi sinh). Đây là xu hướng tất yếu của chăn nuôi hiện đại nhưng cũng vì thế, nếu không có thêm các doanh nghiệp lớn trong nước tham gia, rất có thể thị trường thịt heo, gà- những thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm của người Việt sẽ rơi vào tay một số ông lớn ngoại có kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính. Nên nhớ, chỉ riêng thịt heo, doanh thu mỗi năm lên tới gần chục tỉ USD.
Quan trọng hơn, nông nghiệp vẫn là lợi thế của đất nước, làm trụ đỡ cho nền kinh tế nhất là trong các giai đoạn khủng hoảng. Thế nên chủ trương của Đảng và Nhà nước vẫn luôn coi nông nghiệp là nền tảng với mục tiêu phát triển ngành này thành sức mạnh quốc gia. Mà muốn như vậy, cần phải có thêm nhiều người, nhiều doanh nghiệp lớn đủ tiềm lực, bản lĩnh và niềm đam mê để xây dựng một ngành kinh tế nông nghiệp hiện đại, có trách nhiệm và có lợi nhuận cao.
Ngày trở lại…
Ông Đoàn Nguyên Đức là một trường hợp đặc biệt. Dù gặt hái thành công ở mảng bất động sản nhưng ông sẵn sàng dứt bỏ toàn bộ để chuyển sang nông nghiệp. Dù sa lầy vào nợ nần ở nông nghiệp nhưng ông say mê và gắn bó với nuôi, trồng. Từ một doanh nhân bất động sản, ông trở thành một “chuyên gia” nông nghiệp thực thụ. Từ phát triển những dự án, giờ đây ông tập trung mở rộng những cánh đồng, những trang trại chăn nuôi.
Hơn 1 thập kỷ mày mò nuôi con này, trồng cây kia, ông chưa bao giờ nản chí và từ bỏ. Khi cao su, cọ đầu không còn hy vọng, ông chuyển sang cây ăn trái, nuôi bò Úc. Nếu thanh long, mít, ớt không thể làm công nghiệp, ông tìm ra chuối. Suốt những năm tháng đó cho đến tận bây giờ, ông chưa một lần nao núng hay có ý định quay trở lại kinh doanh bất động sản dù ông không ngần ngại nói thẳng “đất là năng khiếu của tôi”. Càng khó khăn, ý chí “sinh tồn” của ông càng mãnh liệt. Càng gian khổ, khát vọng trở lại của ông càng lớn.
Có lẽ trời đã không phụ người có lòng. Năm 2021, Tập đoàn HAGL đạt doanh thu thuần là 2.230 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỉ đồng. Như vậy, sau 2 năm liên tiếp thua lỗ, bầu Đức đã chính thức đưa HAGL, tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam một thời và giờ là tập đoàn hàng đầu về nông nghiệp “trở lại”.
Tập đoàn HAGL đang chuẩn bị trình cổ đông kế hoạch năm 2022 với doanh thu thuần 4.820 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.120 tỉ đồng, gấp gần chục lần so với năm 2021. Ông cũng đã có phương án cụ thể để thực hiện kế hoạch này. Đó là nâng tổng diện tích trồng chuối lên 10.000 ha và xây thêm 9 cụm chuồng trại để đưa ra thị trường 1 triệu con heo ăn chuối. Chuối và heo sẽ phát triển song song, tương hỗ cho nhau. Chuối trồng đến đâu, heo gây bầy đến đó.
Bầu Đức từng đặt câu hỏi “ai bảo nông nghiệp không lãi ngàn tỉ”, như một sự thách thức chính bản thân mình và hành trình hơn 1 thập kỉ “vật lộn” với cây này, con kia nhưng kiên quyết không quay lại bất động sản, không đầu tư tài chính, không rẽ ngang rẽ ngửa cho thấy rõ nhất cá tính, khát vọng, bản lĩnh của ông bầu nổi tiếng này.
Nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng nhưng bầu Đức không phải người thích chọn việc nhẹ nhàng…
Theo Nguyên Hằng – Báo Thanh Niên
- Tiến sĩ Phạm S chỉ ra 10 đặc điểm riêng có để Măng Đen cất cánh
- Công ty Nhôm Đắk Nông nộp ngân sách 522 tỷ đồng trong năm 2023
- Lượng tìm kiếm về Du lịch Việt Nam đứng Top đầu thế giới
- Giải Quần vợt Cúp Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng trao hơn 50 triệu đồng tặng quà Tết trẻ em nghèo
- Du lịch nông nghiệp khó hút khách với cách làm cũ