Thật không ngoa khi nói Đại võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo (SN 1950, hiện ở TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) là một “ngôi sao sáng” trên bầu trời võ học. Ông được giới chuyên môn đánh giá là một trong số ít những võ sư hiếm hoi hội đủ “văn – võ song toàn”.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Dương Thị Hạnh – Nữ doanh nhân với sứ mệnh kết nối
- Nhà hát Đó: Điểm hẹn văn hóa, nghệ thuật đẳng cấp quốc tế tại Nha Trang
- Simexco DakLak mang cà phê đặc sản Tây Nguyên chinh phục Cafe Show Vietnam 2023
Ngoài tinh thông võ học, truyền dạy võ thuật bằng đòn – thế – kiếm pháp – binh – quyền, ông còn là người “viết văn về võ”. Tuy phải thường xuyên bôn tẩu khắp trong và ngoài nước để truyền dạy võ học, ông vẫn âm thầm, lặng lẽ nghiên cứu chuyên sâu, dịch thuật, đưa những tinh hoa Võ cổ truyền Việt Nam vươn ra thế giới và gìn giữ cho muôn đời sau.
Khác với những võ sư khác, Trương Văn Bảo được giới võ thuật đánh giá cao, xem đây là một “hiện tượng”, bởi ngoài chuyên môn võ thuật tinh thông, đào tạo hàng nghìn thế hệ học trò, ông còn là người “viết văn về võ”, “dạy võ bằng văn”.
Đến nay, hơn 60 năm cuộc đời gắn với nghiệp võ, vị đại võ sư quốc tế này đã đóng góp một số lượng khổng lồ vào kho tàng tri thức võ thuật nhân loại với hơn 300 bài nghiên cứu, lý luận được đăng tải trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước, cùng nhiều cuốn sách dịch thuật khác…
“Văn, võ song toàn”…
“Văn thiếu võ, văn thành nhu nhược/ Võ thiếu văn, võ hoá bạo tàn/ Võ – văn hai chữ tương quan/ Lục thao tam lược xứng tầm hùng anh”. Đó là câu thơ vận đúng vào vị lão võ sư đáng kính Trương Văn Bảo.
Sau chuyến ông đi công tác nước ngoài dài ngày cùng Liên đoàn Võ thuật Việt Nam, chúng tôi mới có cơ hội được diện kiến Đại Võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo, để có dịp lĩnh hội kiến thức võ thuật uyên thâm, cũng như tài năng, đức độ và tâm huyết của một bậc cao nhân thạo võ, giỏi văn, luôn trăn trở về đạo và đời.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ đơn sơ, cạnh võ đường Trần Hưng Đạo, trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.Đà Lạt. Căn phòng được bày biện ngăn nắp, sáng rực lên bởi những tấm huân, huy chương vàng, bạc, những kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen của trung ương và địa phương; những tấm ảnh chụp chung Liên đoàn Võ thuật trong nước và Quốc tế, những món quà nhỏ nhắn, dễ thương của bao thế hệ học trò gửi tặng thầy bằng tất cả tấm lòng biết ơn, tri ân sâu sắc…
Mặc dù đã chạm ngưỡng “thất thập cổ lai hy” nhưng thầy Bảo trông vẫn rất rắn rỏi, quắc thước, nhanh nhẹn và minh mẫn. Ông múa cho chúng tôi xem mấy bài quyền, đường roi… đậm nét võ thuật cổ truyền dân tộc, vị võ sư mới trở lại bàn, rót nước mời chúng tôi, rồi bắt đầu kể chuyện đời, chuyện võ.
Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ thuật nên võ sư Bảo sớm được thụ hưởng vốn văn hoá quý báu và dòng máu yêu võ thuật từ ông nội và cha của mình. Mặc dù những năm trước giải phóng, gia đình rất khó khăn, lại đông anh chị em nhưng ông vẫn được cha mẹ cho đi học võ để vừa luyện tập nâng cao thể chất, vừa để tự vệ và giúp kẻ yếu thế khi cần.
Thủa bé, nhà nghèo, vừa đi học vừa đi làm thêm, đêm học võ dưới ánh trăng thanh, nhưng cậu bé Văn Bảo rất sáng dạ, luôn lọt vô tốp đầu được nhận học bổng của trường trong nhiều năm liền, vì thế cũng đỡ đần bớt phần nào gánh nặng cho cha mẹ.
Bắt đầu học võ từ năm 8 tuổi, sớm thụ hưởng tính “thiền” nên Văn Bảo đã nhận thức được giá trị nhân văn, tinh thần “thượng võ”, một lòng hướng thiện, trọng nghĩa nhân và những đạo lý tốt đẹp ở đời.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trương Văn Bảo đã biết ngưỡng mộ, tự hào về truyền thống lịch sử nước nhà, xem Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An… là tấm gương sáng cho mình noi theo.
Ngoài thầy Nguyễn Ngọc Ẩn, Văn Bảo còn may mắn lĩnh hội các bài quyền, bài võ quý báu từ thầy Huỳnh Công, một trong những võ sư nổi tiếng trên quê hương Bình Định – “cái nôi” của Võ cổ truyền Việt Nam và nhất là từ thầy Thích Từ Mãn, môn võ Thiếu Lâm tại chùa Linh Sơn (TP. Đà Lạt)…
Nhờ sự tận tâm truyền dạy của các thầy, cộng thêm sự nỗ lực chịu khó, chuyên tâm tập luyện, mày mò học hỏi, đến năm 19 – 20 tuổi, Trương Văn Bảo đã giành được nhiều thành tích trong các cuộc thi đấu tranh trài, tỷ thí võ thuật.
Sau khi được cấp bằng Võ sư, năm 1973, khi mới bước vào tuổi 23, chàng thanh niên Trương Văn Bảo thành lập Võ đường Trần Hưng Đạo, dạy cả Võ cổ truyền Việt Nam (Võ ta) kết hợp với võ Thiếu Lâm Phật Gia Quyền. Với ông, Võ cổ truyền được ví như là tiếng mẹ đẻ, còn Thiếu Lâm Phật Gia Quyền như là một môn ngoại ngữ vậy.
Lúc mới thành lập, chỉ có 6 môn sinh nhưng qua thời gian, tên tuổi võ đường vang xa, đã thu hút ngày càng nhiều người đến “tầm sư học đạo”. Hiện tại, nơi đây đang duy trì khoảng trên dưới 200 võ sinh, đủ mọi thành phần, lứa tuổi; trong đó, có cả lực lượng công an, quân đội… theo học.
Võ cổ truyền Việt Nam là một di sản văn hoá của dân tộc, nhưng theo đánh giá của võ sư Trương Văn Bảo, hiện nay, số lượng giới trẻ đam mê, rèn luyện võ thuật chưa cao. Do đó, rất cần những chính sách, chiến lược đào tạo, nâng cao nhận thức của giới trẻ, làm sao để thế hệ sau giỏi hơn thế hệ trước.
“Đỉnh cao của võ thuật là trí tuệ. Nghệ thuật của võ học là mưu lược. Khi sử dụng đòn, thế là phải biết biến hoá linh hoạt. Võ thuật hơn nhau là ở tinh thần “thượng võ” chứ không phải ở sự thắng, thua trên sàn đấu. Học võ không phải để đánh nhau mà học võ là để rèn luyện sức khoẻ, để tự vệ cho bản thân và bảo vệ chính nghĩa cũng như giúp đỡ những kẻ yếu thế, để nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc”, vị đại võ sư quốc tế nhắn nhủ.
Viết văn về võ bằng nhiều thứ tiếng
Khác với nhiều võ sư khác, nét nổi bật ở võ sư Trương Văn Bảo là nền tảng kiến thức văn hoá, lịch sử sâu rộng, tinh thông võ học và “ưu thế” thông thạo ngoại ngữ, nhất là Tiếng Anh. Do đó, việc truyền dạy, nghiên cứu võ thuật của ông như được chắp thêm “đôi cánh” bay xa, bay cao hơn trên bầu trời võ thuật nhân loại, góp phần khẳng định vị thế Võ cổ truyền Việt Nam – niềm tự hào dân tộc – trên trường thế giới.
Ngoài là một giảng viên Anh ngữ, Chưởng môn phái Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, Sư trưởng Võ đường Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng, tên tuổi của võ sư Trương Văn Bảo còn gắn với nhiều vai trò liên quan với võ thuật, như: Phó Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn kỹ thuật Liên đoàn Châu Á Võ cổ truyền Việt Nam, Phó Trưởng Ban chuyên môn Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam…
Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, ông còn được biết đến là “cầu nối”, là thông dịch viên chủ chốt trong Liên đoàn Võ thuật Việt Nam, khi có dịp giao lưu với quốc tế.
Cho đến nay, Võ sư Trương Văn Bảo đã âm thầm, lặng lẽ cống hiến công sức của mình vào kho tàng kiến thức nhân loại về võ học với số lượng đồ sộ. Trong đó, nổi bật như: Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng Võ cổ truyền Bình Định (Phạm Đình Phong chủ biên – năm 2000); Chương trình huấn luyện Võ cổ truyền Việt Nam (Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chủ biên – năm 2002); Đời người nghiệp võ (Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chủ biên – năm 2003); biên soạn sách Võ cổ truyền Việt Nam – 2 tập (Võ sư Lê Kim Hoà chủ biên – năm 2011); dịch sang tiếng Anh sách Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới (Phương Tấn chủ biên – năm 2012); cộng tác biên soạn Nghiệm phương Y Võ (Võ sư, Lương y Nguyễn Tấn Xuân chủ biên – năm 2018).
