Từ 16h chiều ngày 31/10, website của UNESCO công bố Đà Lạt cùng 54 thành phố khác được gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. Nhưng phải đến gần 12 giờ khuya, khi nhận được email xác nhận chính thức, lãnh đạo thành phố mới dám tin đó là sự thật trong niềm hạnh phúc vỡ oà.
- Lần đầu tổ chức cuộc thi Người mẫu nhí Tây Nguyên
- Kiến nghị giảm 2% thuế VAT cho mọi hàng hoá, dịch vụ
- Tưng bừng lễ hội Halloween tại Dalat Fairytale Land
- Lâm Đồng ‘chọn mặt gửi vàng’ dự án Khu công nghiệp Phú Bình
- Nhân Hòa Đà Lạt khởi công xây Nhà nhân ái cho gia đình khó khăn
Chia sẻ với báo giới trong buổi gặp gỡ trưa ngày 2/11, về tin vui Đà Lạt chính thức được gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết, vẫn vẹn nguyên cảm giác hồi hộp và lâng lâng hạnh phúc.
Ông Đặng Quang Tú kể, chiều ngày 31/10 – thời điểm UNESCO công bố danh sách các thành phố mới được gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo, lãnh đạo TP Đà Lạt như “nín thở” chờ kết quả. Chốc chốc ông Tú lại kiểm tra điện thoại, chờ email thông báo từ UNESCO.
Đúng 16h chiều, thông tin Đà Lạt cùng 54 thành phố khác chính thức gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO được đăng tải trên website của UNESCO. Rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi thông báo, chúc mừng nhưng lãnh đạo thành phố vẫn chưa dám tin đó là sự thật.
“Phải đợi đến 23h58 khuya 31/10, khi nhận được email xác nhận chính thức của UNESCO gửi đến thông báo kết quả, tôi vỡ oà hạnh phúc và thông báo thông tin đến với mọi người. Thế là lãnh đạo thành phố được một đêm mất ngủ vì vui”, Chủ tịch TP Đà Lạt kể lại.
Với tư cách là chủ tịch thành phố cũng như là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đà Lạt, ông Đặng Quang Tú chia sẻ, được gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO là một vinh dự, một niềm tự hào rất lớn của Đà Lạt mà không phải thành phố nào cũng có được.
“Năm 2023 là cột mốc quan trọng đánh dấu Đà Lạt tròn 130 năm hình thành và phát triển (1893 – 2023). Cùng nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc được thực hiện xuyên suốt trong năm, sự kiện Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thành phố”, ông Đặng Quang Tú khẳng định.
Chủ tịch TP Đà Lạt cũng cho biết, là thành phố sáng tạo âm nhạc đầu tiên của Việt Nam, Đà Lạt sẽ trở thành nơi kết nối trọng điểm về âm nhạc của Việt Nam với quốc tế thông qua trao đổi kinh nghiệm và thực hành tốt nhất giữa các thành phố trong mạng lưới, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Các dự án và sự kiện âm nhạc, chương trình đào tạo và lưu trú quốc tế sẽ được thực hiện để nuôi dưỡng nguồn nhân lực âm nhạc chất lượng cao, phát triển cộng đồng âm nhạc có thị hiếu đa dạng, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp sáng tạo.
Chủ tịch TP Đà Lạt cũng khẳng định, để đạt được danh hiệu thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO đã khó, giữ gìn và phát huy nó càng khó hơn. Vì thế, trong 4 năm đầu tiên sau khi đạt được danh hiệu, với sự tham gia của các bên liên quan, Đà Lạt sẽ huy động nguồn lực bước đầu của địa phương, quốc gia và châu Á để tiếp tục lưu truyền di sản âm nhạc của Đà Lạt gồm nhạc trẻ, dân ca, dân vũ, đặc biệt là Cồng chiêng Tây Nguyên. Đồng thời phát triển các loại hình âm nhạc đương đại và khám phá sự tương tác mới mẻ giữa chúng.
Thành phố sẽ bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện các cam kết với UNESCO. Trong đó có 3 sáng kiến, chương trình lớn nhằm đạt được các mục tiêu của mạng lưới cấp địa phương, gồm: di sản âm nhạc của tương lai (MHF), giáo dục âm nhạc vì cộng đồng (MEC) và Dalat Culture in Connection – sáng kiến củng cố và phát triển mạng lưới không gian sáng tạo tại Đà Lạt do chính quyền địa phương hợp tác với các doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo thực hiện.
Đồng thời, triển khai 3 sáng kiến, chương trình lớn nhằm đạt được các mục tiêu của mạng lưới ở cấp quốc tế, đặc biệt là các dự án có liên quan đến các thành phố thành viên khác trong mạng lưới, gồm: Hòa âm Cồng chiêng Đông Nam Á; Thanh âm của đại ngàn và Festival âm nhạc quốc tế LangBiang.
“Thành phố sáng tạo không đơn thuần là một danh hiệu mà còn là chiến lược phát triển với trọng tâm và ưu tiên để bảo đảm mỗi người dân đều được phát huy khả năng sáng tạo, tham gia và thụ hưởng bình đẳng, tạo nên bản sắc riêng biệt cho Đà Lạt. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Đà Lạt, đưa thương hiệu thành phố đến với toàn cầu thông qua âm nhạc”, Chủ tịch TP Đà Lạt Đặng Quang Tú nhấn mạnh.
Cũng tại buổi gặp gỡ với báo chí, bà Trần Thị Vũ Loan – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, đã thông tin khái quát về quá trình thành phố ứng cử gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp, nhà thực hành âm nhạc và phóng viên báo chí đã chia sẻ sự quan tâm, ủng hộ, đồng thời hiến kế để Đà Lạt phát huy có hiệu quả danh hiệu thành phố sáng tạo âm nhạc vừa đạt được.
Viên Hữu
- Tái hiện quá trình hình thành và phát triển 130 năm Đà Lạt
- Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Đại lễ Phật đản
- Tuyến phố đi bộ Trần Quốc Toản – bên Hồ Xuân Hương có gì độc đáo?
- Doanh nghiệp đồng hành cùng Đà Lạt xây dựng Thành phố sáng tạo âm nhạc
- Tập đoàn Protus đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Lâm Đồng