Khoác “áo mới” cho Thủ phủ Trà và Tơ lụa Bảo Lộc

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định số 1194/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có của từng khu vực. “Thủ phủ Trà và Tơ lụa” như được khoác lên mình chiếc “áo mới” rộng rãi hơn, để phát triển bền vững, có bản sắc, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế.

1. Mở rộng không gian, trở thành đô thị loại II vào năm 2025

Theo Quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, phạm vi ranh giới lập quy hoạch có tổng diện tích tự nhiên là 59.849,2ha; bao gồm: Toàn bộ ranh giới hành chính của TP Bảo Lộc (06 phường, 05 xã) và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm (gồm 05 xã: Lộc An, Tân Lạc, Lộc Thành, Lộc Nam và Lộc Tân).

Một góc trung tâm TP Bảo Lộc. (Ảnh: Internet).

Ranh giới lập quy hoạch giới hạn: Phía Đông giáp huyện Di Linh; phía Tây giáp huyện Đạ Tẻh và huyện Đạ Huoai; phía Nam giáp huyện Tánh Linh và huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận; phía Bắc giáp xã Lộc Quảng và xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm.

Dự báo quy mô dân số đô thị của TP Bảo Lộc đến năm 2030 khoảng 257.900 người; đến năm 2040 khoảng 320.000 người. Quy mô diện tích đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 3.800ha, trong đó, đất dân dụng khoảng 2.000ha; đến năm 2040: Đất xây dựng đô thị khoảng 4.800ha, trong đó, đất dân dụng khoảng 2.500ha.

Quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 đặt mục tiêu quy hoạch và phát triển TP Bảo Lộc trở thành đô thị loại II vào năm 2025; tiếp tục xây dựng thành phố tiệm cận tiêu chuẩn loại I vào năm 2040, theo xu hướng quy mô tương đương tỉnh lỵ.

Xây dựng Thủ phủ Trà và Tơ lụa trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Là đầu mối giao thông về đường bộ của vùng, trở thành một điểm đến hấp dẫn phía Nam của tỉnh. Phát triển các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia, bao gồm: Thương mại – Dịch vụ, Dịch vụ du lịch, Trung tâm Văn hóa – Thể dục thể thao cấp quốc gia, Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – thông minh – hữu cơ – tuần hoàn.

Phát triển bền vững, có bản sắc, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế. Phát triển không gian TP Bảo Lộc đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo chiến lược tăng trưởng xanh, trở thành một đô thị hiện đại, sinh thái với các làng đô thị xanh và đặc thù cảnh quan của xứ B’Lao.

Vùng phụ cận thành phố phát triển theo hướng hỗ trợ và tương tác lẫn nhau với các chức năng đô thị; phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có của từng khu vực đảm bảo phát triển bền vững, sinh thái, hiện đại.

Đến năm 2040, TP Bảo Lộc mang tính chất là đô thị hạt nhân phía Nam của tỉnh; là trung tâm kết nối giao thương của vùng tỉnh với vùng TP Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của tỉnh và vùng Tây Nguyên.

Là đô thị tổng hợp hiện đại, thành phố thông minh; quy mô phát triển tương đương tỉnh lỵ trong tương lai; đô thị tăng trưởng xanh và bền vững, mang nét đặc trưng riêng, phù hợp với yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn và yêu cầu về thu hút đầu tư; kiến tạo, phát huy môi trường sống theo hướng bố trí các làng đô thị xanh và các khu đô thị.

Là trung tâm dịch vụ – thương mại hỗn hợp; trung tâm văn hóa, thể thao cấp quốc gia; trung tâm nông nghiệp chuyên canh theo hướng công nghệ cao, nghiên cứu đổi mới sáng tạo các sản phẩm đặc hữu; trung tâm dịch vụ du lịch cấp vùng và quốc gia; trung tâm y tế và giáo dục – đào tạo cấp vùng; trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cấp vùng và quốc gia; trung tâm kiểm định hàng hóa và xuất nhập khẩu cấp vùng; trung tâm công nghiệp phụ trợ, chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng; sản xuất vật liệu mới; chế biến dược liệu; công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ khai khoáng.

Thành phố Trà và Tơ lụa đẹp như tranh. (Ảnh: Internet).

2. Định hướng phát triển không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan, du lịch…

Theo quy hoạch chung đến năm 2040, TP Bảo Lộc và vùng phụ cận phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các cụm động lực được kết nối bởi tuyến vành đai xanh, cấu trúc đô thị một vành đai.

Định hướng phát triển trở thành đô thị sinh thái, thông minh, đa chức năng, trong đó: TP Bảo Lộc là đô thị trung tâm phát triển các chức năng của đô thị tỉnh lỵ. Vùng phụ cận phát triển theo định hướng nông nghiệp đô thị sinh thái; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch nông nghiệp; nông nghiệp nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn không gian tự nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học; hình thành các cụm đô thị động lực hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm.

Không gian đô thị thành phố Trà và Tơ lụa phát triển theo các hướng chính: Trục đường Lý Thường Kiệt – Phạm Ngọc Thạch là trục tổng hợp trung tâm hành chính và dịch vụ thương mại, văn hóa thể thao; Trục đường Nguyễn Văn Cừ là trục kết nối từ trung tâm đô thị hiện trạng sang khu trung tâm hành chính mới qua công viên hồ Nam Phương; Trục Quốc lộ 20 là các hoạt động dịch vụ hỗn hợp, dịch vụ, du lịch thương mại, khu ở, kết nối đến khu trung tâm nghiên cứu giáo dục đào tạo; Trục đường Lý Thái Tổ là trục kết nối đi khu du lịch thác ĐamB’ri; Trục đường Lạc Long Quân – Phan Ngọc Hiển là trục kết nối đến các khu du lịch chăm sóc sức khỏe và Khu công nghiệp Lộc Sơn.

Thủ phủ Trà và Tơ lụa quyến rũ du khách thập phương.

* Không gian đô thị TP Bảo Lộc và vùng phụ cận được định hướng chia thành 09 khu vực phát triển chính:

– Khu vực trung tâm đô thị: Khu trung tâm lịch sử hiện hữu phát triển theo định hướng chỉnh trang và bảo tồn các công trình mang giá trị lịch sử văn hóa để nâng cao tính chất lịch sử của khu vực cũng như bản sắc văn hóa; cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng các khu ở hiện trạng, cải tạo các không gian công cộng đơn vị ở; hệ thống trung tâm giáo dục cấp vùng; khu trung tâm hành chính và thương mại dịch vụ, y tế mới cấp vùng.

Trung tâm hành chính mới cấp vùng: Hồ Nam Phương làm trung tâm mở rộng công viên hồ, phát triển trung tâm hành chính đô thị mới, trung tâm công cộng… hiện đại nằm trong công viên cảnh quan đáp ứng đầy đủ chức năng của đô thị trong tương lai; kết nối với trung tâm hành chính thành phố hiện hữu; trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng nằm trên trục chính kết nối khu vực cửa ngõ theo hướng Bắc – Nam.

– Khu vực phát triển mới phía Đông: Xây dựng trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe chất lượng cao kết hợp với không gian cảnh quan hồ Lộc Thanh với chức năng phục hồi chăm sóc sức khỏe, hình thành chuỗi du lịch – khám chữa bệnh nghỉ dưỡng; phát triển mô hình nhà ở sinh thái mật độ thấp kết hợp với cảnh quan mặt nước cây xanh.

– Khu vực phát triển mới phía Nam: Cải tạo, chỉnh trang các khu vực dân cư hiện trạng; phát triển khu ở mới mật độ trung bình; xây dựng các công viên cây xanh thể dục thể thao, công viên chuyên đề kết hợp với hệ thống sông suối tự nhiên; phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với cảnh quan, phát triển mô hình công nghiệp xanh.

– Khu vực phát triển dân cư và du lịch sinh thái: Núi Đại Bình là khu vực khai thác phát triển đô thị hình thành khu dân cư mới để mở rộng, kết nối với đô thị TP Bảo Lộc; phát triển các làng đô thị sinh thái nhà vườn mật độ thấp tôn tạo các ngành nghề truyền thống địa phương tại khu vực xung quanh núi Đại Bình, sông Đại Nga.

Các khu vực có địa hình thích hợp trên sườn núi Sapung: Tổ chức các quần thể công viên chủ đề, các khu du lịch – dịch vụ – nghỉ dưỡng, tạo thành hệ sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp đặc trưng núi Sapung; phát triển các khu thể dục thể thao tích hợp, khu sân golf đẳng cấp quốc tế để thu hút khách quốc tế và trong nước; tổ chức giao thông kết nối khép kín, ưu tiên giải pháp cáp treo du lịch để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

– Khu vực phát triển mới phía Tây: Phát triển một cụm đô thị quan trọng với trung tâm giáo dục đào tạo, nghiên cứu kỹ thuật cao; cải tạo, chỉnh trang các khu vực dân cư hiện trạng; phát triển các làng sinh thái mật độ trung bình và thấp dần về phía núi Đại Bình.

– Khu vực dự trữ phát triển phía Bắc: Giữ lại các khu vực dân cư hiện trạng; các quỹ đất còn lại dành cho dự trữ phát triển đô thị.

– Khu vực phát triển du lịch thác Đam B’Ri: Phát triển du lịch sinh thái dọc theo dòng suối, hồ Đam B’Ri; tích hợp các di tích văn hóa tâm linh xung quanh khu du lịch thác Đam B’Ri nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác cảnh quan hồ Tiên; các khu ở hiện trạng cải tạo kết hợp với phát triển du lịch.

– Khu vực trung tâm xã Lộc An: Các cụm trung tâm công cộng, dịch vụ; khu nhà ở khu vực 02 bên đường giao thông; các khu ở sinh thái mật độ thấp.

– Khu vực phát triển và bảo tồn nông – lâm nghiệp: Phát triển nông nghiệp với các cây trồng đặc hữu gắn với du lịch canh nông ven Thủ phủ Trà và Tơ lụa; kết hợp đa dạng hóa các hình thức dịch vụ du lịch trải nghiệm, khám phá nông trại, vườn cây.

Thác Đam B’ri. (Ảnh: Internet).

* Định hướng phân bố các không gian chuyên ngành:

– Trung tâm hành chính: Phát triển hệ thống cơ quan, công sở gắn với quy hoạch khu trung tâm hành chính chính trị thành phố, khu trung tâm các phường, xã phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển không gian tổng thể của đô thị. Riêng đối với khu trung tâm hành chính mới cấp tỉnh, xây mới tại khu vực phía Bắc nhìn về phía hồ Nam Phương. Trung tâm hành chính – chính trị của thành phố giữ nguyên vị trí hiện nay, tiếp tục đầu tư hoàn thiện, nâng cấp.

– Trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng: Phát triển các trục trung tâm đô thị để tạo quỹ đất phát triển các chức năng đô thị; hoàn chỉnh và nâng cấp các công trình hạ tầng đô thị và tiện ích đô thị; xây dựng hệ thống các trung tâm thương mại mua sắm, các dịch vụ lưu trú như khách sạn, resort, dịch vụ thương mại, các điểm du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu người dân và khách du lịch.

– Trung tâm giáo dục, đào tạo: Bố trí quỹ đất phù hợp cho các cơ sở đào tạo (giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, đặc biệt quan tâm đến đào tạo nghiệp vụ du lịch, đào tạo các ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao) phù hợp với quy mô đào tạo và khả năng cung ứng hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đi kèm.

– Trung tâm y tế cấp vùng: Xây dựng và phát triển hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; nâng cấp, hiện đại hóa bệnh viện và trung tâm y tế hiện có; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển xã hội hóa hệ thống y tế.

– Trung tâm văn hóa: Xây dựng và phát triển hệ thống các công trình văn hóa hiện đại gắn với quy hoạch trung tâm khu du lịch trọng điểm, trung tâm các đô thị, khu đô thị, các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các điểm du lịch; tôn tạo, bảo vệ các công trình có giá trị nghệ thuật di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển kinh tế – du lịch.

– Trung tâm thể dục thể thao: Xây dựng, nâng cấp và mở rộng hệ thống công trình thể dục thể thao cấp đô thị, các xã hiện có và bổ sung các hạng mục để phát triển; xây dựng gắn với hệ thống vườn hoa, sân chơi tại các khu dân cư.