Đặc biệt, ông là tác giả cuốn Lý luận Võ cổ truyền, chuẩn bị xuất bản trong năm nay. Ngoài ra, Võ sư Trương Văn Bảo còn viết trên 300 bài lý luận võ học về chuyên môn, triết lý, văn hoá, lịch sử, Võ cổ truyền Việt Nam và hoạt động của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam…
Theo võ sư Bảo, mặc dù là một giảng viên Anh ngữ được đào tạo bài bản, nhưng trong quá trình nghiên cứu, dịch thuật của mình, ông cũng gặp không ít khó khăn, vì rất nhiều thuật ngữ võ thuật chưa có tiền lệ dịch thuật.
Nhiều người giỏi võ lại không biết ngoại ngữ để dịch, còn người có bằng cấp ngoại ngữ lại không biết võ thuật để dịch cho đúng, cho sát ý, sát đòn, thế. Do đó, những thuật ngữ khó, ông thường nhờ học trò võ của mình bên Anh, bên Mỹ – là những giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ bản địa, hiệu đính để làm sao dịch thoát ý, để các bài lý luận vừa có cái “hồn” của võ thuật vừa có cái “cốt cách” của dân tộc Việt.
Ông kể, vẫn nhớ mãi kỷ niệm dịch thuật cuốn “Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới” do nhà báo Phương Tấn tin tưởng “giao phó”. Một cuốn sách dày hơn 200 trang mà ổng bắt tui phải dịch trong 15 ngày”.
Nhưng vì chỗ thâm tình, nên dù đang đi công tác xa nhà, nhưng ông vẫn miệt mài thức trắng đêm nửa tháng trời cùng với con gái đang công tác tại Trường Đại học Đà Lạt dịch thuật, rồi nhờ các học trò võ của mình ở Anh, ở Mỹ, hiệu đính cho chính xác và thoát ý. Nhờ vậy, ông và “cộng sự” của mình đã giúp nhà báo Phương Tấn dịch thuật xuất sắc cuốn sách để xuất bản vào năm 2012.
Dù việc dịch thuật võ Việt ra tiếng nước ngoài, việc viết văn về võ gặp rất nhiều khó khăn, song bằng tình yêu, tâm huyết đối với Võ cổ truyền của dân tộc, thầy Bảo ngày dạy võ, đêm đến lại âm thầm, lặng lẽ chọn cho mình góc làm việc, để mày mò, tìm tòi sách báo, tài liệu, từ điển nghiên cứu, dịch thuật và viết nên những bài lý luận, bài giảng chuyên sâu, có giá trị, để đăng tải trên nhiều báo, tạp chí trong nước và quốc tế…
“Điều làm tôi luôn trân trọng, trọn đời tâm huyết với Võ cổ truyền Việt Nam là niềm tự hào dân tộc, tự hào về lịch sử hào hùng của ông cha ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Do đó, dù trong nước hay nước ngoài, tôi vẫn luôn kêu gọi, mỗi người, bằng sức mọn của mình hãy góp một viên gạch, nhằm đóng góp vào công cuộc nghiên cứu, khôi phục Võ cổ truyền dân tộc, làm rạng danh Di sản võ học Việt Nam trên trường quốc tế.
Nay tôi cũng đã lớn tuổi rồi nhưng hy vọng vẫn còn giữ được sức khoẻ để thực hiện được tâm huyết của mình trong việc dịch thuật, nghiên cứu, truyền dạy tinh hoa Võ cổ truyền Việt Nam, góp phần phát triển Võ Việt vươn quốc tế”, vị đại võ sư quốc tế trăn trở.
Trọn đời cống hiến, trọn đời vô ngã, lấy bao dung, trí tuệ, vị tha đối đãi với đời, với người, có lẽ vì vậy mà vị Đại Võ sư Quốc tế ở tuổi “thất thập cổ lai hy” luôn cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng, tĩnh tại khi tìm cho mình những phút giây thanh thản bên “Thiền”.
Ông luôn tâm niệm: “Đời người là vô thường. Người với người sống là để yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Làm sao thế hệ sau giỏi hơn thế hệ trước, góp phần phát triển nền võ học nước nhà. Điều muôn thuở còn đọng lại đó là chữ “Tâm” giữa một tấm lòng trong…”.
Đào An – Thiên Lý
- Lâm Đồng sẽ đón 9,7 triệu lượt du khách trong năm 2024
- Ông Trần Đình Long: Hòa Phát sẽ lọt Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới
- Những câu nói hay về tình cảm Cha con, thấm đẫm nước mắt
- Công ty Điện lực Đắk Lắk: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh
- Giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế