Ngành chè Lâm Đồng tham gia Hội chợ triển lãm chè quốc tế Trung Quốc 2023 với mong muốn giao lưu học hỏi, kết nối giao thương để củng cố vị thế tại thị trường trong nước và không ngừng mở rộng, vươn xa đến thị trường thế giới.
- Bâng khuâng Đà Lạt lập đông
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- 7P trong Marketing – đòn bẩy phát triển Doanh nghiệp
- Tập đoàn Protus đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp Lâm Đồng
- Nữ doanh nhân Lâm Đồng đổi mới sáng tạo, phát triển vững mạnh
“Lâm Đồng là vựa chè lớn nhất và có ngành công nghiệp chè sớm nhất Việt Nam”, ông Dương Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (XTĐTTM&DL) tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ thông tin tại buổi toạ đàm “Ngành chè qua ống kính truyền thông” trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm chè quốc tế Trung Quốc 2023, diễn ra tại Quảng Châu, từ ngày 24 – 27/11.
Dẫn đầu đoàn công tác gồm gần chục doanh nghiệp chè Lâm Đồng tham gia hội chợ triển lãm, ông Dương Quốc Anh cho biết, diện tích chè toàn tỉnh đạt 11.000 ha, sản lượng trên 164.000 tấn, chiếm 25% về diện tích và 27% về sản lượng chè của Việt Nam. Trong đó có những thương hiệu chè nổi tiếng với hương vị trà thanh tao, chứa đựng giá trị văn hóa đã góp phần làm nên thương hiệu “Trà B’lao” nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.
Sau thời gian thực hiện chủ trương chuyển đổi giống chè, đến nay, toàn tỉnh có 34% diện tích chè cao sản và 44,6% diện tích chè chất lượng cao với các giống như: Kim Tuyên, Tứ quý, Ngọc Thúy, Thanh Tâm, LĐ97.
Tổng diện tích chè được chứng nhận theo VietGAP là 315,4 ha, sản lượng 6.416,5 tấn; 5ha chè chứng nhận hữu cơ và 1 doanh nghiệp chè được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng hiện có 11 doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 338 hộ dân với diện tích sản xuất 818 ha, sản lượng 9.547 tấn/năm. Qua đó góp phần kiểm soát và nâng cao chất lượng chè.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm XTĐTTM&DL tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có 209 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến trà với công suất trên 44.600 tấn/năm. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chè hiện nay chủ yếu vẫn là thị trường nội địa, chiếm tới 74,4% sản lượng chè toàn tỉnh.
“Sản lượng chè xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 25,6%, tương ứng khoảng 15 ngàn tấn chè thành phẩm/năm, với giá trị khoảng 35 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Đài Loan, Pakistan, Nga, Hoa Kỳ… với các loại sản phẩm chính như trà ô long, chè đen, chè xanh viên, chè ướp hương”, ông Dương Quốc Anh nói.
Chia sẻ về định hướng phát triển ngành chè trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm XTĐTTM&DL tỉnh Lâm Đồng cho biết, sẽ tiếp tục phát triển theo chiều sâu, tăng cường kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị của sản phẩm.
Đồng thời, hình thành vùng nguyên liệu tập trung bảo đảm chất lượng, gắn với phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó nâng cao hiệu quả chất lượng chè qua chế biến, góp phần tăng sức cạnh tranh của thương hiệu chè Lâm Đồng, củng cố vị thế tại thị trường trong nước và không ngừng mở rộng, vươn xa đến thị trường thế giới.
Hội chợ triển lãm chè quốc tế Trung Quốc 2023 được tổ chức tại khu B – Nhà triển lãm hội chợ Quảng Châu, từ ngày 24 – 27/11. Khu vực triển lãm có quy mô gần 10ha, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp tham gia. Đây là một sự kiện quan trọng, được người trong ngành gọi là “dấu mốc xu hướng” của ngành công nghiệp chè toàn cầu.
Sản phẩm triển lãm bao gồm toàn bộ chuỗi ngành công nghiệp chè; gần một trăm hoạt động kinh tế thương mại và văn hóa, gồm: lễ khai mạc, toạ đàm “ngành chè qua ống kính truyền thông”, diễn đàn chè Trung Quốc đổi mới năm của 2023, lễ trao giải chương trình bình chọn chất lượng chè danh tiếng, lễ hội chè không biên giới…
Chè Việt Nam xuất khẩu đến 74 quốc gia và vùng lãnh thổ
Hiện nay, trên thế giới có hơn 60 quốc gia sản xuất chè, hơn 3 tỷ người sử dụng chè tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích trồng chè và thứ 6 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới.
Cả nước hiện có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với tổng diện tích 130 nghìn ha, sản lượng hơn 1 triệu tấn chè búp tươi/năm, quy ra sản lượng chè khô đạt 196 nghìn tấn (năm 2022). Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu là: Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia…
Tổng giá trị sản phẩm chè của Việt Nam năm 2022 ước tính 12.600 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD). Trong tổng số 196 nghìn tấn chè sản xuất năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng, tương đương với 325 triệu USD.
Viên Hữu
- Tài năng song toàn của Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo (Kỳ 1)
- Lâm Đồng khảo sát sản phẩm, dịch vụ phục vụ Tuần lễ Vàng du lịch 2023
- Đà Lạt chính thức nộp hồ sơ gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO
- Công ty Điện lực Đắk Lắk: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh
- Doanh nghiệp đồng hành cùng Đà Lạt xây dựng Thành phố sáng tạo âm nhạc