Trở ngại của nhiều nữ doanh nhân Việt Nam trong việc tiếp cận các đối tác, khách hàng đa quốc gia đó là ngoại ngữ và năng lực chuyển đổi số.
- Cơ hội nâng tầm giá trị Cà phê Việt
- Hàng Việt chất lượng cao: Liên kết để chiếm lĩnh thị trường
- Truyền thông thương hiệu góp phần phát triển và định vị Doanh nghiệp
- Tăng cường năng lực tiếp cận thị trường cho Doanh nghiệp do nữ làm chủ
- Tăng cường năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường đối với Doanh nghiệp do nữ làm chủ
Chia sẻ tại diễn đàn hỗ trợ kết nối B2B cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do nữ làm chủ tại Lâm Đồng ngày 21/7, bà Mai Thị Diệu Huyền – Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC – VCCI) cho biết, một trong những chức năng quan trọng nhất của VWEC là hỗ trợ xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư, kinh doanh trong nước và quốc tế cho các doanh nhân nữ.
VWEC giữ vài trò là cầu nối, tìm kiếm khách hàng uy tín, phù hợp để giới thiệu cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ, yên tâm ký kết hợp tác. Diễn đàn hỗ trợ kết nối B2B tại Lâm Đồng là một ví dụ. VWEC đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sàng lọc và “chọn mặt gửi vàng” những doanh nghiệp đầu chuỗi trong lĩnh vực chế biến nông sản và du lịch chất lượng, phù hợp với năng lực và thế mạnh của doanh nghiệp Lâm Đồng để kết nối.
Bà Diệu Huyền cũng cho biết, các hoạt động kết nối B2B của VWEC không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn với các doanh nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của nhiều nữ doanh nhân Việt Nam là ngoại ngữ, điều này gây khó khăn trong việc tiếp cận với các đối tác, khách hàng nước ngoài. “Nguồn vốn” này rất cần được bổ sung, đặc biệt là với các doanh nhân trẻ, cần trang bị kiến thức và ngoại ngữ để tiếp cận tốt hơn thị trường khu vực và quốc tế.
Trong nhiều năm đồng hành, hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ, Phó Chủ tịch VWEC cho rằng, để tăng cường khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường, việc phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng kết nối trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, kênh phân phối… là hết sức quan trọng.
Có những doanh nghiệp do nữ làm chủ có sản phẩm tốt nhưng vẫn loay hoay chưa thể thương mại hoá, VWEC sẽ kết nối với các chuyên gia tư vấn từ bao bì, mẫu mã đến các giải pháp phát triển thị trường… Kết nối với các hội, hiệp hội doanh nhân nữ ở các địa phương để sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó giúp thương mại hoá sản phẩm.
Cũng theo bà Diệu Huyền, một trong những giải pháp hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ nâng cao năng lực cạnh tranh VWEC đang triển khai rất hiệu quả, đó là phối hợp với các tập đoàn công nghệ, truyền thông xã hội đa quốc gia như Meta, Google đào tạo, hướng dẫn các nữ doanh nhân ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số phù hợp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
“Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp mở rộng khách hàng và thị trường tiềm năng; sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp hơn với yêu cầu của khách hàng và giúp khách hàng gia tăng trải nghiệm. Đồng thời tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự; tăng hiệu suất sản xuất, kinh doanh; lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra quyết định nhanh, chuẩn xác”, Phó Chủ tịch VWEC nhấn mạnh.
Bà Trịnh Thị Hương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV do nữ làm chủ, đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và “dư chấn” của đại dịch COVID-19. Điều này đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng.
Chuyển đổi số là xu hướng và lựa chọn tất yếu giúp các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp do nữ làm chủ, không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Chuyển đổi số đồng thời cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp thích ứng với các khủng hoảng của dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu.
Viên Hữu