Vừa gượng dậy sau đại dịch, một số doanh nghiệp du lịch, dịch vụ tỉnh Lâm Đồng lại “choáng váng” khi nhận thông báo số tiền thuê đất hàng năm trong chu kỳ mới tăng đột biến, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Lâm Đồng lần đầu có giải thi đấu bóng gỗ Nhật Bản
- Dương Thị Hạnh – Nữ doanh nhân với sứ mệnh kết nối
- Phiên chợ Nông sản Hữu cơ Lạc Dương thu hút khách
- Doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên: Cần chính quyền lắng nghe để hành động hiệu quả
Đối mặt nguy cơ phá sản do tiền thuê đất tăng cao
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch, dịch vụ trên địa bàn TP Đà Lạt đã có văn bản kiến nghị gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các cơ quan ban ngành, địa phương, đề nghị xem xét lại cách tính tiền thuê đất hàng năm trong chu kỳ mới đối với các dự án.
Trong đó phải kể đến doanh nghiệp du lịch – dịch vụ – lữ hành lâu đời nhất tại Đà Lạt, đang quản lý các khu du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và hệ thống dịch vụ rộng khắp bao gồm: nhà hàng, khách sạn, biệt thự, hostel cùng các hoạt động khám phá ngoài trời.
Doanh nghiệp này cho biết, chỉ tính riêng một khách sạn có quy mô 42 phòng tại trung tâm TP Đà Lạt, nằm trong khu quy hoạch trung tâm Hoà Bình, có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào (chỉ cần thông báo trước 6 tháng) và không được bồi thường các chi phí đầu tư, sửa chữa, nâng cấp… nhưng tiền thuê đất cho chu kỳ 2020-2024, công ty đã phải nộp với số tiền gần 9 tỷ đồng/năm. Theo thông báo mới nhất của cơ quan thuế, tính đến ngày 27/3/2023, sau khi đã được miễn giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số tiền tiền thuê đất còn phải nộp là 18,6 tỷ đồng, cho 3 năm (2020-2022).
Theo đại diện doanh nghiệp, nếu tính đến hết thời hạn thuê khách sạn (hết năm 2024), số tiền công ty phải nộp cho chu kỳ (2020-2024) là hơn 10,2 tỷ đồng/năm. Trong đó tiền thuê tài sản là hơn 1,252 tỷ đồng/năm, tiền thuê đất là gần 9 tỷ đồng/năm. Điều đáng nói là số tiền thuê tài sản của chu kỳ sau tăng gấp 1,54 lần so với chu kỳ trước, còn số tiền thuê đất tăng gấp 10,5 lần.
Chưa kịp lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch, khó khăn lại bủa vây do tiền thuê đất tăng cao, doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng và ngành chức năng xem xét lại đơn giá thuê đất, hoặc cho chấm dứt hợp đồng thuê khách sạn trước thời hạn, vì không thể cân đối nguồn tài chính để nộp tiền thuê đất cho chu kỳ 2020-2024.
Một “ông lớn” khác trong ngành du lịch, dịch vụ Lâm Đồng cũng “chóng mặt” khi nhận được văn bản của Cục Thuế tỉnh về việc xác định đơn giá thuê đất chu kỳ 2022-2027 tại một dự án, với số tiền thuê đất phát sinh của chu kỳ mới chênh lệch tăng cao đột biến so với chu kỳ trước.
Theo đó, chu kỳ 2017-2021, số tiền thuê đất doanh nghiệp phải nộp cho dự án này là hơn 14,6 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, đến chu kỳ 2022-2027, Cục thuế Lâm Đồng dự kiến áp dụng đơn giá thuê đất mới với tổng số tiền thuê đất phải nộp là hơn 176 tỷ đồng/năm – tăng hơn 1.207% so với chu kỳ trước.
“Số tiền thuê đất phát sinh của chu kỳ mới chênh lệch tăng cao bất thường so với chu kỳ gần nhất là vô cùng bất cập. Số tiền thuê đất dự kiến hàng năm cao hơn nhiều lần so với doanh thu, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí là không có khả năng chi trả vào ngân sách nhà nước, nhiều nguy cơ dẫn đến phá sản”, đại diện doanh nghiệp này lo lắng.
Đề nghị áp dụng Nghị định 135/2016 của Chính phủ
Theo các doanh nghiệp, trước khi tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh đã phải xây dựng phương án tài chính và yếu tố chi phí tiền thuê đất là một trong những yếu tố tài chính quan trọng trong phương án này. Việc tiền thuê đất hàng năm tăng đột biến, phá vỡ các phương án tài chính của doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp du lịch – dịch vụ – lữ hành lâu đời nhất tại Đà Lạt, cho biết, đã và luôn nỗ lực hết mình để kinh doanh đạt kết quả cao nhất, phấn đấu nộp thuế cho địa phương với mức tốt nhất so với các đơn vị du lịch trên địa bàn, nên kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng và ngành chức năng xem xét lại đơn giá thuê đất theo tinh thần Nghị định 135/2016/NĐ-CP. Nếu không, buộc lòng phải đưa ra phương án trả xin lại khách sạn trước thời hạn vì không thể cân đối được nguồn tài chính vì tiền thuê đất quá cao so với cơ sở vật chất hiện tại.
Đại diện một doanh nghiệp khác cho hay, cơ sở pháp lý để Cục thuế tỉnh Lâm Đồng xác định đơn giá thuê đất là khoản 1, Điều 14, Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ, quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Tuy nhiên, nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2016/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2016.
Tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 135 đã sửa đổi, bổ sung khoản 7, bổ sung khoản 8 vào Điều 15 của Nghị định 46. Theo đó, có thể hiểu, tính từ chu kỳ 2006-2011, 2011-2016, 2017-2021, 2022-2027 chỉ được thực hiện điều chỉnh tăng 15% so với giá thuê đất của kỳ ổn định trước đó và áp dụng cho thời gian thuê đất còn lại của dự án.
“Để doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án, duy trì hoạt động ổn định và có khả năng, phương án thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan áp dụng quy định tại Nghị định 135 của Chính phủ, để xác định đơn giá đất phù hợp với tình hình thực tế của các dự án, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp thiết thực và đầy đủ vào ngân sách địa phương”, đại diện doanh nghiệp đề nghị.
Được biết, trước ý kiến, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tiền thuê đất hàng năm tăng cao, mới đây, ông Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Cục thuế… xem xét giải quyết và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 4/2023.
Khoản 4, Điều 3, Nghị định 135 sửa đổi, bổ sung khoản 7, bổ sung khoản 8 vào Điều 15 của Nghị định 46, như sau: “Kể từ ngày 1/1/2016 đến hết thời hạn thuê đất, đơn giá thuê đất được xác định trên cơ sở đơn giá thuê đất xác định tại thời điểm ngày 1/1/2006 theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP, số chu kỳ điều chỉnh đơn giá thuê đất từ ngày 1/1/2006 đến ngày 1/1/2016 (2 chu kỳ), mức điều chỉnh đơn giá thuê đất của mỗi chu kỳ tăng 15% so với đơn giá thuê đất của kỳ ổn định trước đó”.
“Đơn giá thuê đất này được ổn định 5 năm, khi đến kỳ điều chỉnh đơn giá thuê đất của kỳ tiếp theo thì thực hiện điều chỉnh tăng 15% so với đơn giá thuê đất của kỳ ổn định trước đó và áp dụng cho thời gian thuê đất còn lại. Trường hợp đơn giá thuê đất xác định tại thời điểm ngày 1/1/2016 nêu trên cao hơn đơn giá xác định theo quy định tại Nghị định này thì được áp dụng đơn giá thuê đất theo quy định tại Điều 4 Nghị định này để làm đơn giá cho kỳ điều chỉnh từ ngày 1/1/2016”.
Viên Hữu