Về Đam Rông ăn dứa mật, uống trà trầm

Thật khéo khi kết hợp vị ngọt thanh của dứa mật, vị cay nồng của muối ớt xiêm, với vị nhân nhẫn nơi đầu lưỡi của trà trầm. Dư vị ngon ngót còn lắng đọng nơi cổ họng cứ man mác theo chân lữ khách khắp dặm dài sông núi Đam Rông.

Một chiều trung tuần tháng 4, đoàn khảo sát sản phẩm du lịch, dịch vụ để phục vụ Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2023 của chúng tôi đặt chân đến vùng đất khó Đam Rông. Đầu hè, tiết trời oi bức sau nhiều ngày làm giông nhưng cơn mưa vẫn đi hoang quên về. Hai bên đường tím ngắt sắc bằng lăng làm nao lòng lữ khách.

Dứa mật Đam Rông.

Đón chúng tôi là Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai, cùng lãnh đạo Phòng Văn hoá và Thông tin, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn và đặc biệt là những đĩa dứa (thơm) đã gọt sẵn.

Có lẽ lãnh đạo huyện Đam Rông muốn mời khách ăn dứa thay trầu để mở đầu câu chuyện. Sau mấy chục cây số đường đèo uốn lượn như sợi chỉ ngoằn ngoèo giữa dãy Trường Sơn Đông, chúng tôi ai nấy đều mệt lả, cứ nấn ná chưa muốn nhận lấy quà, phần vì sợ nóng, phần sợ ăn vào uống nước bị mất vị.

Trước sự hiếu khách và lời mời nhiệt tình của Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Đam Rông Nguyễn Văn Quang, chúng tôi đón nhận miếng dứa để thưởng thức. Một miếng, hai miếng, rồi cả phòng bỗng rôm rả, tươi tỉnh hẳn lên bởi mùi thơm và sự mát lành từ dứa.

Cái vị ngọt thanh, mọng nước của dứa quyện với vị mặn nồng, cay cay của muối ớt xiêm rừng như đánh thức mọi giác quan, khiến thực khách cứ thòm thèm, muốn ăn mãi.

Thế là xen lẫn trong câu chuyện tiềm năng, thế mạnh du lịch Đam Rông, lại có thêm câu chuyện về… dứa.

Đam Rông tính chuyện dài hơi cho cây dứa mật.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai, đây là dứa mật (dứa Cayen) – một loại sản vật của Đam Rông. Những năm gần đây, do giá một số loại nông sản giảm sâu, nhiều nông hộ trên địa bàn xã Rô Men đã chọn dứa mật để chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập. Từ vài hộ trồng ban đầu đã cho thu nhập ổn định, nhiều hộ khác học tập làm theo, nhân rộng diện tích lên hơn 40ha, sản lượng khoảng 30 tấn/ha, thu nhập 270-320 triệu đồng/ha/năm.

Nhờ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên dứa mật Đam Rông cho quả to, mọng nước và ngọt thanh hơn những nơi khác. Dứa là cây dễ trồng, không tốn nhiều nước, ít sâu bệnh hại, ít phải sử dụng phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, nên phù hợp với trình độ canh tác của người dân địa phương, đặc biệt là bà con đồng bào thiểu số.

“Xác định cây dứa là sản phẩm có tiềm năng lớn, diện tích trồng đang được mở rộng, sản lượng thu hoạch dần tăng cao, chính quyền địa phương đang tính chuyện dài hơi như xây dựng thương hiệu, phát triển chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, để người dân yên tâm gắn bó và phát triển cây trồng này”, Phó Chủ tịch Liêng Hót Ha Hai, chia sẻ.

Thường thì sau khi ăn dứa ngại nhất là khâu uống nước vì bị rát lưỡi. Thế nhưng lạ thay, sau một hồi ăn dứa mật Đam Rông uống nước vào vẫn cảm nhận được vị ngọt, không hề bị mất vị. Có lẽ, ngoài vị ngọt thanh và mọng nước, đây là điều đặc biệt của loại dứa này, nhưng chưa nhiều người để ý tới.

