Bầu Đức đưa HAGL ‘trở lại’: Quyết tâm chính trị của tôi là trả nợ

Không giấu giếm hay né tránh, bầu Đức thừa nhận, ông đã vướng vào nợ nần và “không ai có cảm nhận giống tôi về nợ”. Thế nên “quyết tâm của tôi là phải trả nợ, trả nợ và trả nợ”.

Năm 2009, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản gần 13.000 tỉ đồng (tỷ giá lúc này khoảng 16.000 đồng/USD) và đứng trước cơ hội trở thành tỉ phú USD đầu tiên của Việt Nam.

Thế nhưng cú “dứt áo” sang nông nghiệp đã khiến một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất thời đó sa vào nợ nần và ông chủ của Tập đoàn là người thấm thía hơn ai hết nhân tình thế thái của cuộc đời. Thế nên với bầu Đức, tất cả những việc ông làm trong hơn một thập kỷ qua là trả nợ, trả nợ và trả nợ.

Nhiều người cứ nghĩ tôi “quăng bom” nhưng…

Là cá nhân đầu tiên tại Việt Nam mua máy bay riêng; Đặt bản doanh tại khách sạn Rex nổi tiếng giữa trung tâm TP mỗi khi xuống Sài Gòn; từng cho Chính phủ Lào vay gần 200 tỉ đồng xây dựng sân bay… Bầu Đức giàu có một thời ai cũng biết. Nhưng nếu như đa số các đại gia đều né tránh nói về tiền bạc và sự giàu có của mình thì bầu Đức từ trước đến nay khá thoải mái khi đề cập đến vấn đề này.

Còn nhớ năm 2009 khi trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, ông chẳng ngần ngại nói, dù thị trường có lên hay xuống thì với kế hoạch tăng trưởng của HAGL, ông sẽ là tỉ phú USD đầu tiên ở Việt Nam vào năm kế tiếp. Lúc đó, tôi hỏi ông “có ngại sự tự tin của mình sẽ khiến người khác ghét không”. Bầu Đức khảng khái: “Tôi làm ăn đàng hoàng, mỗi năm đóng thuế cho nhà nước cả ngàn tỉ đồng. Tôi không làm gì sai pháp luật nên không có gì phải sợ hãi khi nói sự thật cả”.

Dám làm dám chịu, đúng chất bầu Đức dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Cá tính này khiến cho những phát ngôn, chiến lược hay dự định nghiêm túc của bầu Đức luôn gặp không ít thị phi. Như kế hoạch mua 20% cổ phần Asenal, đứng thứ 5 trong danh sách 20 CLB có doanh thu cao nhất thế giới. Năm 2007 tạp chí Forbes xếp Arsenal ở vị trí thứ ba trong top các đội bóng được định giá cao nhất thế giới với tổng giá trị ước tính 495 triệu bảng, chỉ sau Real Madrid và MU. Theo tính toán, để mua 20% cổ phần như tuyên bố, HAGL sẽ phải chi khoảng 100 triệu bảng, tương đương hơn 3.000 tỉ đồng. Số tiền này không phải quá lớn với tài sản của bầu Đức nhưng không ít người vẫn nghi ngờ ông “nổ”, thích chơi ngông… bởi sở hữu 4 CLB hàng đầu bóng đá Anh trước nay đều là tỉ phú USD nổi tiếng thế giới.

Ý định này cuối cùng không thực hiện được do Việt Nam thời điểm đó chưa có quy định về việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Dù vậy, “cú hụt mua nổi tiếng” của bầu Đức cũng đã gây nên một cơn địa chấn lớn trên thị trường chứng khoán, bóng đá tại Anh và Việt Nam cùng rất nhiều đồn đoán. Nhưng với ông mọi chuyện hết sức đơn giản, mua cổ phần của đội bóng đá hàng đầu thế giới chỉ vì lúc đó “tiền nhiều quá”. Mà với các doanh nhân, khi “tiền nhiều quá” thì khát vọng lớn nhất của họ là đưa thương hiệu Việt tiến ra nước ngoài.

“Năm 2007 khi chúng tôi bán chung cư New Sài Gòn và phát hành thêm cổ phiếu HAG, hàng trăm người mua xếp hàng nộp tiền mua. Tập đoàn phải huy động 7 nhân viên, 4 máy từ sáng tới khuya chỉ để đếm tiền. Đếm không kịp, không nghỉ nên máy cũng… cháy luôn” – bầu Đức kể lại và cười lớn (không biết cái vụ cháy máy đếm tiền là đùa hay thật). Nhưng khẩu khí thì đúng chất bầu Đức và quan trọng nhất, đó là sự thật. Tham gia thị trường bất động sản rất sớm, bầu Đức nổi tiếng với tuyên bố “bán giá nào cũng có lời” và không ít lần khiến cho các dự án xung quanh đứng hình.

Thị trường bất động sản chắc vẫn chưa quên vụ bán căn hộ Hoàng Anh Thanh Bình (Q.7) với giá 25 triệu đồng/m2 trong khi các dự án khác xung quanh đang bán trên 40 triệu đồng/m2. Vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín… Hoàng Anh Thanh Bình khi đó đã khiến không ít cao ốc khu vực này đóng băng cả năm bởi mức chênh lệch quá cao nói trên. “Nhiều người cứ chửi tôi quăng bom nhưng lợi thế của tôi là có nhà máy gỗ, nhà máy đá, công ty xây dựng và mua đất từ sớm nên tôi làm nhà giá rẻ hơn. Mà mình làm rẻ thì mình bán rẻ cho bà con thôi” – bầu Đức giải thích.

Nhìn lại lịch sử thị trường, HAGL là doanh nghiệp đi đầu trong phát triển dự án cao tầng ở các tỉnh Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ… Tập đoàn này sở hữu khu phức hợp gồm khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê lớn nhất Yangon (Myanmar). Những tòa nhà cao nhất, hiện đại nhất, lớn nhất ở Attapeu (Lào) là của bầu Đức. “Nhưng thời thế, thế thời, thời phải vậy. Phải chấp nhận” – bầu Đức chốt lại và nói, ông là người thấm thía hơn ai hết việc nợ nần vì thế “quyết tâm chính trị của tôi là trả nợ, trả nợ và trả nợ”.

Tôi không biết “quản trị”, chỉ biết Quảng Ngãi thôi

Khi những cây cao su đầu tiên được HAGL trồng trên vùng đất Attapeu năm 2012, giá mủ đang ở mức hơn 5.000 USD/tấn, giá vốn mà Tập đoàn này bỏ ra chỉ 1.000 USD/tấn. Cuối năm 2013 lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến “cao su trồng tính bằng núi”, “mía trồng tính bằng km” và hệ thống tưới nhỏ giọt có chiều dài “4 vòng trái đất” để khuất phục sự khô cằn ở vùng đất nam Lào của Hoàng Anh Gia Lai. Cũng như hành trình thử nghiệm thịt heo xuyên Việt, chuyến đi này mang phong cách có một không hai của bầu Đức.

“Xây một tòa nhà to đùng giữa TP.HCM hay Hà Nội thì nổi tiếng liền nhưng đổ hàng trăm triệu USD xây nhà máy mía đường ở đây thì không ai biết. Mà không biết thì nghi kỵ, đồn thổi dẫn đến những phức tạp không đáng có. Tôi muốn người thật chứng kiến việc thật”, ông giải thích về việc đưa đoàn hơn 100 khách mời trong đó 2/3 là những nhà đầu tư của HAGL trong chuyến qua Lào năm đó.

Lúc này, HAGL đã đầu tư hàng tỉ USD trồng cao su, cọ dầu, mía với tổng cộng hơn 40.000 ha. Nếu mọi việc đi đúng kế hoạch, bầu Đức đã kiếm bộn tiền từ nông nghiệp. Thế nhưng không ai ngờ, giá cao su lao dốc không phanh, HAGL mất thanh khoản. Từ người tiền nhiều đến mức định mua đội bóng nổi tiếng thế giới, bầu Đức trở thành con nợ. Ông đã bán các dự án thủy điện, mía đường, khu phức hợp ở Yangon và cả Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG)… và làm “như điên” để giảm khối nợ gần 36.000 tỉ đồng xuống khoảng 10.000 tỉ đồng hiện nay.

