Ga đường sắt Đà Lạt (tại số 1 Quang Trung, phường 10, TP Đà Lạt) vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định công nhận điểm du lịch.
- Ngắm Đà Lạt về đêm trên những chuyến tàu cổ
- Mi Amor là biệt thự du lịch 3 sao đầu tiên của Đà Lạt
- Tái hiện quá trình hình thành và phát triển 130 năm Đà Lạt
- Nhiều nhóm nhạc nổi tiếng K-Pop sẽ đến Đà Lạt biểu diễn
- Thuỷ Hoàng Nguyên: Chốn an yên sau những bộn bề phố thị
UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Du lịch và quy định pháp luật có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác kinh doanh du lịch tại điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt”.
Ga Đà Lạt được xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938, là nhà ga xe lửa duy nhất của khu vực Tây Nguyên, được coi là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương.
Ngoài các đôi tàu chạy thường xuyên vào ban ngày từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát, mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khai trương thêm các chuyến tàu chạy đêm với tên gọi “Hành trình đêm Đà Lạt”.
Theo đó, trên tuyến này sẽ chạy thêm 2 đôi tàu DL11/DL12 và DL13/DL14 (xuất phát từ 18h15 đến 21h20 hàng ngày), với giá vé dao động từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng cho một lượt đi hoặc về.
“Hành trình đêm Đà Lạt” là sản phẩm du lịch mới của ngành đường sắt nhằm tiếp tục mang đến cho hành khách những trải nghiệm mới, cảm nhận vẻ đẹp của Đà Lạt về đêm, góp phần đa dạng dịch vụ và phát triển du lịch địa phương.
Điểm khác biệt trên “Hành trình đêm Đà Lạt” là ngoài việc được thưởng thức âm nhạc, trà atiso và sử dụng wifi miễn phí như các đoàn tàu cổ Đà Lạt khác, du khách còn có thể thưởng thức tiệc tối theo yêu cầu (chưa có trong giá vé).
Với hành trình chạy tàu chiều đi và về khoảng một giờ và tốc độ chạy tàu chậm chỉ 15km/h, nếu ban ngày, du khách có thể thoải mái thư giãn ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt thì vào ban đêm, vẻ đẹp của Đà Lạt lại vô cùng huyền ảo, khác lạ. Để du khách có thể check-in ngay cả khi chạy vào ban đêm, cùng với việc tăng cường sử dụng hệ thống chiếu sáng tại ga, các toa tàu đã được trang trí chiếu sáng bằng hệ thống đèn led.
Trước khi lên tàu, du khách có thể thoải mái tham quan, check-in tại ga Đà Lạt – một công trình kiến trúc cổ độc đáo được lấy cảm hứng thiết kế từ núi Langbiang huyền thoại và mái nhà rông Tây Nguyên truyền thống, hoặc check-in tại những toa tàu cổ mang phong cách Đông Dương.
Theo lịch sử đường sắt, tuyến Đà Lạt – Trại Mát có chiều dài 6,7km, là phần còn lại của tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt, dài 84km do người Pháp xây dựng, nối Ninh Thuận với Lâm Đồng được đưa vào khai thác năm 1932. Đây là tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam phục vụ du khách tham quan TP Đà Lạt.
Nhận thấy ý nghĩa của công trình ga Đà Lạt và tuyến đường sắt huyền thoại, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trương khôi phục tuyến đường sắt này nhằm bảo tồn công trình kiến trúc, góp phần phát triển du lịch, kinh tế – xã hội của các địa phương trên tuyến.
Theo đề xuất, tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được khôi phục có điểm đầu là ga Tháp Chàm, điểm cuối là ga Đà Lạt, dài khoảng 84km, đi qua địa bàn TP Phan Rang – Tháp Chàm, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Viên Hữu
- Ga Đà Lạt sẽ được ‘làm mới’ để phục vụ du khách
- Tập đoàn Hoà Phát nộp ngân sách tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021
- Motiti Group ra mắt Văn phòng đại diện thương hiệu Aishodo tại Việt Nam
- Giải pháp đưa sản phẩm OCOP Lâm Đồng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
- Đề xuất đầu tư Dự án cao tốc kết nối Nha Trang – Đà Lạt