Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan tại hội nghị trao đổi, thống nhất kế hoạch triển khai bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên, diễn ra chiều ngày 24/8, tại Đắk Nông.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Dương Thị Hạnh – Nữ doanh nhân với sứ mệnh kết nối
- Đắk Nông đăng cai “hội nghị bàn tròn” TP Hồ Chí Minh – Tây Nguyên
- Triển khai 5 lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa TP Hồ Chí Minh và Tây Nguyên
- Simexco Daklak ghi dấu cột mốc 30 năm phát triển bằng chuỗi hoạt động vì cộng đồng
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên đóng vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Do đó, phát triển vùng Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt, trọng tâm, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập của các địa phương trong vùng và trên cả nước.
Là tổ trưởng tổ điều phối triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên, ông Võ Văn Hoan cho biết, trong những năm qua, các bên đã ký kết và triển khai nhiều nội dung hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương và của cả nước.
Trong đó, các lĩnh vực hợp tác trọng tâm được xác định gồm, phát triển du lịch; kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển y tế, giáo dục; nông nghiệp. Bên cạnh đó, là một số lĩnh vực hợp tác song phương giữa TP Hồ Chí Minh với từng tỉnh trong vùng.
“Tôi mong rằng, lãnh đạo UBND các tỉnh, các sở, ngành và đơn vị liên quan cùng nhau thảo luận có ý kiến, đề xuất, thống nhất để sớm triển khai thực hiện hiệu quả thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2025, đã được ký kết vào cuối năm 2022, tại Lâm Đồng”, tổ trưởng tổ điều phối, đề nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các kế hoạch chi tiết để triển khai từng nội dung hợp tác cụ thể trong năm 2023. Trong đó có các chương trình, sự kiện do UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì, các đơn vị trực thuộc thực hiện, được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh đó còn có các sự kiện do UBND các tỉnh Tây Nguyên chủ trì tổ chức.
Đồng thời thảo luận về các nội dung, hoạt động hợp tác song phương giữa 5 tỉnh vùng Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh, như: hợp tác nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; hợp tác phát triển các mô hình chuỗi liên kết, chuỗi giá trị nông sản, đa dạng hóa kinh tế nông thôn; đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực.
Hợp tác phát triển du lịch nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Hợp tác phát triển các dịch vụ. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển vùng. Hợp tác xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, hạ tầng logistics.
Theo thống kê, trong thời gian qua, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã thu hút 275 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh. Tổng mức đầu tư các dự án này đạt hơn 82.000 tỷ đồng.
Lâm Đồng là địa phương dẫn đầu vùng Tây Nguyên về thu hút các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh. Tỉnh này thu hút được 146 dự án, với tổng vốn hơn 23.000 tỷ đồng. Tiếp đến là tỉnh Đắk Lắk, thu hút 50 dự án, tổng vốn đầu tư 6.049 tỷ đồng.
Tỉnh Gia Lai thu hút 43 dự án từ TP Hồ Chí Minh, tổng vốn 50.000 tỷ đồng. Tỉnh Đắk Nông thu hút 27 dự án, tổng vốn đầu tư 1.918 tỷ đồng. Tỉnh Kon Tum thu hút 9 dự án, tổng vốn 542 tỷ đồng.
Các dự án do nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh triển khai trong vùng Tây Nguyên đã góp phần tăng thu ngân sách, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế, xã hội các tỉnh Tây Nguyên ngày càng phát triển.
Viên Hữu