Bầu Đức đặt niềm tin vào nuôi heo và trồng chuối

Theo kế hoạch, năm nay HAGL sẽ trả 5.000 tỉ đồng và năm 2023 sẽ nỗ lực trả nốt số còn lại với mục tiêu trở thành “công ty doanh thu ngàn tỉ không nợ đầu tiên của Việt Nam”. Để thực hiện, trước Tết Nguyên đán vừa rồi, bầu Đức đã rao bán 48 triệu cổ phiếu HNG. Nhiều người khuyên ông nên “thư thư” đợi giá cổ phiếu tăng lại bởi khi đó, thị trường đang bị ảnh hưởng bởi vụ bán chui cổ phiếu với số lượng lớn. Nhưng bầu Đức kiên quyết “tôi không phải dân đầu tư tài chính mà đợi cổ phiếu lên giá rồi lướt sóng trong khi ôm nợ phải trả lãi. Đã bán thì không tiếc và bán để trả nợ thì giá nào cũng bán. Tôi rất ý thức về nợ nần và quyết tâm trả nợ”.

Không giấu giếm hay né tránh, bầu Đức thừa nhận, ông đã vướng vào nợ nần và “không ai có cảm nhận giống tôi về nợ”. Thế nên “quyết tâm tôi là phải trả nợ, trả nợ và trả nợ”. Nhìn lại quá trình gần một thập kỷ sa vào nợ nần, ông có lẽ không bao giờ quên những câu chuyện nhân tình thế thái mà cuộc đời một doanh nhân như ông đã trải qua. Đó là một người em đồng nghiệp “dúi” vào tay ông 20 tỉ đồng bảo “anh cứ cầm lấy trang trải tạm, em biết anh đang khó”. Số tiền nhỏ nhưng ân tình lớn.

Ông càng không thể quên cú điện thoại cho lãnh đạo một ngân hàng cổ phần rơi vào im lặng nhưng hôm sau, số cổ phiếu HAGL đang cầm cố tại nhà băng này bị bán ra thị trường. Đó là món nợ nhỏ nhất trong tổng nợ gần 36.000 tỉ đồng của HAGL nhưng tác động thì rất lớn. Cổ phiếu của Tập đoàn này khi đó ngay lập tức bị bán tháo trên sàn cùng hàng loạt đồn đoán, thị phi. Dù thừa nhận “bàn giao xong HNG tôi rụng rời cả người” nhưng bầu Đức luôn trân trọng và biết ơn ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, công ty đã đầu tư vào HAGL giai đoạn khó khăn nhất.

“Có những người vài năm trước chưa là gì, nay coi mình không ra gì. Có người nói tôi không biết quản trị. Nhưng tôi đầu tư qua Myanmar là số 1, Lào là số 1, Campuchia là số 1… mà không biết quản trị thì ừ, tôi không biết Quảng Trị (nói lái quản trị – PV), chỉ biết Quảng Ngãi thôi” – bầu Đức kể lại rồi lại cười lớn, như để lại đằng sau những hỉ nộ ái ố của cuộc thăng trầm.

Ít ai biết rằng, không chỉ nỗ lực bằng mọi giá trả nợ. Suốt một thập kỷ qua, nhà của ông bầu nổi tiếng nhất Việt Nam là trên chiếc ô tô. Bầu Đức đã thuộc từng ổ gà trên cung đường đèo dốc hiểm trở từ Gia Lai sang Lào, Campuchia. Đi xuyên qua núi rừng, xuyên qua những cánh đồng mênh mông cao su, cọ dầu, cây ăn trái…

Ông “xoay” đủ mọi cách để tồn tại, từ nuôi bò Úc vỗ béo, bò sữa, trồng cây ăn trái. Có cái tết, khi đa số mọi người nghỉ ngơi, đoàn tụ thì bầu Đức ở bên kia biên giới Việt – Lào vẫn quên ngày quên đêm chuyển từ cao su sang cây ăn trái. Những khó khăn, vất vả là không thể tả xiết nhưng cho tới tận giờ, ông chưa bao giờ than thở một lời. Ông “lặn sâu” để cày trả nợ. Những chuyện chúng tôi biết là tự thấy, tự cảm nhận và phần lớn đều chọn sự im lặng để chia sẻ.

Không xin xỏ, không trốn tránh, nợ thì trả bằng mọi giá “không thiếu một đồng lời của các ngân hàng”. Dám làm dám chịu, đúng chất bầu Đức dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Theo Nguyên Hằng – Báo Thanh Niên

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *