Tại chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương với 5 tỉnh Tây Nguyên, các doanh nghiệp Ấn Độ rất quan tâm đến các loại nông sản, đặc biệt là sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
- Khoai lang Viên Sơn… “vươn xa”
- Lâm Đồng kích cầu du lịch dịp lễ Quốc khánh 2/9
- Doanh nghiệp Ấn Độ tìm cơ hội hợp tác đầu tư tại Lâm Đồng
- Đắk Nông đăng cai “hội nghị bàn tròn” TP Hồ Chí Minh – Tây Nguyên
- Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản: Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương
Ngày 31/8, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch (XTĐTTM&DL) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp 5 tỉnh Tây Nguyên và Ấn Độ.
Theo ông Dương Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm XTĐTTM&DL tỉnh Lâm Đồng, trong ngày hôm qua, tỉnh đã tổ chức 3 đoàn khảo sát trên các lĩnh vực thương mại, du lịch, đào tạo và công nghệ thông tin, để phục vụ đoàn doanh nghiệp Ấn Độ.
Bước đầu, các doanh nghiệp Ấn Độ đã được trải nghiệm và có cái nhìn khái quát nhất về hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, đã gợi mở được những ý tưởng liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, đối tác Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên của Việt Nam trong thời gian tới.
“Thông qua chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương với 5 tỉnh Tây Nguyên, doanh nghiệp Ấn Độ sẽ tìm hiểu thông tin, trực tiếp thưởng thức các sản phẩm để đánh giá chi tiết hơn về thị trường, tiêu chuẩn sản phẩm, năng lực sản xuất, nhu cầu hợp tác… Hy vọng, doanh nghiệp 2 bên sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác, phát triển trong thời gian tới”, ông Dương Quốc Anh chia sẻ.
Ông Madan Mohan Sethi – Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là lần đầu tiên gần 50 doanh nghiệp với đa dạng ngành nghề, đến từ 8 Bang của Ấn Độ và 2 hiệp hội đến với TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhằm kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.
“Chúng ta đang chứng kiến một bước nhảy vọt không chỉ trong quan hệ thương mại của chúng ta mà còn trong du lịch, giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân. Hiện nay, Ấn Độ là một thị trường “khổng lồ” có thể so sánh với Trung Quốc cho Việt Nam đối với nhiều sản phẩm. Mong rằng, doanh nghiệp hai bên sẽ trao đổi, kết nối và tìm ra các cơ hội hợp tác phát triển cùng nhau”, ngài Tổng Lãnh sự kỳ vọng.
Được bố trí trong một không gian mở, chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp 5 tỉnh Tây Nguyên và Ấn Độ, diễn ra rất sôi nổi và gắn kết.
Hơn 60 doanh nghiệp của Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên đã giới thiệu đến doanh nghiệp Ấn Độ các sản phẩm đặc trưng của địa phương như trà, cà phê, tơ lụa, các loại sâm, sản phẩm OCOP… Đặc biệt các loại rau, củ, quả mang thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” của Lâm Đồng đã tạo ấn tượng rất tốt với các doanh nghiệp đến từ đất nước đông dân nhất thế giới.
Sau một vòng tham quan, tìm hiểu và dùng thử các loại sản phẩm được giới thiệu tại chương trình, ông Rituraj Butta – Giám đốc Công ty Medstocks, thuộc tập đoàn đa quốc gia Sun Pharma, cho biết, đây là lần đầu tiên ông đến Đà Lạt – Lâm Đồng và được khảo sát thực tế tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
“Tôi đặc biệt ấn tượng với các loại nông sản mang thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” vì rất ngon và đa dạng. Sau buổi làm việc này tôi sẽ kết nối với doanh nghiệp của Lâm Đồng để nhập khẩu các sản phẩm này về thị trường Ấn Độ”, ông Rituraj Butta chia sẻ.
Ông Amandip H Singh – Giám đốc Công ty AD Overseas, cho biết, trong 2 ngày ở Đà Lạt, ông đã được sử dụng nhiều loại nông sản của Đà Lạt và cảm thấy rất ngon. Tại chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm ông choáng ngợp trước sự đa dạng của các sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.
“Là đất nước đông dân nhất thế giới, thị trường Ấn Độ đang bùng nổ và muốn nhập khẩu rất nhiều hàng hoá từ các nước. Đây là cơ hội rất lớn cho các ngành hàng Việt Nam, đặc biệt là nông sản. Tôi đã kết nối với một số doanh nghiệp Lâm Đồng với kỳ vọng sẽ cùng nhau đưa các loại nông sản chất lượng sang Ấn Độ”, ông Amandip H Singh nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, diễn ra phiên chính thức của Hội nghị hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ. Tại đây, Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên sẽ giới thiệu tiềm năng và nhu cầu hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp 2 nước sẽ giới thiệu khả năng, nhu cầu hợp tác và ký kết hợp tác giữa các bên.
Viên Hữu