Do dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, hàng chục doanh nghiệp đã có kiến nghị xin miễn giảm tiền thuê tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, UBND TP Đà Lạt đang gặp khó trong việc giải quyết vấn đề này, để vừa bảo đảm đúng quy định, vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.
- Đưa phong cách người Đà Lạt vào trường học, doanh nghiệp
- N.A.P Tours khai trương Tour Desk tại Mai Khanh Hotel Đà Lạt
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, bên cạnh những doanh nghiệp thích nghi để hoạt động hiệu quả, vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra, thì cũng còn nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu, chi phí, lợi nhuận kinh doanh, đặc biệt là những ngành liên quan đến du lịch, lưu trú, giải trí, nhà hàng, khách sạn…
Trước những khó khăn đó, từ năm 2021 đến nay, có gần 20 doanh nghiệp đang thuê tài sản thuộc sở hữu nhà nước (nhà công sản, biệt thự, công trình kiến trúc…) trên địa bàn TP Đà Lạt đã có kiến nghị xin miễn, giảm, giãn tiền thuê.
Trong đó, có những doanh nghiệp đang thuê nhiều tài sản thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Đà Lạt, như: Công ty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Đà Lạt thuê 12 biệt thự trên đường Nguyễn Du, Phó Đức Chính, Quang Trung; Công ty CP Quốc tế Năm Sao Đà Lạt thuê 11 biệt thự trên đường Nguyễn Du; Công ty TNHH DIDAMA thuê 4 biệt thự tại đường Cô Giang; Công ty CP Hoàng Gia ĐL đang thuê khách sạn Dalat Palace, khách sạn Duparc, sân Golf Đồi Cù, biệt thự 27A-27B Trần Hưng Đạo…
Tuy nhiên, theo UBND TP Đà Lạt, trường hợp các doanh nghiệp xin miễn, giảm tiền thuê tài sản, gia hạn (giãn) thời gian nộp tiền thuê tài sản… là không thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các quy định hiện hành về hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19. Các quy định này chỉ áp dụng cho việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp.
Do đó, hiện nay UBND TP Đà Lạt đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này, để vừa bảo đảm nguyên tắc ngân sách địa phương, vừa để các giải pháp hỗ trợ phải tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp. Bởi vì, có doanh nghiệp gặp khó khăn đã kiến nghị miễn giảm, nhưng cũng có những doanh nghiệp không đề nghị miễn giảm mà tự vượt qua khó khăn bằng nguồn lực của mình.
Được biết, hiện nay UBND tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện phân cấp quản lý, sử dụng, lập phương án khai thác cho thuê các biệt thự, nhà công sản thuộc sở hữu nhà nước… giao UBND TP Đà Lạt được ủy quyền ký kết hợp đồng cho thuê, chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện theo hợp đồng.
Do đó, để chủ động giải quyết các trường hợp liên quan tiền thuê tài sản, nhằm hỗ trợ giúp doanh nghiệp cùng đồng hành với địa phương để phát triển kinh tế, xã hội, phục hồi vượt qua đại dịch, tránh để tồn các khoản nợ kéo dài, chậm thu nộp ngân sách, UBND TP Đà Lạt vừa có văn bản báo cáo Tổ Công tác giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Tổ công tác).
Theo đó, UBND TP Đà Lạt đề xuất Tổ công tác có ý kiến về mức hỗ trợ cụ thể để có cơ sở triển khai theo quy định hoặc kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất cho UBND thành phố quyết định điều chỉnh một số điều khoản so với hợp đồng ban đầu.
Bên cạnh đó, các phương án giải quyết đề xuất riêng biệt cho từng loại hình thuê tài sản, từng loại hình đơn vị thuê, từng loại hợp đồng cho thuê đã ký. Đồng thời, chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nào thực sự khó khăn (chứng minh được sự khó khăn) và có đơn xin hỗ trợ.
Ngoài ra, đề xuất phương án giải quyết cho từng trường hợp xin miễn giảm tiền thuê phải đề xuất cụ thể cho từng tình huống phát sinh (nhằm đảm bảo thu hồi ngân sách), sau đó mới tính đến việc doanh nghiệp chứng minh được thực sự khó khăn, cuối cùng là phương án hỗ trợ để hài hòa lợi ích giữa 2 bên, cả bên thuê và bên cho thuê đều chia sẻ khó khăn, hợp tác để cùng phát triển.
Thời gian qua, thành phố Đà Lạt đã luôn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xử lý, giải quyết. Đồng thời tháo gỡ, đề xuất tháo gỡ, gắn với bảo đảm quy trình giải quyết thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Theo Viên Hữu, báo Doanh nghiệp Việt Nam
- 33 nghệ nhân tranh tài pha chế cà phê tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023
- Đưa phong cách người Đà Lạt vào trường học, doanh nghiệp
- Doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên: Cần chính quyền lắng nghe để hành động hiệu quả
- Ham trúng thưởng xổ số, mắc bẫy lừa đảo trực tuyến
- Chùm ảnh: Mỹ phẩm Xuân Trang trao hơn 800 phần quà Trung thu cho thiếu nhi Bảo Lộc