Xuất khẩu cà phê từ nay đến tháng 9 sẽ giảm dần, do nguồn cung dần hết. Phải chờ sang tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu, thì nguồn cung cà phê của Việt Nam mới tăng trở lại, theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA).
- Tản mạn ly cà phê đen không đường
- Biến thách thức thành cơ hội để ngành Cà phê bứt phá
- Người dân Nhật Bản thích thú với cà phê sữa đá Việt Nam
- Gần 20 tấn Cà phê đặc sản chuẩn bị xuất sang Nhật có gì đặc biệt?
- Cà phê đặc sản Arabica LangBiang, Moka Cầu Đất chinh phục người Nhật
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu 893.820 tấn cà phê trong 6 tháng đầu năm 2024, thu về 3,1 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, giảm 11,4% về lượng nhưng giá trị xuất khẩu tăng 33,2%. Giá cà phê xuất khẩu trung bình của Việt Nam đạt 3.569,3 USD/tấn, tăng tới 50% so với cùng kỳ năm trước.
Về các thị trường, Hungary là thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam có giá trung bình cao nhất với 6.821 USD/tấn, đứng sau là Israel với 6.099 USD/tấn. Đây cũng là 2 trong số 37 thị trường có mức giá trung bình trên 6.000 USD/tấn.
Ở mức 4.000 USD, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Singapore đạt giá trung bình là 4.909 USD/tấn, Myanmar là 4.856 USD/tấn, Rumani là 4.230 USD/tấn, New Zealand là 4.189 USD/tấn, Philippines là 4.107 USD/tấn, Nam Phi là 4.087 USD/tấn, Malaysia là 4.029 USD/tấn.
Mexico là thị trường có giá xuất khẩu thấp nhất, bình quân đạt 2.974 USD/tấn, tiếp đến là Ấn Độ đạt 3.073 USD/tấn, Italy đạt 3.190 USD/tấn…
Về lượng, Đức dẫn đầu các thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam với 112.249 tấn trong nửa đầu năm 2024, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước con số này đã giảm 13%. Đứng sau là Italy với 86.588 tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước; Tây Ban Nha với 64.391 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản với 63.127 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước…
Trong khối ASEAN, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang 8 thị trường. Nhìn chung, lượng xuất khẩu của Việt Nam sang khối thị trường này đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, Trung Quốc đang tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu cà phê đạt trên 109,85 nghìn tấn, trị giá 490 triệu USD. Con số này tăng 155% về lượng và tăng 104% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê nhập khẩu trung bình vào Trung Quốc đạt 4.461 USD/tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ nhiều nguồn cung lớn giảm, ngoại trừ Việt Nam và Ethiopia.
Đồng thời, Trung Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam với mức tăng 25% về lượng và tăng 80,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9,78 nghìn tấn và trị giá 31,63 triệu USD.
Hiện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng 7, tháng 8, tháng 9 sẽ giảm dần, do nguồn cung dần hết. Phải chờ sang tháng 10, tháng 11, khi vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu, thì nguồn cung cà phê của Việt Nam mới tăng trở lại.
Dự báo từ các tổ chức trong và ngoài nước đều cho thấy, sản lượng cà phê vụ 2024/2025 của Việt Nam sẽ giảm 15-20% so với vụ vừa qua. Sản lượng thấp sẽ kéo theo hoạt động xuất khẩu đi xuống, đồng thời làm thiếu hụt nguồn cung trầm trọng hơn trên thị trường.
Hà Anh
- Dalat Info tri ân cộng tác viên nhân ngày Báo chí Việt Nam
- Nhôm Đắk Nông phát động tháng An toàn lao động
- Tuyến phố đi bộ Trần Quốc Toản – bên Hồ Xuân Hương có gì độc đáo?
- Nữ doanh nhân Lê Phương với khát vọng vươn tầm và trách nhiệm xã hội
- Phân bón Cà Mau – Nhà tài trợ Vàng cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023