Xứ Trầm Hương mãi nhớ ông Năm Yersin

Suốt 132 năm qua, người dân Nha Trang – Khánh Hòa vẫn luôn dành tình cảm yêu quý đối với bác sĩ A.Yersin. Lúc sinh thời, người dân trìu mến gọi ông bằng cái tên “ông Năm Yersin”; khi ông qua đời, nhân dân đưa bài vị của ông vào chùa thờ phụng. Hàng năm, mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh, tưởng niệm ngày mất của ông, nhân dân lại thành kính tổ chức nghi lễ trang trọng.

Ở lại với Nha Trang

Bác sĩ A.Yersin sinh ngày 22-9-1863, tại vùng quê miền núi Lavaux, thuộc hạt Vaud, Thụy Sĩ. Trong suốt 80 năm cuộc đời của mình, ông đã có 52 năm sống, gắn bó với vùng đất, con người Nha Trang – Khánh Hòa. Ông đã sống một cuộc đời đầy sôi nổi, ý nghĩa khi cống hiến hết tài năng, trí tuệ cho khoa học và dành trọn tình cảm yêu thương, quý trọng đối với mọi người, nhất là những người dân nghèo ở xứ Trầm.

Chân dung bác sĩ A.Yersin. (Ảnh tư liệu).

Ngày nay, chúng ta càng thấy rõ tầm vóc, cống hiến của ông đối với nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Ông là người tìm ra vi trùng dịch hạch và đồng nghiên cứu, sản xuất thành công huyết thanh chữa trị; là người trồng thí nghiệm nhiều loại cây công nghiệp, dược liệu ở Suối Dầu; người phát hiện ra cao nguyên Lang Biang (tỉnh Lâm Đồng), Hòn Bà; sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang, Trường Y khoa Hà Nội (tiền thân của Trường Đại học Y Hà Nội ngày nay)… Ở bác sĩ A.Yersin hội đủ phẩm chất, thành tựu của một nhà khoa học, nhà thám hiểm và nhà giáo dục.

Điều đặc biệt khi tìm hiểu về bác sĩ A.Yersin chính là tình cảm của ông đối với người dân Nha Trang – Khánh Hòa và tình cảm của người dân nơi đây đối với ông. Năm 1891, bác sĩ A.Yersin lúc bấy giờ làm việc trên con tàu chạy tuyến hàng hải mới mở Sài Gòn – Hải Phòng. Trong những lượt ra Bắc vào Nam, tàu đều dừng lại ở Nha Trang. Lần nào đến Nha Trang, ông cũng bị mê hoặc bởi phong cảnh thiên nhiên, khí hậu của vùng đất này. Từ đó, ông quyết định đến Nha Trang sinh sống trong một ngôi nhà gỗ ở Xóm Cồn và mở phòng khám, chữa bệnh cho mọi người…

Qua câu chuyện của những người đã từng được gặp bác sĩ A.Yersin kể lại, chúng ta cảm nhận rõ những hành động, việc làm thể hiện tình cảm, tình yêu của ông đối với người dân và vùng đất Nha Trang – Khánh Hòa.

Đến hôm nay, mọi người vẫn truyền nhau câu chuyện về ông Năm Yersin trong những ngày sống ở Xóm Cồn. Đó là chuyện ông khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo; chuyện người dân Nha Trang trước mỗi chuyến ra khơi đều đến hỏi ông về tình hình thời tiết; chuyện những trẻ em Xóm Cồn thường đến nhà ông chơi để được xem phim, ăn bánh kẹo…

Những tình cảm bình dị, thân thương đó mỗi ngày thêm bền chặt và ông đã thực sự xem Nha Trang – Khánh Hòa là quê hương của mình. Trong di chúc của ông để lại có đoạn viết: “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Hãy chôn tôi nằm úp xuống. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác…”.

Còn mãi sự tri ân

Kỷ niệm 160 năm ngày sinh của ông, mỗi người yêu mến bác sĩ A.Yersin càng có dịp được bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân. Đây cũng là thời điểm đánh dấu 10 năm bác sĩ A.Yersin được Thủ tướng Chính phủ truy tặng danh hiệu Công dân danh dự Việt Nam.

Cố nhà thơ Giang Nam từng chia sẻ rằng: “Bác sĩ A.Yersin là người nước ngoài đầu tiên chọn Xóm Cồn nghèo của ngư dân Nha Trang để ở. Ông cũng là người nước ngoài đầu tiên, duy nhất được nhân dân Nha Trang – Khánh Hòa tôn thờ trong chùa sau khi mất và được công nhận là Danh nhân lịch sử của Việt Nam, Công dân danh dự Việt Nam. Tất cả đến từ tình yêu vô điều kiện của bác sĩ A.Yersin đối với vùng đất và người Nha Trang – Khánh Hòa”.

Đông đảo nhân dân đến dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài bác sĩ A.Yersin ở bên bờ biển Nha Trang.

Bác sĩ A.Yersin sinh ra ở Thụy Sĩ, mang quốc tịch Pháp nhưng lại gắn bó mật thiết với người dân Nha Trang – Khánh Hòa. Bao thế hệ người dân nơi đây vẫn nối tiếp nhau bày tỏ tấm lòng tri ân một cách thiết thực, chân thành nhất đối với ông.

Để đến hôm nay, chúng ta vui mừng khi các di tích liên quan đến bác sĩ A.Yersin như: Thư viện tại Viện Pasteur Nha Trang; các di tích ở xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) gồm có chùa Linh Sơn Pháp Ấn – nơi từng là nhà làm việc của ông, nhà làm việc của ông trên đỉnh Hòn Bà và mộ phần của ông vẫn được gìn giữ cẩn thận. Tên ông cũng được trang trọng đặt cho các công trình trường học, đường phố, công viên, bệnh viện…

Bên cạnh đó, còn có Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin với nhiều hoạt động tích cực, như: Khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo; tổ chức các đợt thiện nguyện chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống; trao học bổng động viên các em nhỏ vượt khó học giỏi…

Từ đó, tiếp tục lan tỏa những thông điệp yêu thương, truyền bá tinh thần nhân văn, nhân ái của bác sĩ A.Yersin đến người dân trong nước và quốc tế.

Dẫu cuộc sống có trải qua bao thăng trầm, tình cảm của ông Năm Yersin vẫn còn mãi trong lòng người dân Nha Trang – Khánh Hòa. Kỷ niệm 160 năm ngày sinh của bác sĩ A. Yersin, mỗi người càng cảm nhận sâu sắc hơn về hành động và lý tưởng của ông.

Ông Đống Lương Sơn – Chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin: Chúng tôi cảm thấy vui mừng khi những việc làm, hành động nhằm tri ân công lao của bác sĩ A.Yersin ngày càng thiết thực, hiệu quả. Từ đó, lan tỏa tinh thần của ông đến mọi tầng lớp nhân dân.

Chúng tôi mong muốn, dự án xây dựng Bảo tàng A. Yersin mới sẽ sớm được triển khai. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh quan tâm thực hiện các bước cần thiết để sớm đưa di tích nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin trên đỉnh Hòn Bà vào phục vụ nhu cầu tham quan trở lại của người dân và du khách.        

Giang Đình

Báo Khánh Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *