Có 9 mô hình du lịch cộng đồng và 1 mô hình du lịch nông nghiệp sẽ tham gia thí điểm xây dựng mô hình du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024 – 2025.
- Du lịch canh nông “nở hoa” ở vùng đất Hà Nội trên Cao nguyên
- Lâm Đồng khuyến khích doanh nghiệp phát triển du lịch canh nông
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024-2025.
Mục tiêu cụ thể của đề án hướng tới hình thành một số mô hình, điểm du lịch nông thôn (DLNT) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất, hoạt động hiệu quả và đạt sản phẩm OCOP du lịch được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định; đẩy mạnh phát triển DLNT gắn với quá trình chuyển đổi số; góp phần giải quyết tình trạng phát triển DLNT chưa bảo đảm quy định pháp luật.
Phấn đấu đến 2025, 100% điểm DLNT ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch và được giới thiệu, quảng bá qua các kênh truyền thông trên internet; 70% chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ DLNT được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động DLNT được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ du lịch…
Tại đề án thí điểm, có 9 mô hình du lịch cộng đồng và 1 mô hình du lịch nông nghiệp sẽ được triển khai, bao gồm: Du lịch cộng đồng tại thôn Long Thủy; Du lịch cộng đồng Xí Thoại; Điểm Du lịch văn hóa cộng đồng buôn Lê Diêm; Du lịch cộng đồng Vườn đỏ Sơn Xuân; Du lịch cộng đồng trong sản xuất muối thôn Tuyết Diêm.
Du lịch sinh thái Đồng Sen kết hợp tham quan trải nghiệm làng nghề truyền thống đan đát; Du lịch cộng đồng Hòn Yến; Du lịch cộng đồng làng nghề Chiếu cói Phú Tân; Du lịch ngành nghề đan thúng chai và sản xuất Bún bắp; Du lịch trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao.
Để đề án thực hiện có hiệu quả, UBND tỉnh Phú Yên đề ra một số giải pháp triển khai thực hiện, như: chính sách, cơ chế quản lý; đào tạo nâng cao năng lực cho tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện mô hình thí điểm; hỗ trợ xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP.
Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương tổ chức thực hiện đề án đạt hiệu quả; vận dụng, lồng ghép các nguồn ngân sách hợp pháp, các chương trình hỗ trợ phát triển, các chương trình MTQG để hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề, các mô hình theo hướng kinh tế nông nghiệp đa giá trị phù hợp để phục vụ cho DLNT gắn với xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, quảng bá du lịch nông thôn thông qua các chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP.
Tâm An