Với Đà Lạt, thành phố sáng tạo không đơn thuần là một danh hiệu mà còn là chiến lược phát triển với trọng tâm và ưu tiên để bảo đảm mỗi người dân đều được phát huy khả năng sáng tạo, tham gia và thụ hưởng bình đẳng, tạo nên bản sắc riêng biệt.
- Đà Lạt lần đầu tổ chức “Điểm hẹn doanh nhân”
- 130 năm Đà Lạt: Khởi nguồn Thành phố sáng tạo
- TS Phạm S: Đà Lạt là “kho báu” khơi nguồn cảm xúc sáng tạo
- Cần làm gì để Đà Lạt trở thành Thành phố sáng tạo âm nhạc?
- Đà Lạt tham vấn xây dựng hồ sơ gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo
Chiều 30/6, ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng), thay mặt hơn 232.000 người dân thành phố đã ký thư đề nghị gửi UNESCO cùng hồ sơ đăng ký Đà Lạt gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN).
Hồ sơ ứng cử của TP Đà Lạt gồm đơn đăng ký theo mẫu, thư bày tỏ nguyện vọng của Chủ tịch UBND thành phố về việc xin gia nhập và sự hỗ trợ của chính quyền trong hoạt động này, thư ủng hộ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và một số hình ảnh liên quan đến hoạt động âm nhạc của thành phố…
Chính quyền thành phố nhìn nhận, so với nhiều thành viên trong mạng lưới sáng tạo, Đà Lạt chỉ là một địa phương nhỏ với hoạt động âm nhạc còn khiêm tốn. Tuy nhiên, với Đà Lạt, thành phố sáng tạo không đơn thuần là một danh hiệu mà còn là chiến lược phát triển với trọng tâm và ưu tiên để bảo đảm mỗi người dân đều được phát huy khả năng sáng tạo, tham gia và thụ hưởng bình đẳng, tạo nên bản sắc riêng biệt.
Với quyết tâm, khát vọng và tiếng nói chung, TP Đà Lạt hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của UNESCO để có cơ hội tham gia UCCN năm 2023. Nếu được trở thành thành viên của UCCN, Đà Lạt cam kết sẽ tham gia tích cực, nỗ lực đóng góp vào mục tiêu chung của mạng lưới và chương trình nghị sự phát triển bền vững của UNESCO.
Đà Lạt là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế – văn hóa, khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo của tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.
Nằm ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, Đà Lạt luôn được nhắc đến là một thành phố hội tụ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, di sản kiến trúc độc đáo, khí hậu mát mẻ quanh năm, gắn với phong cách ứng xử “Hiền hòa – Thanh lịch – Mến khách” và 20 dân tộc cùng chung sống đoàn kết, hòa bình.
Vùng đất này được du khách thập phương ưu ái dành cho nhiều mỹ danh như “Thành phố mộng mơ“, “Thành phố sương mù”, “Thành phố tình yêu”, “Thành phố Festival Hoa Việt Nam”, “Thành phố của những bản tình ca”… Đây còn là miền đất hiền hòa từng lôi cuốn, níu chân biết bao tâm hồn văn nghệ sĩ khởi nguồn cảm xúc, say mê sáng tạo, phát triển tài năng và cống hiến nhiều tác phẩm giá trị cho nền âm nhạc địa phương và quốc tế.
Năm 1893, Đà Lạt được khám phá bởi người Pháp và được chú trọng thiết kế, quy hoạch ngay từ đầu để trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng trên cao nguyên. Ngày nay, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử, Đà Lạt quyết tâm phấn đấu trở thành đô thị hiện đại, thành phố sáng tạo, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc, xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.
Từ năm 2021, Đà Lạt đã bắt đầu quá trình đánh giá tiền khả thi và triển khai tham vấn ý kiến nhiều bên liên quan bao gồm các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị đào tạo, các chuyên gia nghiên cứu, các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, nghệ sĩ, nhạc sĩ người thực hành sáng tạo, người kinh doanh, cộng đồng sáng tạo thuộc giới trẻ, đối tượng yếu thế để xác định lĩnh vực thành phố sẽ đăng ký tham gia.
Kết quả đánh giá đều đồng thuận chọn âm nhạc là lĩnh vực thành phố có quá trình hình thành, lịch sử phát triển, có khả năng kết hợp một cách hài hòa nhất các vẻ đẹp của thiên nhiên, khí hậu, cảnh sắc và cả lối sống hiền hòa, thanh lịch, mến khách của con người nơi đây. Đây sẽ là thế mạnh mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế – văn hóa – xã hội địa phương.
Năm 2023 là cột mốc quan trọng đánh dấu Đà Lạt tròn 130 năm hình thành và phát triển (1893 – 2023). Cùng nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc được thực hiện xuyên suốt trong năm, công tác chuẩn bị xây dựng hồ sơ gia nhập UCCN cũng là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương.
Viên Hữu
- Xóa bỏ độc quyền về Điện: Không đơn giản chỉ là cổ phần hóa, xã hội hóa
- VJBA “bà mối” của nhiều Doanh nghiệp Nhật đến vùng đất tiềm năng dưới chân núi LangBiang
- Đại võ sư Trương Văn Bảo “gánh” võ Việt ra năm châu
- Nhôm Đắk Nông phát động tháng An toàn lao động
- Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024