Tây Nguyên tìm giải pháp phát triển bơ bền vững

Bơ là một trong những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, được đánh giá là loài cây trồng tiềm năng, có nhiều thế mạnh để phát triển. Tuy nhiên, cây bơ vùng Tây Nguyên cũng đang đứng trước khá nhiều khó khăn, thách thức cần tháo gỡ để phát triển bền vững.

Sáng 25/8, tại TP Gia Nghĩa, trong khuôn khổ Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông phối hợp với Trung tâm Phát triển cộng đồng (CDC) – đối tác địa phương của CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu KH&CN Úc), tổ chức hội thảo “Giải pháp nào cho phát triển cây bơ ở Tây Nguyên”.

Ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, bơ là một trong những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, được đánh giá là loài cây trồng tiềm năng, có nhiều thế mạnh để phát triển.

Trong thời gian qua, sản phẩm bơ tại khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, giá trị hàng hóa của quả bơ còn thấp bởi hạn chế trong khâu ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy mô sản xuất manh mún, chưa xây dựng được thương hiệu và chỉ dẫn địa lý; hệ thống thông tin thị trường còn hạn chế, đặc biệt là những thị trường lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông mong rằng, hội thảo là một diễn đàn, kênh đối thoại trực tiếp để các bên liên quan có thêm thông tin và cùng nhau tìm ra giải pháp phát triển cây bơ bền vững ở khu vực Tây Nguyên, cũng như những cơ hội mang lại giá trị kinh tế cho người dân, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp nông dân và nông thôn.

Ông Hoàng Văn Thuần – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông, chia sẻ thông tin.

Ông Hoàng Văn Thuần – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đắk Nông, cho rằng, là vùng có diện tích bơ lớn nhất cả nước, nhưng cây bơ và sản phẩm bơ của Tây Nguyên chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, vì chủ yếu người dân bán qua thương lái.

Cũng theo ông Thuần, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, thiếu sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Giá sản phẩm hàng hóa còn thấp, không ổn định… Do đó, việc thúc đẩy phát triển ngành hàng bơ cho các tỉnh Tây Nguyên đang là các vấn đề chung, đòi hỏi các giải pháp và sự nỗ lực mang tính liên ngành liên vùng của cả khu vực.

“Với sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, chuyên gia và các tác nhân trong chuỗi giá trị bơ, hội thảo sẽ có những thảo luận chuyên sâu để tìm ra giải pháp phát triển bền vững cây bơ Tây Nguyên”, Giám đốc Sở KH&CN Đắk Nông, kỳ vọng.

Lãnh đạo Sở KH&CN Đắk Nông “tiếp thị” bơ địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng sản xuất bơ ở Tây Nguyên; tham luận về cơ cấu giống, các vấn đề về kỹ thuật trong sản xuất bơ; các vấn đề về thu hoạch, sơ chế và công nghệ sau thu hoạch đối với sản phẩm bơ…

Trên cơ sở đó, nhận diện khả năng, thách thức và cơ hội xuất khẩu bơ của Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Hy vọng tìm ra lời giải đáp đúng đắn và có phương cách giải quyết tốt nhất cho những vấn đề khoa học mà hội thảo đã đặt ra.

Viên Hữu

Doanh nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *