Đà Lạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Nhờ triển khai các chương trình hỗ trợ thường xuyên và kịp thời, TP Đà Lạt đã giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, tiếp cập nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ dự án, nâng cao năng lực cạnh tranh và gia nhập thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo thống kê, đến cuối năm 2023, trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) có 3.924 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 32.254 lao động, nguồn vốn sản xuất kinh doanh 59.557 tỷ đồng. Có 205 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách còn hiệu lực với tổng mức vốn đầu tư hơn 35.311 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất hơn 4.730 ha.

Đà Lạt hỗ trợ doanh nghiệp
Đà Lạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong thời gian qua, TP Đà Lạt đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp… Qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh; giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Lâm Đồng tổ chức hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức tín dụng nghiên cứu, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với phương thức sản xuất kinh doanh, đối tượng khách hàng nhằm tăng cường kết nối các khâu trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị.

Tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có liên quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, cho vay ưu đãi đối với những đối tượng ưu tiên theo quy định.

Tăng cường công tác đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Tham gia đầy đủ các chương trình gặp mặt, đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hàng tháng, nhằm trực tiếp ghi nhận, xử lý những ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư, để kịp thời khắc phục, xử lý.

Khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp để kịp thời kết nối nguồn cung lao động hiệu quả. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phát triển thị trường lao động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng, sử dụng lao động và tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận thị trường lao động.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù

Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, trong thời gian qua, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được thành phố quan tâm tổ chức thường xuyên và kịp thời. Thông qua các hoạt động này, đã giúp doanh nghiệp giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, tiếp cập thị trường tiêu thụ, tiếp cận vốn, đẩy nhanh tiến độ dự án, liên kết kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý, cạnh tranh và gia nhập thị trường.

Hỗ trợ doanh nghiệp
Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, do năng lực và quy mô doanh nghiệp địa phương còn hạn chế, không xây dựng được chương trình liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Điều kiện hạ tầng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều bất cập, chi phí đầu vào cho sản xuất lớn. Sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh không cao. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản lý còn hạn chế…

Do đó, trong thời gian tới, cần có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường trong nước để không chỉ gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn có thể tham gia đấu thầu những dự án quy mô lớn mà hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chưa đủ sức thực hiện.

UBND TP Đà Lạt cũng đề nghị các sở, ngành nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng các khu chế biến và bảo quản sau thu hoạch ở những vùng kinh tế khó khăn, nhằm nâng cao chất lượng nông sản; có chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu và hình thành chuỗi các cửa hàng giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm tại các thị trường trong nước.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm; nâng cao khả năng tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại; cung cấp kiến thức pháp luật, thông tin thị trường về khoa học công nghệ cho doanh nghiệp.

Viên Hữu

Doanh nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *