“Tôi cảm thấy rất ấn tượng với con người, văn hóa và đặc biệt là ẩm thực của Tây Nguyên. Khi được giới thiệu và thưởng thức món lẩu hoa cà phê, tôi đã say mê hương vị này. Món lẩu có hương vị rất độc đáo, thanh mát và thơm nồng. Nó khiến tôi có cảm giác như đang hòa mình giữa một nông trại cà phê vào mùa hoa nở rộ”. Đó chính là cảm nhận của Nigel Grant Meaby, một du khách đến từ Vương quốc Anh.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng là ai?
- Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2024 có nhiều đổi mới
- Từ thiên đường nghỉ dưỡng đến thánh đường nghệ thuật
- Tầm quan trọng của việc đặt LOGO quảng bá Doanh nghiệp trên Website
Vào những tháng đầu năm, nhất là tháng 3, Đắk Lắk ngập tràn trong hương hoa cà phê ngào ngạt, say đắm lòng người. Ấn tượng với mùi hương ấy, chị Nguyễn Thị Kim Thanh (28 tuổi, Phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột) đã sáng tạo ra món lẩu hoa cà phê – món ăn mang trọn hương vị của tinh hoa đại ngàn.
Trở về Việt Nam sau gần mười năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, cuối năm 2022, trong một lần đến với Đắk Lắk, chị Kim Thanh đã bị cuốn hút bởi con người, văn hóa nơi đây nên quyết định ở lại vùng đất đỏ bazan để lập nghiệp. Sau hơn một tháng mở nhà hàng chay (Nhà hàng Đàn Hương chay, số 385 đường Hoàng Diệu, TP Buôn Ma Thuột), chị đã nghiên cứu và cho ra mắt một món ăn đặc biệt thấm đượm hương vị của vùng đất “thủ phủ” cà phê.
“Đây là một món ăn hoàn toàn mới, chưa hề có công thức nền nên để làm ra món lẩu giữ trọn được mùi thơm hoa cà phê rất khó. Hoa cà phê rất dễ bay mùi, vì vậy không thể dùng hoa khô mà phải dùng hoa tươi hái trong ngày. Chính vì vậy, món ăn này chỉ có thể phục vụ thực khách trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm”, chị Kim Thanh chia sẻ.
Vì là một món thuần chay nên nước dùng cho món lẩu hoa cà phê có sự kết hợp của nhiều rau củ như bắp Mỹ, cà rốt, cải thảo… được hầm trong nhiều giờ để lấy được vị ngọt thanh. Đặc biệt hơn, nhằm tôn lên mùi hương thơm nồng đặc trưng của hoa cà phê, chị Thanh còn thêm vào món lẩu các loại trái cây như cam, táo… Những bông hoa mới hái vẫn còn đọng lại vị mật ngọt được ăn kèm với các loại rau như nấm, rau nhíp, rau xà lách đã mang đến cho thực khách những trải nghiệm vô cùng độc đáo.
Chị Lê Kiều Trinh (Phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột) cho hay: “Khi đến thưởng thức ẩm thực chay tại nhà hàng, tôi rất tò mò khi thấy món lẩu hoa cà phê trong thực đơn. Đây là lần đầu tiên tôi ăn hoa cà phê. Trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ ban đầu, hoa có vị ngọt dịu và thơm nồng khiến tôi cảm thấy vô cùng thú vị”.
Nguyên liệu chính được sử dụng trong món lẩu là hoa cà phê đã nở rộ và được thụ phấn, vì vậy sẽ không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của cây cà phê. Hiện nay, chị Thanh đang trồng một vườn cà phê rộng khoảng 1 sào để cung cấp nguồn hoa sạch cho nhà hàng. Đồng thời, kết hợp với nhiều nông trại trồng cà phê hữu cơ trên địa bàn tỉnh để kịp thời bổ sung nguyên liệu khi nhu cầu của thực khách gia tăng trong dịp lễ, tết.
Ra mắt món ăn vào thời điểm diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, chị Thanh đã tận dụng cơ hội Đắk Lắk đón một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước để quảng bá món lẩu hoa cà phê.
Anh Nigel Grant Meaby, du khách đến từ nước Anh, tỏ ra thích thú: “Tôi cảm thấy rất ấn tượng với con người, văn hóa và đặc biệt là ẩm thực của Tây Nguyên. Khi được giới thiệu và thưởng thức món lẩu hoa cà phê, tôi đã say mê hương vị này. Món lẩu có hương vị rất độc đáo, thanh mát và thơm nồng. Nó khiến tôi có cảm giác như đang hòa mình giữa một nông trại cà phê vào mùa hoa nở rộ”.
Thu Thảo