Các chuyên gia cho rằng, Đà Lạt có nhiều lợi thế để trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO. Tuy nhiên, cần tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, nghệ sỹ, doanh nghiệp; đặt ngành công nghiệp văn hoá, kinh tế âm nhạc vào khung chương trình phát triển tổng thể để tạo sinh kế cho các chủ thể tham gia.
- Công ty TNHH Vĩnh Tiến: 27 năm hình thành và phát triển
- TS Phạm S: Đà Lạt là “kho báu” khơi nguồn cảm xúc sáng tạo
- Đà Lạt tham vấn xây dựng hồ sơ gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo
- Simexco Daklak ghi dấu cột mốc 30 năm phát triển bằng chuỗi hoạt động vì cộng đồng
Chất thơ, chất nhạc của người Đà Lạt rất mạnh mẽ
UBND TP Đà Lạt phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Lâm Đồng, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, vừa tổ chức hội thảo quốc tế “Tham vấn xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”.
Ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, khẳng định, Đà Lạt không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước, mà còn là nơi tập trung của hơn 20 dân tộc sinh sống, mang đậm sắc thái văn hóa đặc trưng. Chính vì vậy, thành phố sở hữu nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm cả âm nhạc.
“Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu cột mốc 130 năm hình thành và phát triển của thành phố. Vì vậy, việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) được kỳ vọng sẽ có những đóng góp lớn cho việc quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Đà Lạt, đưa thương hiệu thành phố đến với toàn cầu, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong đó đẩy mạnh công nghiệp văn hoá về âm nhạc của địa phương”, Chủ tịch TP Đà Lạt, kỳ vọng.
TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, nhờ sự kết hợp hài hoà cảnh quan tự nhiên, di sản kiến trúc, bản sắc văn hoá các dân tộc, Đà Lạt đã trở thành “kho báu” vô cùng quý giá, hiếm có để các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức và mọi tầng lớp nhân dân thoả sức sáng tạo các lĩnh vực theo tiêu chí thành phố sáng tạo, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc.
“Đà Lạt cũng là vùng đất hứa đã lôi cuốn, giữ chân biết bao cư dân khắp mọi miền đất nước từ lúc khai thiên lập địa cho đến hôm nay để cống hiến và phát triển tài năng. Họ luôn say mê lao động sáng tạo, phát huy trí tuệ vun đắp trong quá trình hình thành phát triển đã tạo ra những sản phẩm sáng tạo rất phong phú về: văn hoá, ẩm thực, mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, kiến trúc, thiết kế, văn học, nhiếp ảnh, điện ảnh… Đồng thời tạo nên phong cách người Đà Lạt hiền hoà – thanh lịch – mến khách”, TS Phạm S đúc kết.
Theo TS Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTT&DL,chất thơ, chất nhạc trong mỗi con người Đà Lạt rất mạnh mẽ. Âm nhạc là “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây và đã trở thành bản sắc vì đã kết hợp một cách hài hòa vẻ đẹp của thiên nhiên, khí hậu, di sản và cả lối sống ôn hòa của con người Đà Lạt. Việc Đà Lạt đăng ký gia nhập UCCN trong lĩnh vực âm nhạc là phù hợp và cần thiết.
Hiến kế để Đà Lạt trở thành Thành phố sáng tạo âm nhạc
Trình bày dự thảo hồ sơ của TP Đà Lạt gia nhập UCCN, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho biết, quá trình xây dựng hồ sơ chính là hành trình đi tìm lời giải cho 3 câu hỏi lớn: Tại sao Đà Lạt nên gia nhập UCCN? Cơ hội và thách thức cho Đà Lạt? Làm thế nào để gia nhập UCCN?
Theo TS Thu Phương, thành phố sáng tạo không đơn thuần là một thương hiệu, mà đó là một tư duy, một chiến lược phát triển, trong đó các trọng tâm và ưu tiên được đặt vào việc khai thác, phát huy thế mạnh của văn hóa và năng lực sáng tạo của cộng đồng cư dân thành phố. Do đó, rất cần các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế để Đà Lạt xây dựng hồ sơ mang tính khoa học, có sức thuyết phục và quan trọng hơn là đặt thành phố sáng tạo vào khung chương trình phát triển tổng thể của thành phố, để tạo sức mạnh tổng hợp.
Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập UCCN, Hà Nội hy vọng sẽ sớm có người bạn đồng hành trong hành trình này. Ông Hồng cũng nhấn mạnh, Đà Lạt cần chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống trong quá trình phát triển ngành công nghiệp âm nhạc địa phương và hội nhập quốc tế.
NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhấn mạnh, mặc dù sở hữu di sản văn hóa cồng chiêng đặc sắc, cùng kho tàng đồ sộ các ca khúc viết về thành phố, tuy nhiên, Đà Lạt cần phải phát triển nhiều thể loại và hỉnh thức hơn như cổ điển…
Đồng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung cho rằng, Đà Lạt cần phải coi công nghiệp sáng tạo, cụ thể hơn là công nghiệp âm nhạc phải đóng vai trò quan trọng hàng đầu và phải tạo ra được các giá trị kinh tế và tinh thần nhất định, ngày càng đóng góp cao hơn cho kinh tế xã hội địa phương.
Hội thảo cũng lắng nghe nhiều đóng góp và sáng kiến từ chính những chuyên gia, nghệ sỹ, đại diện các cộng đồng tại Đà Lạt như ông Nguyễn Thanh Hồng – Chủ tịch Hội Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng; TS Mai Minh Nhật – Phó Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt; nhạc sỹ Nguyễn Cao Nguyên – Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc tỉnh Lâm Đồng…
Những chủ thể thực sự của thành phố sáng tạo âm nhạc Đà Lạt trong tương lai đều bày tỏ mong muốn thành phố trở thành một thành viên UCCN, quyết tâm đưa công nghiệp âm nhạc Đà Lạt lên tầm cao mới với hạt nhân chính là thế hệ trẻ. Tuy nhiên quá trình này phải được thực hiện song song với việc duy trì các giá trị nguyên gốc của bản sắc Đà Lạt và những di sản truyền thống mà cha ông để lại.
Cũng tại hội thảo, bà Inkyoung Kim – Trưởng ban Hợp tác quốc tế về văn hóa, chính sách văn hóa và nghệ thuật thành phố Daegu và bà Charlotte Dryden – Giám đốc điều hành Trung tâm âm nhạc Oh Yeah Music tại Belfast (Bắc Ailen) đã chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực không chỉ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ của Đà Lạt mà còn cả việc triển khai các cam kết với UNESCO sau khi trở thành thành viên của UCCN.
Là đơn vị đầu mối triển khai nhiệm vụ xây dựng mạng lưới các thành phố sáng tạo Việt Nam trong UCCN, TS Nguyễn Phương Hòa cho biết, Cục Hợp tác quốc tế cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, ủng hộ Đà Lạt trong quá trình chuẩn bị, nộp hồ sơ và sau đó là triển khai các cam kết với UNESCO sau khi gia nhập.
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cũng đưa ra một số kiến nghị cho thành phố, như chính quyền cần tạo được sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của các cộng đồng người dân, doanh nghiệp, nghệ sỹ; đẩy mạnh công tác truyền thông về vai trò của thành phố sáng tạo, chủ thể sáng tạo để tạo niềm tự hào, cống hiến của các chủ thể tham gia…
TS Nguyễn Phương Hòa cũng nêu trăn trở, đó là Đà Lạt đã có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực âm nhạc, trở thành điểm đến của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam và các ban nhạc nổi tiếng của quốc tế. Tuy nhiên nguồn vốn về con người, tài năng sáng tạo tại địa phương vẫn còn chưa được nổi bậc. Vì vậy cần có chính sách để thu hút nhân tài về hội tụ, lưu lại sinh sống, sáng tác và biểu diễn tại đây. Đặc biệt là nuôi dưỡng các cộng đồng sáng tạo tại địa phương với các sáng kiến về âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn đi vào thế hệ trẻ, quan tâm đến công tác đào tạo, ươm mầm.
Viên Hữu
- Điểm đến cho thương hiệu Việt vào thị trường Trung Quốc
- Đắk Nông và dấu ấn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
- Nông sản xuất khẩu khó cạnh tranh vì chi phí logistics quá cao
- Ghép ảnh giả, nguy cơ thật
- Đắk Lắk chọn Công ty Truyền thông sự kiện PRO là đơn vị Truyền thông Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023