Doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia không chỉ là hình mẫu của các tiêu chuẩn về chất lượng mà còn đi đầu trong việc áp dụng các mô hình phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh.
- Công ty Cổ phần Viên Sơn đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
- Seed Coffee là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2024
Lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam vào ngày 4/11 tới mang chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh,” thể hiện ý chí và cam kết của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong việc hướng tới phát triển bền vững.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, DN đạt THQG không chỉ là hình mẫu của các tiêu chuẩn về chất lượng mà còn đi đầu trong việc áp dụng các mô hình phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn (KTTH) và sản xuất xanh.
Theo tiêu chí của chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, DN có sản phẩm đạt THQG sẽ là những DN có năng lực tiên phong và có yếu tố dẫn dắt. Trong yếu tố “xanh hoá” này, rất nhiều DN có sản phẩm THQG Việt Nam thời gian qua đã triển khai rất nhiều hoạt động CĐX, sản xuất xanh, áp dụng nhiều biện pháp thân thiện với môi trường, đẩy mạnh KTTH.
Lý giải về chủ đề chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam năm nay, ông Vũ Bá Phú cho rằng, trên bình diện thế giới, chuyển đổi xanh (CĐX) và chuyển đổi số gần như đã trở thành yêu cầu bắt buộc, không còn là lựa chọn với DN. DN khi muốn tiếp cận các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản… không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh và bền vững.
“Nếu DN không chủ động CĐX và tuân thủ các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cùng với các quy định như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), quy định về phòng chống khai thác gỗ trái phép của EU (EUDR), thì khó có thể duy trì khả năng cạnh tranh và hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Phú nhấn mạnh.
Trên thực tế, xu hướng “xanh hóa” đã và đang được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và đẩy mạnh triển khai bởi DN nhận thức được rằng đây là 1 trong những điều kiện tiên quyết để có thể cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Hoàng Minh Chiến – Cục phó Cục Xúc tiến thương mại cho biết, nhiều DN có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam đã triển khai các hoạt động sản xuất thân thiện môi trường như giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng năng lượng tái tạo và tăng cường sử dụng vật liệu tái chế. Những thương hiệu như CTCP Sữa TH, CTCP Nhựa Tái Chế Duy Tân và CTCP Đường Thành Công Biên Hòa là những ví dụ điển hình và đột phá trong chuyển đổi xanh.
CTCP Sữa TH, một trong các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia, đã xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi bò sữa theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng kháng sinh và hoóc môn tăng trưởng. DN này còn đầu tư vào công nghệ xử lý chất thải, tận dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất và giảm thiểu phát thải. Việc áp dụng công nghệ xanh giúp sản phẩm của TH đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các thị trường nhập khẩu.
CTCP Nhựa tái chế Duy Tân đã tiên phong trong việc tái chế nhựa, biến phế liệu thành những sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là một trong những nỗ lực lớn hướng tới KTTH, góp phần vào giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa chuyển sang mô hình canh tác hữu cơ và tận dụng tối đa các phế phụ phẩm từ cây mía trong sản xuất. Mô hình KTTH này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo ông Chiến, CĐX không phải là việc một sớm một chiều có thể đạt được. Việc chuyển đổi này đòi hỏi sự nỗ lực và ý chí tiên phong từ chính các DN.
“Trong bối cảnh toàn cầu đang tiến vào kỷ nguyên xanh, DN Việt Nam phải tận dụng thời cơ này để tăng năng lực cạnh tranh và vươn mình trở thành hình mẫu về CĐX”, ông Chiến nhấn mạnh.
Chia sẻ lý do DN lọt vào danh sách các DN có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Giám đốc miền Bắc Cty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa cho biết, tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên công ty luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Từ đó góp phần tăng nhanh quần thể chim yến tại Việt Nam, thực hiện chiến lược phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu Yến sào Khánh Hòa đáp ứng các tiêu chí “Chất lượng – Đổi mới Sáng tạo – Năng lực tiên phong” của chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Theo Ban tổ chức chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024, lễ công bố các sản phẩm đạt THQG năm nay không chỉ là dịp tôn vinh các DN với những sản phẩm chất lượng mà còn khẳng định vai trò tiên phong của họ trong việc định hướng phát triển bền vững, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh.
Với những cam kết và hành động thiết thực, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong công cuộc CĐX, mở đường cho các DN khác và cùng đất nước đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Nguyệt Minh