TP Đà Lạt vừa chính thức nộp hồ sơ đăng ký gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO. Với Đà Lạt, thành phố sáng tạo không đơn thuần là một danh hiệu mà còn là chiến lược phát triển với trọng tâm và ưu tiên để bảo đảm mỗi người dân đều được phát huy khả năng sáng tạo, tham gia và thụ hưởng bình đẳng, tạo nên bản sắc riêng biệt cho Đà Lạt.
- Khoai lang Viên Sơn… “vươn xa”
- Cách chăm sóc Fanpage hiệu quả dành cho Doanh nghiệp
- TS Phạm S: Đà Lạt là “kho báu” khơi nguồn cảm xúc sáng tạo
- Truyền thông thương hiệu góp phần phát triển và định vị Doanh nghiệp
- Công ty TNHH Vĩnh Tiến phát triển Du lịch canh nông gắn với tiêu thụ đặc sản Đà Lạt
Chính thức nộp hồ sơ ứng cử
Chiều 30/6/2023, ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), đã thay mặt cho hơn 232.400 người dân thành phố, ký thư đề nghị gửi Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) cùng hồ sơ ứng cử Đà Lạt gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN).
Từ năm 2021, Đà Lạt đã bắt đầu quá trình đánh giá tiền khả thi và triển khai tham vấn ý kiến nhiều bên liên quan bao gồm các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị đào tạo, các chuyên gia nghiên cứu, các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, nghệ sĩ, nhạc sĩ người thực hành sáng tạo, người kinh doanh, cộng đồng sáng tạo thuộc giới trẻ, đối tượng yếu thế để xác định lĩnh vực thành phố sẽ đăng ký tham gia.
Kết quả đánh giá đều đồng thuận chung, âm nhạc chính là lĩnh vực thành phố có quá trình hình thành, lịch sử phát triển, có khả năng kết hợp một cách hài hòa nhất các vẻ đẹp của thiên nhiên, khí hậu, cảnh sắc và cả lối sống hiền hòa, thanh lịch, nến khách của con người nơi đây, sẽ là thế mạnh mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế – văn hóa – xã hội địa phương.
Đà Lạt luôn được nhắc đến là một thành phố hội tụ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, di sản kiến trúc độc đáo, khí hậu mát mẻ quanh năm, gắn với phong cách ứng xử “Hiền hòa – Thanh lịch – Mến khách” và 20 dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết, hòa bình.
Vùng đất này được du khách thập phương ưu ái dành cho nhiều mỹ danh, như: “Thành phố mộng mơ”, “Thành phố sương mù”, “Thành phố tình yêu”, “Thành phố Festival Hoa Việt Nam”, “Thành phố của những bản tình ca”… Đây còn là miền đất hiền hòa từng lôi cuốn, níu chân biết bao tâm hồn văn nghệ sĩ khởi nguồn cảm xúc, say mê sáng tạo, phát triển tài năng và cống hiến nhiều tác phẩm giá trị cho nền âm nhạc địa phương và quốc tế.
Năm 1893, vùng đất Đà Lạt được khám phá bởi người Pháp và được chú trọng thiết kế, quy hoạch ngay từ đầu để trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng trên cao nguyên. Ngày nay, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử, Đà Lạt quyết tâm phấn đấu trở thành đô thị hiện đại, thành phố sáng tạo, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc, xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.
“Dù biết rằng so với nhiều thành phố trong mạng lưới sáng tạo, Đà Lạt chỉ là một địa phương nhỏ với hoạt động âm nhạc còn khiêm tốn. Tuy nhiên, với quyết tâm, khát vọng và tiếng nói chung, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của UNESCO để có cơ hội tham gia vào UCCN năm 2023. Nếu được trở thành thành viên của UCCN, Đà Lạt cam kết sẽ tham gia tích cực, nỗ lực đóng góp vào mục tiêu chung của mạng lưới và chương trình nghị sự phát triển bền vững của UNESCO”, trong thư gửi UNESCO, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt khẳng định.
Thành phố sáng tạo không chỉ là danh hiệu
Năm 2023 là cột mốc quan trọng đánh dấu Đà Lạt tròn 130 năm hình thành và phát triển (1893 – 2023). Cùng nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc được thực hiện xuyên suốt trong năm, công tác xây dựng hồ sơ gia nhập UCCN cũng là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Trong quá trình này, thành phố đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Nếu được UNESCO thông qua, Đà Lạt sẽ trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc đầu tiên của Việt Nam. Điều này không chỉ hiện thực hóa chiến lược quốc gia phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo, mà còn góp phần củng cố mạnh hơn vị trí của khu vực Đông Nam Á trên bản đồ âm nhạc thế giới.
Khi đó, Đà Lạt sẽ trở thành nơi kết nối trọng điểm về âm nhạc của Việt Nam với quốc tế thông qua trao đổi kinh nghiệm và thực hành tốt nhất giữa các thành phố trong mạng lưới, đặc biệt là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các dự án và sự kiện âm nhạc, chương trình đào tạo và lưu trú quốc tế sẽ được thực hiện để nuôi dưỡng nguồn nhân lực âm nhạc chất lượng cao, phát triển cộng đồng âm nhạc có thị hiếu đa dạng, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp sáng tạo.
Khi trở thành thành viên của UCCN, Đà Lạt sẽ nâng cao năng lực của các bên liên quan, củng cố chính sách và thiết chế văn hóa cấp thành phố, bao gồm các điểm tổ chức biểu diễn âm nhạc; Giữ gìn và phát huy di sản âm nhạc truyền thống, bao gồm Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”, trong bối cảnh đương đại với sự tham gia của cộng đồng dân tộc, đặc biệt là giới trẻ.
Khám phá, thúc đẩy vai trò của âm nhạc và văn hóa để giải quyết các thách thức phát triển bền vững, nuôi dưỡng kết nối giữa con người và thiên nhiên; Tăng cường hợp tác đa bên, trao đổi văn hóa với các thành phố trong nước và quốc tế, bao gồm các thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO.
Ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, khẳng định, thành phố sáng tạo không đơn thuần là một danh hiệu mà còn là chiến lược phát triển với trọng tâm và ưu tiên để bảo đảm mỗi người dân đều được phát huy khả năng sáng tạo, tham gia và thụ hưởng bình đẳng, tạo nên bản sắc riêng biệt cho Đà Lạt. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Đà Lạt, đưa thương hiệu thành phố đến với toàn cầu thông qua âm nhạc.
Song hành cùng với các chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, phát triển văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ, TP. Đà Lạt xác lập cho mình nhiệm vụ trọng tâm đặt văn hóa, đặc biệt sáng tạo âm nhạc là nhân tố cốt lõi để thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển đô thị bền vững, gắn kết mọi nhóm xã hội, mọi dân tộc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tâm An
Người làm báo Lâm Đồng
- PC Đắk Nông nhận bằng khen của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng – Điểm hẹn của hoa và âm nhạc
- Thành phố sáng tạo không chỉ là danh hiệu
- DHN đẩy nhanh tiến độ các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh
- Ông Trần Đình Long: Hòa Phát sẽ lọt Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới