Đánh giá cao quyết tâm của Đà Lạt mong muốn trở thành Thành phố sáng tạo âm nhạc để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hoá, bên cạnh hiến kế, các doanh nghiệp còn cam kết đồng hành cùng thành phố trong quá trình đăng ký và triển khai các cam kết với UNESCO sau khi gia nhập.
- Cần làm gì để Đà Lạt trở thành Thành phố sáng tạo âm nhạc?
- TS Phạm S: Đà Lạt là “kho báu” khơi nguồn cảm xúc sáng tạo
- Đà Lạt tham vấn xây dựng hồ sơ gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo
- Simexco Daklak ghi dấu cột mốc 30 năm phát triển bằng chuỗi hoạt động vì cộng đồng
Là doanh nghiệp đồng hành, tài trợ tổ chức hội thảo quốc tế “Tham vấn xây dựng hồ sơ Đà Lạt gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN)” vừa diễn ra tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), bà Lê Hoàng Diệu Tâm – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn nghệ thuật và Hòa nhạc quốc tế Hoa Sen (Hoa Sen Concert), đánh giá cao sự chủ động và quyết tâm của Đà Lạt mong muốn trở thành thành phố tiên phong của Việt Nam gia nhập UCCN trong lĩnh vực âm nhạc, để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hoá.
Bà Diệu Tâm cho biết, với tình yêu đặc biệt dành cho “thành phố ngàn hoa”, thời gian qua, Tập đoàn Hoa Sen nói chung và Hoa Sen Concert nói riêng, đã đồng hành cùng chính quyền địa phương tổ chức nhiều dự án phục vụ cộng đồng mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc.
Đặc biệt là tổ chức thành công 2 mùa Dalat Best Dance Crew – Hoa Sen Home International Cup (2022 – 2023) và lễ hội âm nhạc quốc tế Hoa Sen SoundFest 2023… Với mong muốn nâng cao giá trị thụ hưởng tinh thần cho nhân dân và du khách. Thông qua đó cổ vũ hoạt động biểu diễn, sáng tạo nghệ thuật, tạo cơ hội để các bạn trẻ của địa phương được giao lưu, kết nối, cọ xát với bạn bè quốc tế.
“Với tiềm năng, thế mạnh và các điều kiện thuận lợi để sáng tạo âm nhạc, nghệ thuật, cùng với công tác chuẩn bị hồ sơ chu đáo, Đà Lạt sẽ sớm ghi tên mình trong mạng lưới UCCN. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong các chương trình phục vụ cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo âm nhạc mà thành phố đã lựa chọn”, Tổng Giám đốc Hoa Sen Concert khẳng định.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Hiền – Giám đốc Công ty TNHH Nghệ thuật số Bảy, nhà sáng lập không gian văn hoá sáng tạo Phố Bên Đồi, với mục tiêu định vị Đà Lạt trở thành điểm đến văn hoá sáng tạo của Đông Nam Á, từ khi thành lập đến nay, Phố Bên Đồi đã triển khai nhiều dự án âm nhạc, nghệ thuật để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, nhằm kết nối, xây dựng cộng đồng sáng tạo cho thành phố.
Phố Bên Đồi cũng đã tổ chức các show nghệ thuật mang tính biểu diễn – lưu trú, quy tụ các nghệ sỹ nổi tiếng trong nước và quốc tế lưu lại Đà Lạt hàng tuần để biểu diễn nghệ thuật; chia sẻ tại các lớp Master class với cộng đồng sáng tạo nghệ thuật và các bạn trẻ yêu nghệ thuật của địa phương…
Hiện đang triển khai dự án Bản đồ nghệ thuật Đà Lạt (Dalat Art Map), đây là một ấn phẩm nghệ thuật độc đáo mang đến những trải nghiệm thú vị cho mọi người khi khám phá Đà Lạt, đồng thời hướng tới mục đích bảo tồn và phát triển các giá trị bền vững của thành phố. Với nội dung được tuyển chọn kỹ lưỡng và đầu tư về mặt thiết kế, bản đồ thể hiện một cách sinh động và mới lạ các điểm đến mang tính lịch sử, văn hoá và nghệ thuật đặc trưng.
“Phát triển ngành công nghiệp văn hoá, kinh tế âm nhạc là định hướng phù hợp với Đà Lạt và rất cần sự chung tay, góp sức của các chủ thể sáng tạo nghệ thuật. Rất mong chính quyền địa phương có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để quy tụ được sức mạnh cộng đồng đóng góp tâm huyết cùng Đà Lạt phát triển bền vững, hài hoà giữa lợi ích tự nhiên, nghệ thuật và sáng tạo”, nhà sáng lập Phố Bên Đồi chia sẻ.
Theo bà Trần Thị Vũ Loan – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, việc tham gia UCCN được kỳ vọng sẽ có những đóng góp lớn cho việc quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Đà Lạt, đưa thương hiệu thành phố đến với toàn cầu, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong đó đẩy mạnh công nghiệp văn hoá về âm nhạc của địa phương.
Đồng thời, bảo vệ, duy trì và phát huy sự đa dạng và độc đáo về văn hoá, tạo dựng các không gian sáng tạo mới, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Qua đó tăng cường khả năng tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hoá; tăng cường kết nối xã hội thông qua sáng tạo; tạo dựng niềm tự hào, khơi gợi sự sáng tạo, cống hiến của cộng đồng địa phương.
“Trong quá trình chuẩn bị và xây dựng hồ sơ, Đà Lạt nhận được sự quan tâm sâu sắc của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, các tổ chức chuyên môn cấp quốc gia, các tổ chức quốc tế và đông đảo chuyên gia trong lĩnh vực liên quan. Đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực và sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các hoạt động văn hóa, sáng tạo. Chúng tôi xin được ghi nhận và tri ân những đóng góp thiết thực này”, Phó Chủ tịch TP Đà Lạt chia sẻ.
UCCN được khởi xướng vào năm 2004, với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Tập trung vào nhiều lĩnh vực sáng tạo đa dạng, các thành phố thuộc UCCN cùng cam kết đóng góp vào tầm nhìn chung của mạng lưới thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, phát triển quan hệ đối tác, tôn trọng sự đa dạng và bảo đảm sự tích hợp của văn hóa, sáng tạo vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Với tôn chỉ và tầm nhìn này, UCCN đã đón nhận sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng quốc tế. Tính đến năm 2023, 301 thành phố đã gia nhập mạng lưới này, trong đó có 61 thành phố đăng ký với lĩnh vực âm nhạc.
Tiếp sau sự kiện Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập UCCN vào năm 2019, Đà Lạt và 8 thành phố khác đã tham gia đề án “Phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong năm 2021-2022.
Viên Hữu