Với mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc bản địa và khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch, Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2023 có nhiều chương trình đặc sắc nhằm tái hiện nét đẹp di sản văn hoá Nam Tây Nguyên.
- Đánh thức tiềm năng du lịch Đam Rông
- Về Đam Rông ăn dứa mật, uống trà trầm
- Chuỗi sự kiện độc đáo chào mừng 130 năm thành phố Đà Lạt
- Gần 50 doanh nghiệp tham gia Cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” 2023
- Lâm Đồng khảo sát sản phẩm, dịch vụ phục vụ Tuần lễ Vàng du lịch 2023
Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng lần thứ 2 năm 2023 có chủ đề “Lâm Đồng – Cao nguyên hùng vĩ” sẽ chính thức khai mạc vào lúc 19h30 ngày 27/4, tại Quảng trường Lâm Viên, với 19 chương trình văn hoá, nghệ thuật chính diễn ra trên khắp các huyện, thành phố.
Trong đó, tâm điểm là 13 chương trình “Du lịch trải nghiệm, văn hoá và ẩm thực” diễn ra tại TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương. 3 chương trình “Du lịch cộng đồng” diễn ra tại TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông. 3 chương trình “Khám phá vùng đất Nam Lâm Đồng” diễn ra tại các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Ngoài mục tiêu xây dựng chuỗi sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Lâm Đồng, Tuần lễ vàng du lịch còn được kỳ vọng góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc bản địa; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Chính vì thế, tại sự kiện lần này, ban tổ chức đã xây dựng nhiều chương trình tái hiện nét đẹp di sản văn hoá Nam Tây Nguyên, diễn ra ở nhiều địa phương. Trong đó phải kể đến “Không gian trưng bày giới thiệu văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng”, diễn ra từ ngày 29/4 đến hết ngày 3/5, tại Đài phun nước – Quảng Trường Lâm Viên, TP Đà Lạt.
Đây sẽ là không gian giới thiệu các lễ hội truyền thống, trưng bày các hiện vật, sản phẩm văn hóa, sản phẩm thủ công truyền thống. Trình diễn quy trình chế tác, sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó còn trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các địa phương.
Cũng tại không gian này còn diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian và trình diễn trang phục truyền thống với chủ đề “Nét đẹp di sản Văn hóa Nam Tây Nguyên”, với sự tham gia của các nghệ nhân và người dân đến từ các huyện, thành phố.
Qua đó giới thiệu và tôn vinh giá trị các di sản văn hóa Việt Nam, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Lâm Đồng nói riêng, văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam nói chung. Nhằm nâng cao nhận thức về di sản văn hóa Việt Nam trong cộng đồng cũng như trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2023, chiều ngày 26/4, tại Làng Văn hóa Chu Ru (xã Pró, huyện Đơn Dương) diễn ra Đêm lửa trại với chủ đề “Âm vang Đơn Dương”.
Tại đây, người dân, du khách sẽ đắm chìm trong các tiết mục trình diễn văn hoá cồng chiêng và hội thi ẩm thực với các món ăn dân gian độc đáo, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng.
Cũng trong ngày 26/4, tại huyện Lâm Hà sẽ diễn ra chương trình tái hiện “Lễ cưới của người K’Ho”, nhằm góp phần quảng bá và tuyên truyền, giữ gìn các lễ hội, phong tục văn hóa của người dân tộc bản địa tại địa phương.
Ngày 28/4, tại huyện Đức Trọng diễn ra chương trình tái hiện “Lễ hội mừng lúa chín”, với các nghi thức của đồng bào dân tộc Chu Ru nhằm cảm tạ thần linh, ông bà tổ tiên đã phù hộ, mang đến cho đồng bào có được một vụ mùa bội thu.
Sáng ngày 29/4, tại Khu phức hợp Ma rừng lữ quán 2 (tiểu khu 120, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) sẽ diễn Giải đua ngựa không yên huyện Lạc Dương lần thứ 2 – năm 2023, để giới thiệu, quảng bá lễ hội truyền thống của người K’Ho. Tiến tới xây dựng môn thể thao đua ngựa không yên của người đồng bào K’Ho trở thành di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Cũng trên địa bàn huyện Lạc Dương, vào tối ngày 29/4, tại Quần thể Khu du lịch PINI (thôn Đạ Nghịt, xã Lát), sẽ diễn ra Liên hoan Văn hoá Cồng chiêng – “Tiếng gọi Đại ngàn”, với sự tham gia của 5 đội văn hóa nghệ thuật cồng chiêng của các địa phương.
Liên hoan nhằm giới thiệu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã được UNESCO công nhận năm 2005.
Viên Hữu