Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô hút nhà đầu tư Nhật Bản

Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) thu hút sự quan tâm của 2 Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản là Itochu và Yoshida Kaiun, với các lĩnh vực cảng, logistics và khu công nghiệp phức hợp.

Chiều ngày 16/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã có buổi làm việc với Tập đoàn Itochu, Tập đoàn Yoshida Kaiun (Nhật Bản) và Công ty Cổ phần Western Pacific đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Western Pacific cho biết, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty đã tiến hành các công việc và phối hợp cùng đơn vị tư vấn triển khai các nội dung nghiên cứu đầu tư.

“Với chiến lược phát triển, mở rộng quy mô hợp tác với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong cùng lĩnh vực, hiện 2 tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản là Itochu và Yoshida Kaiun mong muốn được hợp tác chiến lược và tìm hiểu định hướng phát triển của tỉnh trong các lĩnh vực về cảng, logistics và khu công nghiệp phức hợp”, bà Phạm Thị Bích Huệ cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hoan nghênh các Tập đoàn đã có ý tưởng đến tìm hiểu đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Tỉnh luôn mong muốn có được những nhà đầu tư thương hiệu và đẳng cấp đầu tư vào đây để tạo sự đột phá về phát triển kinh tế – xã hội.

Mục tiêu của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô theo hướng bền vững, là khu kinh tế động lực quan trọng gắn kết với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ kết cấu hạ tầng. Tập trung xúc tiến đầu tư các dự án về hạ tầng cảng, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu công nghiệp công nghệ cao, khu đô thị Chân Mây.

Hiện tỉnh đang chủ động nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương xây dựng, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, nhất là đối với các dự án lớn, có tính chất động lực, các dự án đầu tư vào hạ tầng Khu kinh tế.

Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghệ sạch ít gây ô nhiễm môi trường; các dự án gắn với nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chú trọng các dự án đầu tư vào hạ tầng cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan, hạ tầng khu đô thị Chân Mây,…

“Tỉnh sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để các nhà đầu tư tìm hiểu và triển khai thực hiện dự án, giải quyết nhanh chóng, kịp thời đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *