Chia sẻ với “Điểm hẹn doanh nhân” lần đầu tổ chức tại Đà Lạt, diễn giả Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng, những khó khăn của thương trường là bình thường, phải xảy ra. Không có những đợt đào thải thì sẽ chẳng có phát triển. Bài hát mà không có cao trào, không có trầm bổng, cứ đều đều thì buồn ngủ lắm.
- Đà Lạt lần đầu tổ chức “Điểm hẹn doanh nhân”
- “Điểm hẹn doanh nhân” truyền cảm hứng làm giàu chân chính
- TS Phạm S: Đà Lạt là “kho báu” khơi nguồn cảm xúc sáng tạo
- Doanh nhân Đặng Văn Thành chia sẻ kinh nghiệm vượt sóng gió thương trường tại Lâm Đồng
Doanh nhân khác “trọc phú”
Là diễn giả “mở hàng” cho chương trình “Điểm hẹn doanh nhân” tại Đà Lạt ngày 30/6, sau hơn 40 năm thăng trầm trên thương trường, doanh nhân Đặng Văn Thành vẫn luôn cho người đối diện thấy nguồn năng lượng tràn trề dù đã ở độ tuổi ngoài 60.
Ở tuổi 34 ông đã là Chủ tịch của Sacombank và đưa ngân hàng từ số vốn khiêm tốn 3 tỷ đồng lên quy mô 10.740 tỷ sau 20 năm, vào thời điểm ông rời ghế chủ tịch nhà băng này.
Trở lại điều hành doanh nghiệp gia đình Thành Thành Công (TTC), chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã tạo được cuộc bứt phá ngoạn mục cho công ty trong 5 lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế với câu slogan ấn tượng: Nông nghiệp là nền tảng, bất động sản là mái ấm, du lịch là xu hướng, năng lượng là nhu cầu, giáo dục là tương lai. Hiện nay, quy mô vốn điều lệ của TTC gần 21.000 tỷ đồng, 120 đơn vị trực thuộc, hơn 6.300 cán bộ nhân viên trong và ngoài nước.
Với quan niệm doanh nghiệp không có tuổi thọ, doanh nhân có tuổi thọ, ông Thành cho rằng doanh nhân phải nỗ lực làm việc từng ngày, phải làm giàu cho tổ chức, tạo thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp.
“Quan điểm xây dựng thương hiệu của tôi gắn liền với quan điểm xây dựng và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Khái niệm thương hiệu là quá trình lao động của toàn thể cán bộ nhân viên đúc kết lại”, vị doanh nhân này cho biết.
Ông Thành nhấn mạnh, doanh nhân khác với “trọc phú”. Điều cốt lõi của doanh nhân là phải tạo ra được giá trị và phải gắn với 5 trách nhiệm: với xã hội, khách hàng, cán bộ nhân viên, nhà đầu tư và ngân sách. Để làm được điều đó, doanh nhân, người đứng đầu doanh nghiệp phải quyết đoán và nhất quán trong mọi quyết định. Phải nhận định được mọi rủi ro và dẫn dắt cả tập thể vượt qua khó khăn, thử thách.
Bên cạnh 12 điều lưu ý với doanh nhân, ông Thành còn “bật mí” 10 nguyên tắc trong công tác điều hành doanh nghiệp, đó là: định hướng chiến lược và hoạch định mục tiêu; tự tin quyết đoán và nhất quán các quyết định; nhận biết khẩu vị và quản lý rủi ro; phát huy khả năng làm việc nhóm; phân công đúng người đúng việc; phát huy vao trò lãnh đạo cấp trung gian; trân trọng những ý kiến đóng góp; tạo chính sách và môi trường làm việc tốt; tự hoàn thiện bản thân; chọn một môn thể dục, thể thao thích hợp.
Là chủ tập đoàn có hơn 6.300 cán bộ nhân viên, ông Thành cho rằng, rủi ro của mọi rủi ro là con người. Con người là tài sản quý giá của tổ chức nhưng không phải là sở hữu của tổ chức, do đó phải có chính sách, chế độ thì con người mới đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp.
Do đó ông chọn trường phái hiền tài thay vì nhân tài. Vì theo ông, nhân tài có thể thuê được nhưng hiền tài phải tự đào tạo, xây dựng dần. Hiền tài phải có ở mọi cấp, là những người gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp.
Nếu không có hiền tài thì không bao giờ phát triển được. Muốn có hiền tài phải có chính sách để nuôi dưỡng, đào tạo; thứ hai là phải có thu nhập tốt mới có cán bộ nhân viên theo văn hóa của mình. Còn mang văn hóa lai tạp bên ngoài vào thì không lâu bền.
Khó khăn của thương trường là bình thường
Chia sẻ về những khó khăn, cơ hội trong giai đoạn hiện nay, ông Thành cho rằng, kinh tế phát triển có chu kỳ và ngành nào cũng có quy luật đào thải. Cho nên thời kỳ COVID-19 vừa qua cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp có thời gian tĩnh lại, rà soát lại kế hoạch, hướng kinh doanh của mình.
Doanh nghiệp có công tác quản trị tốt, điều hành tốt, kiểm soát tốt thì khó khăn vừa qua chỉ khiến họ bị chậm lại một bước. Bởi họ đã tính toán sự phát triển, có chiến lược dài hơi rồi.
Người đứng đầu Tập đoàn TTC chia sẻ, cuộc đời kinh doanh hơn 4 thập kỷ của ông đi qua quá nhiều biến cố, chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, mọi cung bậc hạnh phúc, vất vả, cay đắng của đời doanh nhân đều nếm trải.
Gắn với danh xưng “Vua mía đường”, ông Thành chiêm nghiệm thấy đời mình giống cây mía với nhiều đốt. Cứ lên được một đốt thì lại có một cái mắt mía chắn lại, rồi lại có đốt mới, lại gặp những cái mắt mới chồng lên. Với ông, những cái mắt đó là những biến động mình gặp phải. Nhưng càng có nhiều mắt chồng lên thì thân mía càng cứng cáp, gốc rễ vững chắc hơn.
Qua những cuộc “bể dâu” như thế, ông đúc kết, rút ra bài học cho mình là phải xây chiến lược bài bản, quan tâm công tác quản trị, kiểm soát có trách nhiệm, điều hành chuyên nghiệp. Những vấn đề này phải được coi là kim chỉ nam. Túi mình có lương khô thì khi khó khăn mình mang ra sử dụng, sẽ không có giông bão nào làm ngã mình được.
“Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, những khó khăn của thương trường là bình thường, phải xảy ra. Không có những đợt đào thải thì sẽ chẳng có phát triển. Bài hát mà không có cao trào, không có trầm bổng, cứ đều đều thì buồn ngủ lắm”, doanh nhân yêu văn nghệ, thích thể thao này ví von.
Hướng về phía các bạn trẻ khởi nghiệp, ông Thành nói rằng, trong kinh doanh, cơ hội rất nhiều, nhưng thách thức luôn song hành. Thế hệ trẻ hôm nay có nhiều lợi thế hơn vì có khoa học, công nghệ, có cả kinh nghiệm của người đi trước, nên đừng bao giờ tự ti, phải luôn tin vào khả năng, bản lĩnh của mình.
“Đời doanh nhân đã được sự phân công của xã hội. Chúng ta sản xuất, cung ứng hàng hóa để cân đối cung cầu cho đất nước và giải quyết việc làm cho người lao động – chính là đồng bào mình. Nếu mình cố gắng đạt thành quả, thực hiện được sứ mệnh xã hội phân công thì nó “đã” lắm, cảm giác sướng khó diễn tả”, ông Thành hóm hỉnh.
Do đó, ông mong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ đừng nản chí, đừng bỏ cuộc. Với ông, thị trường không có doanh nghiệp nhỏ doanh nghiệp lớn, chỉ có doanh nghiệp tốt và không tốt hoặc chưa tốt thôi. Còn nếu chúng ta thừa nhận có doanh nghiệp nhỏ thì mỗi khi thị trường biến động, đào thải cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ lớn lên. Tre già thì măng phải mọc, đúng theo quy luật.
Bên cạnh chia sẻ những “công thức” rất riêng của mình về quản trị, điều hành doanh nghiệp đã được đúc kết sau nhiều năm thăng trầm trên thương trường, ông Đặng Văn Thành còn phân tích và đưa ra những lời khuyên hữu ích đối với doanh nhân Lâm Đồng về xu thế chuyển đổi số để sẵn sàng trên đường đua mới; kinh nghiệm quảng bá doanh nghiệp, thương hiệu.
Đặc biệt ông còn dành nhiều thời gian để tương tác, trao đổi, thảo luận với các doanh nhân trẻ, sinh viên đam mê kinh doanh về hành trang cần thiết khi khởi nghiệp trong thời kỳ mới, bí quyết quản lý tài chính, giữ chân hiền tài, kinh nghiệm vượt qua khó khăn trong giai đoạn suy thoái kinh tế…
Tuy là lần đầu diễn ra, nhưng nhờ được chuẩn bị chỉn chu và sức hút của diễn giả Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn TTC, “Điểm hẹn doanh nhân” tại Đà Lạt đã thu hút lượng người dự khán đông kỷ lục với gần 500 doanh nhân, các bạn trẻ khởi nghiệp, sinh viên chuyên ngành có đam mê kinh doanh. Chương trình được kỳ vọng sẽ diễn ra định kỳ, thường xuyên để tạo sân chơi bổ ích cho doanh nghiệp, doanh nhân Lâm Đồng.
ĐỜI SỐNG NEWS – GIẢI PHÁP TRUYỀN THÔNG TỐI ƯU
Website: https://doisongnews.vn/
Youtube: https://www.youtube.com/@doisongnews
Fanpage: https://www.facebook.com/doisongnews2021
Trang tin điện tử: https://thuonghieutruyenthong.vn/
Email: bbtdoisongnews@gmail.com
📞☎️Hotline: 0968804459 – 0973127459
Viên Hữu – Tâm An
- Dalat Best Dance Crew 2024 ‘gây choáng’ với sân khấu cực khủng
- Đưa thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” xuất ngoại
- Lâm Đồng: Lạc Dương có 6 sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2023
- Triển khai 5 lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa TP Hồ Chí Minh và Tây Nguyên
- Hàng trăm Sản phẩm CNNT tiêu biểu hội tụ Đắk Nông