Sau 5 năm triển khai tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), Dự án Café-REDD đã thu hút được sự tham gia tích cực của các đối tác, doanh nghiệp, tổ hợp tác sản xuất cà phê. Hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số đa dạng, năng động, bảo đảm tính bền vững và bảo vệ môi trường trong quá trình liên kết, sản xuất, nhằm nâng cao sinh kế cho người dân.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- “Điểm hẹn doanh nhân” truyền cảm hứng làm giàu chân chính
- Chủ tịch Đặng Văn Thành: Doanh nghiệp phải vững vàng trước sóng gió thương trường để phát triển
- Giám đốc SNV Việt Nam: Cà phê Arabica Lạc Dương là đại diện tiêu biểu cho làn sóng cà phê đặc sản
Dự án cà phê nông lâm kết hợp và tăng cường chất lượng rừng cho REDD+ (Café-REDD) ở tỉnh Lâm Đồng, do Tổ chức sáng kiến khí hậu quốc tế (ICI) thuộc Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân (BMU) Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV).
Đây là một trong 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp có liên quan đến hỗ trợ tiếp cận cơ chế REDD+ trong cải thiện cảnh quan khi sử dụng đất nông lâm nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, được SNV triển khai tại tỉnh Lâm Đồng, sau 14 năm hiện diện tại địa phương này. Dự án chia làm 2 pha: pha đầu tiên từ tháng 11/2018 đến 4/2022; pha mở rộng từ tháng 5/2022 đến 4/2024. Địa điểm thực hiện tại huyện Lạc Dương. Kinh phí triển khai dự án là hơn 1,5 triệu USD.
Sau 5 năm triển khai, dự án Café-REDD đã giúp tăng cường năng lực xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cho cán bộ quản lý huyện Lạc Dương. Hỗ trợ xây dựng 15 bản kế hoạch sử dụng đất của thôn, bản. Hiện đang phối hợp với chính quyền địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, xây dựng và thực hiện thí điểm Quỹ Bảo tồn rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương.
Dự án còn giúp cải thiện việc giám sát và truy xuất nguồn gốc từ 6 chuỗi cung ứng cà phê của các doanh nghiệp. Hỗ trợ 3.000 hộ nông dân cải thiện việc sản xuất cà phê thông qua cải tiến quy trình, chuyển dịch theo hướng xây dựng hệ thống cà phê nông lâm kết hợp bền vững theo các biên bản ghi nhớ giữa các bên liên quan.
Thực hiện các mô hình hỗ trợ cây giống là cây xanh, cây lâm nghiệp trồng xen theo chương trình trồng 50 triệu cây xanh của tỉnh Lâm Đồng với gần 187 ngàn cây (mắc ca, hồng), tương ứng trồng xen với diện tích 1.048ha; hỗ trợ hoạt động làm giàu rừng 75ha; cải tạo và tái canh cây cà phê với số lượng cây giống hơn 497 ngàn cây, tương ứng gần 100ha.
Đến nay, dự án đã đào tạo và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 9 doanh nghiệp nông sản tại Lạc Dương. Chuyển giao dữ liệu tích hợp về quản lý giám sát rừng theo thời gian thực, hệ thống truy xuất nguồn gốc, dữ liệu bản đồ nông trại để huyện tích hợp vào hệ thống dữ liệu Big Data.
Đặc biệt, hệ thống số theo dõi và truy xuất nguồn gốc cà phê không gây mất rừng được dự án Café-REDD hỗ trợ, đang cơ bản có nội dung tiếp cận và phù hợp với yêu cầu của Dự luật ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng vào châu Âu (Dự luật EUDR) trên diện tích hơn 1.508ha, được triển khai cụ thể đến 2.720 nông hộ trồng cà phê.
Ông Phạm Thành Nam – Quản lý dự án Café-REDD, cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, SNV thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan. Các nội dung triển khai và sản phẩm của dự án phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành NN&PTNT của địa phương.
“Dự án đã thu hút được sự tham gia có trách nhiệm của các đối tác thuộc khu vực kinh tế tư nhân, như: các công ty chế biến cà phê đặc sản; các công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc; các đơn vị cung cấp cây giống uy tín; các công ty khởi nghiệp nông nghiệp số; cùng 16 tổ hợp tác, hợp tác xã cà phê, tạo thành một hệ sinh thái nông nghiệp số đa dạng, năng động, áp dụng công nghệ cao, bảo đảm tính bền vững và bảo vệ môi trường”, ông Nam chia sẻ.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, hoạt động hỗ trợ của các chương trình dự án thông qua SNV luôn bám sát tình hình thực tế cần hỗ trợ của tỉnh. Bên cạnh việc nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật quản lý tại địa phương, cải thiện các chính sách liên quan, SNV tập trung vào các mô hình triển khai thực tế có chia sẻ lợi ích cho cộng đồng và người dân, hạn chế việc hội họp tập huấn kéo dài.
Ưu điểm của SNV là áp dụng vùng dự án và nội dung hợp phần triển khai có quy mô phù hợp so với năng lực tài chính hỗ trợ. Chú trọng đến một số vấn đề xã hội, việc quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên đất nông lâm nghiệp được quan tâm.
Với sự hỗ trợ của Dự án Café-REDD, việc xác định bản đồ số vùng trồng và truy xuất sản phẩm canh tác cà phê không gây mất rừng thông qua chuyển đổi số tại huyện Lạc Dương đang cơ bản có nội dung tiếp cận và phù hợp với Dự luật EUDR. Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị vận dụng các kết quả này để kết nối, tích hợp lên hệ thống theo dõi của EU nhằm đáp ứng các quy định của Dự luật EUDR.
Viên Hữu