Thưởng thức Trà trầm Đam Rông.

Tôi đem thắc mắc này chia sẻ với cán bộ văn hoá tên Ân, cô chỉ cười và mang đến thêm một ly nước khác còn đang nóng hổi để kiểm chứng. Theo lời giới thiệu thì đây là Trà trầm Đam Rông HDT – một loại trà dược liệu do Công ty Dó bầu Hương Quảng Nam trồng và chế biến ngay tại vùng đất này.

Trà trầm được tạo ra từ lá cây gió bầu tiêm tinh dầu trầm sau 6 tháng mới thu hoạch. Trà có mùi hương thanh mát của lá tươi, uống vào có vị hơi nhẫn nơi đầu lưỡi, nhưng dư vị ngọt hậu man mác.

Thật khéo khi kết hợp vị ngọt thanh của dứa mật, vị mặn nồng, cay cay của muối ớt xiêm, với vị nhân nhẫn nơi đầu lưỡi của trà trầm. Và cái dư vị ngon ngót còn lắng đọng nơi cổ họng cứ mơn man theo chân lữ khách khắp dặm dài sông núi Đam Rông.

Trước những lời khen nức nở của chúng tôi với các loại sản vật địa phương, ông Đoàn Trương Duy – Giám đốc Công ty TNHH City House Advisory, đơn vị vận hành Suối khoáng nóng DAANA (xã Đạ Tông), dự án du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên và duy nhất hiện nay của huyện Đam Rông cho biết, đang ấp ủ xây dựng một khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện nhà tại khu du lịch. Đây sẽ là kênh quảng bá rất tốt để dứa mật, trà trầm, trà dây, chuối laba Đạ K’Nàng… tiếp cận gần hơn với du khách.

“Tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua hoạt động văn hoá, du lịch là một kênh tiêu thụ hữu ích, giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa có thể giới thiệu, bán được sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Đồng thời giúp du khách tiếp cận được đúng các sản phẩm chất lượng mà mình yêu thích. Đây cũng sẽ trở thành điểm tổ chức các hội mùa định kỳ để người dân, du khách giao lưu, kết nối”, ông Đoàn Trương Duy chia sẻ.

Ông Đoàn Trương Duy trên tay đĩa dứa mật, say sưa chia sẻ về dự định tạo sân chơi cho sản vật Đam Rông tại khu du lịch Suối khoáng nóng DAANA.

Đam Rông là “đứa con út” trong đại gia đình Nam Tây Nguyên, lâu nay được biết đến vì… nghèo. Đam Rông nghèo từ trong trứng nước vì được “sinh thành” từ việc sáp nhập 3 xã nghèo phía Tây của huyện Lạc Dương và 5 xã thuộc diện khó khăn của huyện Lâm Hà. Khi đó, có người ví Đam Rông là sự kết hợp giữa cái nghèo cũ với cái nghèo mới, lớn hơn và nghèo hơn.

Sau gần 20 năm thành lập, Đam Rông đã thay da đổi thịt từng ngày, dẫu vẫn còn đó bao trăn trở, lo toan. Nhưng với những tiềm năng, thế mạnh của mình cùng sự đồng lòng của nhân dân và chung lưng, đấu cật, dám nghĩ, dám làm của cộng đồng doanh nghiệp, “nàng công chúa bản địa” hoang dã bên dòng K’rông Nô hiền hoà, sẽ thức giấc.

Tương lai không xa, du khách trong nước và quốc tế sẽ biết đến nhiều hơn tới Đam Rông, bởi cảnh đẹp cùng những sản vật đặc trưng, là vùng đất chữa lành để xoa dịu và thức tỉnh tâm hồn, sau những cuộc mưu sinh…

Viên Hữu

Doanh nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *