Xác định rõ “dòng chảy” chính trong Kết nối hội nhập quốc tế

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hoá, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo (Ban Chỉ đạo), sáng 14/7.

Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, từ thực tiễn hội nhập quốc tế ở từng ngành, lĩnh vực, từ đó xác định hướng đi, cách làm hiệu quả, thiết thực nhất, nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại; đề xuất kiện toàn, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu kiện toàn về bộ máy, tổ chức, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hoá, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo – Ảnh: VGP/Minh Khôi.

“Bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế hiện nay, Ban Chỉ đạo cần tham mưu với Đảng, Nhà nước những quan điểm mới về hội nhập, thực hiện các cam kết, thoả thuận quốc tế, cũng như gìn giữ các giá trị, bản sắc, phát huy nội lực”, Phó Thủ tướng nói.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, thời gian qua, các bộ, ngành tiếp tục chủ động tích cực triển khai các chiến lược chương trình, kế hoạch hội nhập quốc tế đã ban hành; tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia; nghiên cứu, xem xét việc gia nhập các công ước quốc tế phù hợp và thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế chuyên ngành.

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, tích cực xây dựng và triển khai các hoạt động của Cộng đồng văn hóa ASEAN với các sáng kiến do Việt Nam đề xuất và chủ trì thực hiện, đẩy mạnh ưu tiên của Việt Nam trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động chung của Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN. Các bộ, ngành tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại cuộc họp – Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành

Lãnh đạo các bộ, ngành đã phân tích, làm rõ những tồn tại chế trong hội nhập quốc tế về văn hoá, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo. Cụ thể, một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa xác định và tham mưu được các vấn đề cần giải quyết trong quá trình hội nhập quốc tế do còn chưa phân biệt rõ về nội hàm của hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại.

Mức độ hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực chưa được xác định rõ do thiếu các chỉ tiêu đo lường bằng các thông số cụ thể. Các báo cáo chủ yếu mang tính hành chính, thiếu số liệu để có thể đánh giá kết quả, trình độ hội nhập quốc tế.

Một số lĩnh vực hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ví dụ, trong lĩnh vực lao động, chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và thu hội nhập. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thần thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới. Các vấn đề xã hội, như giảm nghèo, an sinh xã hội, tệ nạn xã hội, bạo lực, xâm hại trẻ em, chăm sóc trẻ em… mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn đang gặp phải nhiều thách thức.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị Ban Chỉ đạo kết nối, chia sẻ những vấn đề cốt lõi, trọng tâm mang tính liên ngành… – Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Bên cạnh đó, pháp luật trong nước và việc thực thi còn một số điểm khác biệt so với các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia, như một số quy định của pháp luật về lao động để thực hiện cam kết lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, giới hạn tuổi của trẻ em…

Việc cử nhân sự tham gia vào các cơ chế quản trị đa phương (như ILO, Ban Thư ký ASEAN…) còn hạn chế.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế thông qua việc chủ động tham gia vào quá trình đàm phán các quy tắc, pháp luật quốc tế, đặc biệt các quy tắc khu vực để bảo vệ lợi ích quốc gia và thúc đẩy ưu tiên, thế mạnh của Việt Nam.

Đẩy mạnh nghiên cứu các xu thế, thông lệ quốc tế trong quá trình hoàn thiện thể chế để phù hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo các vấn đề phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế và kịp thời đề xuất phương án giải quyết, đặc biệt là liên quan đến việc xây dựng và thực thi thể chế, chính sách.

Nâng cao năng lực về hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ từ Trung ương tới địa phương; chú trọng công tác thông tin đối ngoại, nhất là thông tin đầy đủ, kịp thời về các điều ước, thỏa thuận quốc tế, các vấn đề được dư luận, xã hội quan tâm.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị, thời gian tới, cần kiện toàn bộ máy tổ chức của Ban Chỉ đạo, bổ sung thêm thành viên là Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban Dân tộc; cơ chế phối hợp hoạt động; thống nhất những vấn đề cốt lõi, trọng tâm mang tính liên ngành…

Đề xuất quan điểm, chủ trương mới, đột phá

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng cho rằng, “bức tranh” hội nhập quốc tế về văn hoá, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua việc tham gia các cam kết, điều ước quốc tế. Các bộ, ngành đã chủ động xuất nhiều sáng kiến, hoạt động trong không gian hợp tác song phương, khu vực, toàn cầu; được triển khai qua cả 3 kênh Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới Ban Chỉ đạo cần phải được kiện toàn về bộ máy, tổ chức, bổ sung thành viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh tình hình mới, nhất là những lĩnh vực có sự hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng như y tế, môi trường, biến đổi khí hậu, công tác dân tộc…; đồng thời, rà soát, hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo theo hướng đơn giản, hiệu quả, tập trung đúng chức năng, nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành đề xuất kế hoạch tham gia chủ động, hiệu quả vào những sáng kiến, cam kết mới mang tính liên ngành, đa phương – Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tích cực đóng góp ý kiến, tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn liên quan đến quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, các sáng kiến, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; định hướng trọng tâm hoạt động trên cơ sở thường xuyên cập nhật tình hình trong nước, quốc tế, làm cơ sở lựa chọn những nội dung ưu tiên trong hợp tác đa phương, mang tính liên ngành.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo phải tham gia sâu vào hoạt động tổng kết Nghị quyết số 22/-NQ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, trong đó có đánh giá tồn tại, đặc biệt là tình hình thế giới hiện tại và sắp tới. Đồng thời thấy được “dòng chảy” chính trong kết nối hội nhập quốc tế của các nước, như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giáo dục, văn hoá, dịch bệnh, các vấn đề an ninh phi truyền thống…; chủ động tham gia vào những thoả thuận, sáng kiến mới; đưa ra chiến lược, quan điểm, tư tưởng, chủ trương mới và lớn, đột phá trong hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành phải nghiên cứu kỹ, nắm chắc những lĩnh vực cần ưu tiên, tập trung hội nhập sâu rộng để đề xuất kế hoạch tham gia chủ động, hiệu quả vào những sáng kiến, cam kết mới mang tính liên ngành, đa phương; rà soát những điều ước đã ký kết để thể chế hoá, nội luật hoá.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là Bộ GD&ĐT, chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực để tăng cường nhân sự Việt Nam tham gia vào các cơ chế quản trị đa phương.

Minh Khôi

Báo Chính phủ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *