Đó là chủ đề của Hội thảo do Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lâm Đồng tổ chức, sắp diễn ra tại TP Đà Lạt.
- Hiến kế vì sự phát triển Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng
- Điểm đến cho thương hiệu Việt vào thị trường Trung Quốc
Sáng ngày 16/9 tới đây, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam (VICETA) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lâm Đồng, sẽ tổ chức hội thảo “Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Cơ hội và thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên”.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia: Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch VICETA – nguyên Trưởng đoàn đàm phán Kinh tế thương mại Chính phủ, Đoàn đàm phán gia nhập WTO; ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; lãnh đạo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam)…
Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ về cơ hội, thách thức và lợi ích của Việt Nam khi tham gia Hiệp định RCEP; vai trò và ý nghĩa của Hiệp định RCEP đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, khi mở cửa thị trường nông sản trong Hiệp định RCEP cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường RCEP, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, tại hội thảo, các chuyên gia cũng sẽ đưa ra các khuyến nghị với doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân phải làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, tận dụng cơ hội hiệp định mang lại.
Ban tổ chức cũng dành thời gian để các doanh nghiệp, hợp tác xã trao đổi, thảo luận với các chuyên gia về các vấn đề còn thắc mắc. Ngoài ra còn có phần ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng và Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt bố trí không gian trưng bày sản phẩm và kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trên địa bàn khu vực Tây Nguyên.
RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Hiệp định sẽ hợp nhất hơn 2,2 tỷ người, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Đối với Việt Nam, RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế và mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Ngoài việc tạo nên một thị trường lớn, thì Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6%-89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 90,7%-92% số dòng thuế.
RCEP được nhận định sẽ mang lại cơ hội “vàng” cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đi kèm với đó sẽ là không ít thách thức đặt ra, do đó, cần có những giải pháp để tận dụng cơ hội và ứng phó với thách thức mà RCEP mang đến.
Theo TS Trà My – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, doanh nghiệp hai nước Việt – Trung đều có nhu cầu rất lớn về kết nối thương mại. Việc RCEP có hiệu lực đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang thị trường khổng lồ Trung Quốc. RCEP có lợi cho việc giảm rào cản thuế quan và phi thuế quan, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các biện pháp tăng cường thu nhập. Trước thềm RCEP, hai nước Việt – Trung còn có rất nhiều không gian hợp tác, hai bên sẽ có ngày càng nhiều hơn nữa, các chương trình hợp tác thiết thực.
Cũng theo TS Trà My, cùng với số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Trung Quốc ngày càng tăng, để hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu tốt hơn về chính sách ưu đãi và sớm hoà nhập được vào thị trường Trung Quốc, Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cùng với những cơ quan hữu quan trong nội địa Trung Quốc sẽ đưa ra một số chương trình trong vòng vài năm tới, để hỗ trợ càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường Trung Quốc.
“Đối với các doanh nghiệp Việt Nam có ý định hợp tác với Trung Quốc, chúng ta nên xác định ưu thế của mình trong khuôn khổ RCEP, hiểu biết đầy đủ những quy tắc liên quan đến RCEP, sử dụng tốt cơ hội lớn này, để đưa ra kế hoạch kinh doanh phù hợp nhất với doanh nghiệp mình”, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc chia sẻ.
11 mặt hàng nông sản được xuất chính ngạch vào Trung Quốc
Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc là Chi hội liên kết của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV – trực thuộc Bộ Ngoại giao). Hưởng ứng Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ, Kiều bào và khối doanh nghiệp Kiều bào Việt Nam ở Trung Quốc nỗ lực cùng chung tay đưa Nông sản Việt đến với Thế giới.
Qua kết nối và tìm hiểu nhu cầu từ phía đối tác Trung Quốc, Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết, hiện có 11 loại hàng nông sản được xuất chính ngạch vào Trung Quốc và đang có nhu cầu rất lớn, đó là: Thanh Long, mít, chuối, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, măng cụt, và đang xuất thí điểm sầu riêng và chanh leo.