Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế được xem như cú huých quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là ngành du lịch của Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.
- Quần thể khu du lịch PiNi Đà Lạt nhận kỷ lục châu Á
- Ngắm Đà Lạt về đêm trên những chuyến tàu cổ
- Lâm Đồng sẽ đón 9,7 triệu lượt du khách trong năm 2024
- Dalat Best Dance Crew 2024 ‘hâm nóng’ Đà Lạt dịp Lễ 30.4
- Loạt sự kiện Văn hoá – Thể thao – Du lịch tại Đà Lạt thu hút khách trong năm 2024
Sáng ngày 23/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự lễ công bố quyết định chuyển Cảng hàng không Liên Khương (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) thành cảng hàng không quốc tế.
Với quyết định này, Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế đầu tiên của khu vực Tây Nguyên. Đây được xem như cú huých quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là ngành du lịch của Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.
Từ tháng 1/2017 đến nay, Cảng hàng không Liên Khương đã phục vụ hơn 1.700 chuyến bay không thường lệ (charter) từ Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc đến Đà Lạt của các hãng hàng không Air Asia, Korean Air, Thai Vietjet, Vietjet Air.
Hiện tại, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương đón 6 chuyến bay quốc tế/ngày. Hãng hàng không Vietjet Air đang khai thác 2 đường bay từ Đà Lạt đi Incheon và Pusan (Hàn Quốc) với tần suất 6 chuyến bay/tuần.
Trong khi đó Jeju Air của Hàn Quốc là hãng hàng không nước ngoài duy nhất đang khai thác đường bay từ Hàn Quốc đến Đà Lạt với tần suất 14 chuyến/tuần.
Cảng hàng không Liên Khương được Chính phủ quy hoạch là một trong 14 cảng hàng không quốc tế và là một trong 30 cảng hàng không của Việt Nam đến năm 2030.
Ngày 17/5/2024, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Liên Khương là cảng hàng không cấp 4E – cấp cao nhất ở Việt Nam hiện nay, công suất phục vụ 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hoá mỗi năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến công suất của cảng hàng không sẽ được nâng lên 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hoá mỗi năm.
Thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương sẽ giữ nguyên nhà ga hành khách T1 công suất 2 triệu hành khách/năm, quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.
Đến năm 2050, sẽ mở rộng nhà ga hành khách T2 để tổng công suất toàn cảng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm, dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.
Cảng hàng không quốc tế Liên Khương cách TP Đà Lạt khoảng 28 km, được khởi công xây dựng và hoạt động dưới sự quản lý của Pháp vào năm 1933, lấy tên là sân bay Liên Khàng.
Sau đó hơn 20 năm sau, Mỹ tiếp quản sân bay và cho sửa chữa, nâng cấp sân bay lần đầu, cùng với việc đổi tên thành sân bay Liên Khương.
Từ sau 30/4/1975 đến năm 1980, sân bay được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản và điều hành.
Từ năm 1981-1985, cảng hàng không triển khai hoạt động phục vụ vận chuyển hành khách, đường bay TP Hồ Chí Minh – Liên Khương với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay AK40.
Từ năm 1992, cảng hàng không triển khai họat động phục vụ vận chuyển hành khách trở lại, ngoài đường bay TP Hồ Chí Minh – Liên Khương, thời kỳ này còn mở thêm Liên Khương – Huế và ngược lại, loại máy bay sử dụng là AK40 và sau này được thay thế bằng ATR.72.
Ngày 2/9/2003, khởi công dự án “Cải tạo mở rộng, nâng cấp đường HCC, đường lăn, sân đỗ máy bay – cảng hàng không Liên Khương” nhằm bảo đảm khai thác được các loại máy bay dân dụng tầm trung như A320, A321 và tương đương; đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp 2.
Từ năm 2018, cảng hàng không đã khai thác đạt công suất thiết kế quanh mức 2 triệu hành khách/năm. Năm 2023 đã đạt công suất hơn 2,5 triệu hành khách và dự kiến năm 2024 sẽ đạt sản lượng tương tự hoặc vượt năm 2023.
Viên Hữu
- Hạnh phúc nhân đôi với lái xe Mai Linh đỡ đẻ thành công trên xe taxi
- Thủ tướng: Sớm có giải pháp đột phá để giảm chi phí cho doanh nghiệp
- Xứ Trầm Hương mãi nhớ ông Năm Yersin
- Công ty Điện lực Đắk Lắk: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh
- TS Phạm S: Đà Lạt là “kho báu” khơi nguồn cảm xúc sáng tạo