Năm 2023, TP Đà Lạt đặt mục tiêu phát triển thêm ít nhất 15 sản phẩm OCOP mới, đồng thời củng cố và nâng cấp các sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng. Bên cạnh đó sẽ xây dựng điểm giới thiệu, bày bán sản phẩm, hỗ trợ đưa 100% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
- Phát huy Phong cách người Đà Lạt trong Kinh doanh
- Thay hoa chúc mừng bằng cây xanh bảo vệ môi trường
- Công ty TNHH Quảng Thái: Nâng tầm thương hiệu đặc sản Đà Lạt
- Simexco DakLak mang cà phê đặc sản Tây Nguyên chinh phục Cafe Show Vietnam 2023
UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) năm 2023, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của địa phương, để nâng cao thu nhập cho người dân.
Chương trình sẽ phát huy sự sáng tạo và sức mạnh cộng đồng trong sản xuất và hình thành các sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng. Đồng thời, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, TP Đà Lạt đặt mục tiêu phát triển thêm ít nhất 15 sản phẩm OCOP mới (5 sản phẩm cấp thành phố, 8 sản phẩm cấp tỉnh, 2 sản phẩm cấp quốc gia). Bên cạnh đó sẽ củng cố và nâng cấp các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.
Đồng thời, hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn, voso.vn và trang thương mại điện tử nông sản tỉnh Lâm Đồng. Xây dựng điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP của địa phương.
6 nhóm sản phẩm OCOP sẽ được khuyến khích phát triển, gồm: nhóm thực phẩm (nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác); nhóm đồ uống (đồ uống có cồn, đồ uống không cồn); nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu (sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác).
Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, gồm: các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren… làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng; nhóm sinh vật cảnh, gồm: hoa, cây cảnh, động vật cảnh; nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Theo UBND TP Đà Lạt, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, lan tỏa về sự cần thiết của chương trình OCOP. Khảo sát tiềm năng các sản phẩm, hỗ trợ phát triển sản phẩm mới và nâng cấp sản phẩm đã được công nhận…
Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên. Xây dựng điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP. Thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), nhất là đối với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.
Ông Nguyễn Đức Cứ – Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, cho biết, trong giai đoạn 2019-2022, thành phố đã hỗ trợ 15 chủ thể tham gia Chương trình OCOP nâng cấp các sản phẩm thông qua việc hỗ trợ máy móc, bao bì, tem truy suất với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng (kinh phí nhà nước hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng, kinh phí chủ thể đối ứng hơn 1,4 tỷ đồng).
Giai đoạn 2019-2021, thành phố có 57 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (trong đó 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm đang chờ trung ương xét công nhận 5 sao, 37 sản phẩm 4 sao, 15 sản phẩm 3 sao). Các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt như sản phẩm từ Atiso, cà phê, dâu tây, phúc bồn tử, hồng treo gió, đông trùng hạ thảo…
Năm 2022, Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP TP Đà Lạt đã tổ chức đánh giá 31 sản phẩm của 14 đơn vị, trong đó có 12 sản phẩm công nhận lại và 19 sản phẩm mới. Kết quả có 6 sản phẩm đề xuất hạng 5 sao, 22 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 3 sao. Ước tính đến cuối năm 2022, Đà Lạt có 71 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Viên Hữu