Bộ TT&TT đang dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 18/2014/NĐ-CP nhằm khắc phục những khó khăn trong thực hiện chế độ nhuận bút, thù lao của lĩnh vực báo chí và xuất bản. Đồng thời, thúc đẩy khai thác giá trị bản quyền có sử dụng ngân sách Nhà nước, tạo nguồn thu cho cơ quan báo chí.
- AI không thể thay thế Báo chí
- Luật Báo chí cần đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn
- Đong đầy cảm xúc lần đầu nhận Giải thưởng Báo chí
- Truyền thông qua Cổng thông tin điện tử còn nhiều dư địa phát triển
- Kỹ năng cần có của người làm nghề Truyền thông – Marketing
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), qua hơn 10 năm áp dụng, Nghị định 18/2014 đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc quản lý các khoản thù lao liên quan đến hoạt động sáng tác và xuất bản.
Một trong những hạn chế lớn là việc Nghị định này không đề cập đầy đủ các đối tượng liên quan (gián tiếp) tham gia sản xuất tác phẩm báo chí, như nhân sự thuộc bộ phận kỹ thuật, hành chính, khiến họ không được hưởng thù lao dù có tham gia vào quá trình công bố và phát hành.
Ngoài ra, các quy định về thù lao giữa các loại hình báo in, báo điện tử, báo nói và báo hình cũng không thống nhất, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, một số thể loại báo chí chưa được quy định là đối tượng được tính nhuận bút, thù lao trong Nghị định số 18/2014. Do đó, cơ quan báo chí không có căn cứ để tính nhuận bút, thù lao đối với những tác phẩm này.
Thực tế hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và các nền tảng số, tác phẩm báo chí đã được mở rộng về cả cách thể hiện lẫn sự tiếp cận độc giả. Tuy nhiên, nghị định hiện tại chưa có cơ chế tính nhuận bút cho các tác phẩm đăng trên nền tảng số, dù chúng có sự lan tỏa lớn. Điều này dẫn đến việc các cơ quan báo chí phải trả chi phí sản xuất mà không thể tính thù lao hợp lý cho các tác phẩm.
Trong lĩnh vực xuất bản, việc thiếu các quy định cụ thể về cách tính nhuận bút cho xuất bản ấn phẩm điện tử cũng tạo ra khoảng trống pháp lý, khiến các nhà xuất bản gặp khó khăn khi chi trả nhuận bút cho tác giả.
Đồng thời, cơ chế về Quỹ nhuận bút cũng chưa rõ ràng, đặc biệt trong việc hạch toán từ các nguồn thu dịch vụ, gây ảnh hưởng đến chính sách thuế và hiệu quả tài chính.
Quy định về trích Quỹ nhuận bút từ ngân sách Nhà nước cũng không còn phù hợp với Luật Ngân sách năm 2015, dẫn đến việc cần bãi bỏ toàn bộ các quy định về Quỹ nhuận bút trong hoạt động báo chí.
Hơn nữa, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP không phân biệt rõ cơ chế chi trả nhuận bút cho các tác phẩm hình thành từ nguồn tài chính khác nhau. Điều này trái ngược với quy định của Nghị định 21/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015, quy định rõ đối tượng điều chỉnh là tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
Do đó, Bộ TT&TT nhận thấy sự cần thiết của việc xây dựng một nghị định mới, quy định cụ thể về chế độ nhuận bút, thù lao và tiền bản quyền, đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với thực tế phát triển hiện nay.
Nghị định mới sẽ thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP, với mục tiêu giải quyết những bất cập và thúc đẩy việc khai thác bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, đặc biệt là đối với các tác phẩm có sử dụng tiền ngân sách nhà Nước.
Dự thảo nghị định mới gồm 4 chương và 12 điều, giảm 1 chương và 4 điều so với nghị định hiện tại.
Nội dung dự thảo tuân thủ theo Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời khắc phục những bất cập trong cách tính nhuận bút, thù lao cho các tác phẩm báo chí và xuất bản trên nền tảng số. Thay thế các quy định không còn phù hợp bằng các quy định về tiền bản quyền, dự thảo nghị định này nhằm bảo đảm sự đồng bộ với pháp luật về ngân sách Nhà nước, cơ chế tài chính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành báo chí, xuất bản trong thời đại số hóa.
Duy Lộc
- Meta cam kết mở rộng sản xuất tại Việt Nam từ năm 2025
- Những câu nói hay tôn vinh Nghề viết lách
- Đà Lạt xây dựng hồ sơ đề xuất trở thành Thành phố di sản
- Tổ chức Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
- Simexco DakLak mang cà phê đặc sản Tây Nguyên chinh phục Cafe Show Vietnam 2023