“Về với Lắk cùng người M’Nông/ Thuyền độc mộc dạo ngắm hồ xanh/ Và đừng quên Tháng Ba về phố núi Buôn Ma Thuột say hội Cà phê…”. Đó là tiếng lòng của người dân phố núi mời gọi du khách thập phương đến với Đắk Lắk mỗi dịp Tết đến Xuân về.
- Sôi nổi Hội thi tay nghề Công ty Cổ phần Viên Sơn năm 2022
- Festival Huế 2023 có hơn 150 hoạt động lớn nhỏ, diễn ra suốt 4 mùa
- Kiwuki Park mang môn thể thao Bóng gỗ Nhật Bản về núi rừng LangBiang
- Doanh nhân Dương Thị Hạnh là Đại sứ Danh dự CLB Doanh nhân Việt Nam – Asean
- UBND tỉnh Đắk Lắk chọn Công ty Truyền thông sự kiện PRO là đơn vị Truyền thông Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023
Nồng nàn hương Cà phê Ban Mê
Những giai điệu thiết tha, trữ tình: “Tháng Ba, mùa con ong đi lấy mật/ Mùa con voi xuống sông hút nước/ Mùa em đi phát rẫy làm nương…/ Tháng Ba, rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ/ Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát…” – (trích nhạc phẩm Tháng ba Tây Nguyên) khiến bao nhịp đập tim yêu không khỏi thổn thức, bâng khuâng về vùng đất đỏ Bazan đầy nắng và gió Buôn Ma Thuột – Điểm đến của Cà phê thế giới.
Buôn Ma Thuột là thành phố trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, nằm ngay trung tâm vùng đất đỏ Bazan của khu vực Tây Nguyên. Thời tiết ở đây khá thú vị, có thể thưởng thức một ngày tới bốn mùa, sáng mát mẻ như mùa Xuân, trưa nắng ấm như mùa Hè, chiều xuống không khí thoải mái như mùa Thu và tối đến sẽ se se lạnh như mùa Đông.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, thổ nhưỡng trù phú và con người cần cù, chịu khó, năng động sáng tạo, nơi đây nhanh chóng trở thành “thủ phủ cà phê” cả nước, góp phần đưa Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ cà phê thế giới.
Du khách đến đây mùa lễ hội sẽ được hòa mình vào không khí nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu, như: Hội voi, đua thuyền độc mộc, trải nghiệm những nghi lễ truyền thống độc đáo của đồng bào Tây Nguyên, thưởng thức rượu cần, nhảy múa quanh ánh lửa bập bùng, bên mái nhà sàn hun hun khói tỏa…
Bên cạnh đó, thong dong đi bộ, tham quan Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột, thưởng lãm những chương trình nghệ thuật đặc sắc và nhâm nhi ly cà phê miễn phí, nồng nàn phố núi cao nguyên đất đỏ Bazan…
Người dân Ban Mê có nhiều cách để thưởng thức cà phê, như: Cà phê đen đá chỉ cần có chút cà phê và vài viên đá nhỏ là xong; cà phê sữa đá thì thêm chút xíu sữa đặc rồi khuấy lên và thưởng thức; cầu kỳ hơn thì có thể gọi ly cà phê pha phin để ngồi nhìn từng giọt cà phê rơi, tìm đến những giây phút lắng đọng, bình yên hiếm hoi giữa nhịp sống xô bồ, ồn ào nơi phố thị…
Ngoài ra, Hội voi và Đua thuyền độc mộc cũng khá thú vị, kích thích sự tò mò của du khách. Đúng như tên gọi, thuyền độc mộc nghĩa là thuyền được đục đẽo chỉ từ một thân gỗ lớn nguyên vẹn, thẳng, đường kính lớn để chở hoa màu và để người đồng bào nơi đây có thể di chuyển dễ dàng trên hồ Lắk hòa cùng nhịp sống mưu sinh bình lặng.
Ban đầu, người dân buôn làng thường tổ chức những cuộc đua thuyền độc mộc với quy mô nhỏ để thư giãn, sau những ngày thu hoạch mùa màng mệt nhọc. Dần về sau, hoạt động ý nghĩa này trở thành nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực hồ Lắk nói riêng và Đắk Lắk nói chung…
Điểm đến của Cà phê thế giới
Theo thống kê, Việt Nam có 19 tỉnh sản xuất cà phê. Trong đó, Đắk Lắk chiếm gần 1/3 tổng diện tích và sản lượng cà phê toàn quốc, với khoảng 210.000 ha, sản lượng bình quân đạt 520.000 tấn/năm, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước có sản lượng cà phê đứng thứ hai thế giới. Đắk Lắk cũng là địa phương duy nhất của cả nước tổ chức Lễ hội Cà phê. Đây là sự kiện hai năm diễn ra một lần, mang tầm quốc gia, quốc tế được người dân và du khách mong đợi.
Với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của Cà phê thế giới”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 10-14/3, với đa dạng các hoạt động đặc sắc, nhằm quảng bá thương hiệu Cà phê Đắk Lắk, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng thời, thông qua lễ hội nhằm tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung. Qua đó, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng địa phương; thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk.
Tại Lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động đa dạng và đặc sắc, như: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê; Hội thảo phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao; Hội nghị kết nối giao thương quốc tế; Triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Văn hóa cà phê Việt Nam – Hành trình kiến tạo di sản văn hóa” và Lịch sử cà phê Thế Giới”.
Bên cạnh đó còn có Lễ hội đường phố với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Nơi hội tụ ba nền văn minh cà phê Thế Giới’; Hội thi Nhà nông đua tài; Cuộc thi Pha chế cà phê đặc sản; Lễ hội ánh sáng; Ngày hội cà phê miễn phí; Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê; Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột.
Hội voi Buôn Đôn; Hội Đua thuyền độc mộc huyện Lắk; Tour du lịch trải nghiệm, khám phá các sản phẩm du lịch mới; biểu diễn ca kịch “Khát vọng Dam San”; một số hoạt động văn hóa thể thao và du lịch do các địa phương đăng ký tham gia hưởng ứng lễ hội… hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị dành cho người dân và du khách thập phương.
Viên Hữu – Tâm An
- VCCI bắt tay STAMEQ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
- Thu nhập bình quân người lao động Nhôm Đắk Nông đạt gần 14 triệu đồng/tháng
- Đà Lạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
- Lâm Đồng khuyến khích doanh nghiệp phát triển du lịch canh nông
- Cen Land của Shark Hưng lập kỷ lục doanh thu, tăng trưởng 164%