* Định hướng bảo tồn không gian kiến trúc cảnh quan thiên nhiên đô thị: Bảo vệ và phát triển các khu vực cảnh quan đô thị theo hướng đô thị xanh, bảo tồn đan xen cảnh quan nông nghiệp và cảnh quan đô thị; xây dựng phát triển mô hình đô thị sinh thái nông nghiệp; bảo tồn cảnh quan ven sông, suối, thác nước…; xây dựng các điểm du lịch sinh thái ven sông nhằm khai thác lợi thế cảnh quan, duy trì sự đa dạng sinh học và đảm bảo chống gập úng cục bộ, thoát lũ cho đô thị; bảo tồn và phát triển các khu vực rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

* Định hướng không gian du lịch và các hoạt động du lịch: Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Bảo Lộc trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực; xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu mạnh cho Bảo Lộc; phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh; liên kết phát triển sản phẩm đặc sắc của địa phương (chè, cà phê, cây ăn trái,…).

Khai thác thế mạnh cảnh quan tự nhiên gắn với thác nước và rừng nguyên sinh, như: Thác Đam B’ri ở thượng nguồn suối Đam B’rị; Thác Bảy tầng, nằm ở thượng nguồn suối Đạ Huoai, Lộc Thành,…; khu vực hồ Nam Phương kết hợp không gian xung quanh đồi dâu, đồi chè, hồ Tiên, xây dựng mới các hồ cảnh quan theo quy hoạch; quy hoạch một số khu vực vườn cây ăn trái dọc Quốc lộ 20, tuyến đường du lịch vườn; khai thác du lịch từ bản sắc văn hoá dân tộc địa phương; kết hợp tham quan các địa điểm văn hóa, tôn giáo giải trí trên tuyến đường du lịch.

Khu du lịch Đôi Dép. (Ảnh: Internet).

3. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư

Để huy động các nguồn lực nhằm xây dựng, phát triển TP Bảo Lộc và vùng phụ cận theo quy hoạch chung đến năm 2040, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn TP Bảo Lộc bằng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hoá.

 * Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách:

  1. Hoàn thiện tuyến vành đai phía Nam và đầu tư xây dựng mới tuyến vành đai phía Bắc.
  2. Hoàn thiện không gian cảnh quan khu vực hồ Nam Phương.
  3. Xây dựng trung tâm hành chính tại khu vực quy hoạch mới.
  4. Xây dựng cảnh quan các tuyến suối, hồ và các công viên chuyên đề.
  5. Xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải thành phố.
  6. Nâng cấp, cải tạo nhà máy cấp nước, lấy nước từ hồ Lộc Thắng để tiến tới dừng khai thác nguồn nước ngầm đô thị.
  7. Cải tạo chỉnh trang các khu vực đô thị cũ.
  8. Nâng cấp, cải tạo nhà máy xử lý rác thải.
  9. Xây dựng nhà tang lễ.
  10. Xây dựng bổ sung các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đô thị (trường học, trạm y tế…)
  11. Khu sinh hoạt thanh thiếu niên thành phố.
  12. Trung tâm Y tế thành phố.
  13. Dự án cải tạo suối Hà Giang – phường 1.
  14. Dự án hồ Blao S’rê gắn với nạo vét sông, suối, hồ để phòng chống ngập lụt tại địa bàn xã Lộc Châu, Đại Lào và phường B’lao.
  15. Dự án hồ Nam Phương 1, hồ Nam Phương 2.
  16. Dự án bệnh viện chất lượng cao tạo cơ sở cũ của Bệnh viện II Lâm Đồng.
  17. Dự án cấp, thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
  18. Đầu tư khu lưu giữ rác tại tiểu khu 474, thôn 2, xã Đại Lào.
  19. Các tuyến đường liên khu vực.

* Dự án sử dụng nguồn vốn xã hội hoá:

  1. Dự án tổ hợp dịch vụ khách sạn chuẩn 5 sao.

  2. Khu tổ hợp dịch vụ – khu du lịch sinh thái sân golf – cáp treo núi Sapung.
  3. Hình thành khu, cụm công nghiệp phía Tây thành phố.
  4. Dự án khu du lịch sinh thái núi Đại Bình.
  5. Dự án đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng Lộc Phát.
  6. Các dự án khu đô thị, khu dân cư.

ĐỜI SỐNG NEWS – GIẢI PHÁP TRUYỀN THÔNG TỐI ƯU

Website: https://doisongnews.vn/

Youtube: https://www.youtube.com/@doisongnews

Fanpage: https://www.facebook.com/doisongnews2021

Trang tin điện tử: https://thuonghieutruyenthong.vn/

Email: bbtdoisongnews@gmail.com

📞☎️Hotline: 0968804459 – 0973127459

Viên Hữu

Dalatinfo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *