Khởi nghiệp, đầu tư khu vực miền núi nhận nhiều hỗ trợ

Bộ Tài chính vừa ra thông tư quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trong đó, hoạt động khởi nghiệp, thu hút đầu tư khu vực miền núi được nhận nhiều khoản hỗ trợ.

Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15/8/2023 quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong đó, hoạt động khởi nghiệp, thu hút đầu tư khu vực miền núi được nhận nhiều khoản hỗ trợ.

Khởi nghiệp, thu hút đầu tư khu vực miền núi sẽ nhận nhiều khoản hỗ trợ.

Điều 14, Thông tư số 55/2023/TT-BTC quy định rõ về chi hỗ trợ thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, về hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, NSNN sẽ hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại hiện trường nhưng không quá 30 triệu đồng/khóa đào tạo, tối đa 5 khóa/mô hình.

Hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng và tối đa 5 hợp đồng/mô hình. Hỗ trợ 75% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tối đa 150 triệu đồng/mô hình.

CEO Nguyễn Thị Mến – Dalavi, một doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều triển vọng tại Lâm Đồng.

Về hỗ trợ chi phí vận hành các dự án “Trung tâm hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” tại các trường đại học và Văn phòng điều phối Chương trình thuộc Ủy ban Dân tộc, NSNN sẽ chi mua sắm trang thiết bị văn phòng theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử, hệ thống cơ sở dữ liệu, cổng kết nối điện tử hỗ trợ trực tuyến theo dự án hoặc đề cương chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa 1 tỷ đồng/trung tâm.

Hỗ trợ gian hàng kết nối, giới thiệu sản phẩm vùng dân tộc thiểu số, miền núi và thu hút đầu tư (theo hình thức trực tuyến và trực tiếp), mức hỗ trợ tối đa 400 triệu đồng/trung tâm (không bao gồm kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa).

CEO Nguyễn Lê Thạch Thảo – Công ty TNHH Daisy International, một trong những doanh nghiệp khu vực miền núi nhận nhiều hỗ trợ của Tổ chức SNV.

Thông tư cũng quy định hỗ trợ tổ chức chương trình ngày hội kết nối khởi nghiệp dân tộc thiểu số; các cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/chương trình và không quá 2 chương trình/năm; tối đa 330 triệu đồng/cuộc thi và không quá 1 cuộc thi/năm.

Quy định chi hỗ trợ xây dựng và vận hành thí điểm các dự án “Trung tâm kết nối giao thương thương mại, du lịch và quảng bá sản vật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” tại ủy ban dân tộc và các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Lào Cai, Lâm Đồng, Cần Thơ.

Chi tổ chức biểu dương thanh niên, sinh viên, người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công. Đồng thời, chi hỗ trợ tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

CEO Thái Thu Đào – Công ty CP Nông sản LangBiang, quan tâm đến vấn đề sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng – Tây Nguyên.

Hà Anh

Doanh nghiệp Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *