Những năm qua, doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong điều kiện bất lợi ấy, DN kỳ vọng lớn vào vai trò của chính quyền địa phương về các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để DN phục hồi và phát triển ổn định.
Diễn đàn Thương hiệu & Truyền thông xin trích dẫn bài PV Báo Đắk Lắk ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp trên địa bàn về vấn đề này.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Đánh thức tiềm năng du lịch Đam Rông
- Gần 50 doanh nghiệp tham gia Cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” 2023
- Simexco DakLak mang cà phê đặc sản Tây Nguyên chinh phục Cafe Show Vietnam 2023
* Tổng Giám đốc Công ty MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak) – Lê Đức Huy: Tăng quỹ đất để thu hút nhà đầu tư.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, quỹ đất, đất khu công nghiệp sẵn sàng cho DN, nhà đầu tư đầu tư vào còn hạn chế. Chính vì vậy, tỉnh cần tập trung đầu tư, mở rộng, phát triển quỹ đất, đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp và trung tâm dịch vụ logistics.
Trong đó, cần quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp theo hướng liên kết, hình thành các cụm công nghiệp phụ trợ để kêu gọi các nhà đầu tư. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị…
* Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và Thương mại Damsan – Lê Hoàng Cơ: Cần giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trên địa bàn tỉnh hiện có những dự án chậm tiến độ gây ra sự nguội lạnh của các nhà đầu tư và thị trường. Bên cạnh đó, Đắk Lắk có tài nguyên văn hóa, du lịch cảnh quan… nhưng về chính sách và cơ chế đối với các nhà đầu tư chưa phù hợp.
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch vẫn chưa có những kế hoạch cụ thể để tập trung vào trọng tâm mà chỉ thực hiện theo cảm tính. Nhiều nhà đầu tư không quay trở lại Đắk Lắk một phần vì khi có vướng mắc, chính quyền địa phương không có phương án để tháo gỡ những khó khăn. Muốn ngành du lịch phát triển, Đắk Lắk cần có cơ chế hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, cùng tìm ra giải pháp để ngành du lịch phát triển.
* Giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Coffee – Phạm Hoài Nguyên Anh: Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến nhất định, tạo điều kiện cho DN phát triển. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số hạn chế về thủ tục hành chính.
Bởi đối với một DN, cơ hội làm ăn chỉ đến trong thời gian ngắn, nếu việc giải quyết thủ tục pháp lý không kịp thời thì cơ hội sẽ mất đi. Tôi hy vọng sẽ được hỗ trợ, tiếp cận vay vốn với mức lãi suất phù hợp để áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm.
* Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương – Nguyễn Thị Thu Phương: Thiếu các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh.
Thời gian qua, chúng tôi đã đón nhận được rất nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển về cơ sở hạ tầng và quy hoạch phát triển chế biến công nghệ cao chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế nông nghiệp của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh chưa có nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù riêng để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Ngoài ra, việc quy hoạch và chỉ đạo, thực hiện quy hoạch chưa sát sao dẫn đến sự phát triển ồ ạt và tự phát của một số loại sản phẩm. Do đó, thị trường không được ổn định, nông sản biến động, được mùa mất giá và ngược lại, gây rủi ro cho các doanh nghiệp sản xuất.
* Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sầu Riêng Tây Nguyên – Vũ Hoàng Huynh: Tăng cường truyền thông các chủ trương, chính sách.
Tôi nhận thấy môi trường đầu tư tại Đắk Lắk khá tốt. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn trong liên kết giữa DN với nông dân, chính quyền cần tăng cường truyền thông các chủ trương, chính sách về nông nghiệp để bà con hiểu, hợp tác với các DN khi họ đến đầu tư.
Vì trong quá trình triển khai hợp tác, liên kết với nông dân, các DN thường mất khá nhiều thời gian cho việc cung cấp thông tin, vận động, hướng dẫn người dân để họ cùng đồng hành với DN trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Nhóm PV (thực hiện)