Ngoại tôi là người theo đạo Phật, ăn chay trường, nên từ nhỏ, tôi đã may mắn được bà dạy điều hay lẽ phải ở đời, về luật nhân quả và lòng yêu thương với chúng sinh, kể cả loài vật đến cỏ cây, hoa lá…
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Tháng Ba về phố núi Buôn Ma Thuột say hội Cà phê
- Xây dựng nhà nhân ái hỗ trợ gia đình đồng bào khó khăn
- “Chàng trai Sáo trúc” Nguyễn Lê Hoàng Nhân và khát vọng nâng tầm tre Việt
Đã mấy chục năm trôi qua nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của chú chim non bị dính trong bẫy lưới. Đó là chú chim chào mào với chiếc mũ mới nhú, bộ lông mượt mà, giọng hót líu lo, đôi chân thoăn thoắt, cái mỏ xinh xinh… khiến bọn trẻ chúng tôi vô cùng thích thú.
Hôm ấy là một buổi trưa mùa hè, miền Trung quê tôi nắng cháy, thỉnh thoảng có những đợt gió nồm làm dịu mát tâm hồn trẻ thơ. Mặc dù tôi là con gái nhưng khá tinh nghịch, lém lỉnh, đợi ba mẹ ngủ say, lén theo lũ bạn trong xóm lên núi sau nhà nhặt củi, lượm thị, hái sim…
Hôm ấy, bất ngờ tôi phát hiện một chú chim chào mào đang giãy giụa, vùng vẫy, kêu vang thảm thiết trong bẫy lưới. Tôi đưa tay bắt chú, nhẹ nhàng vuốt ve, mải mê ngắm nhìn. Chú chào mào nằm gọn trong tay, co ro đôi cánh, run run sợ sệt, ánh mắt hiền lành nhìn tôi như vang xin, cầu khẩn.
Trong ý nghĩ non nớt của một đứa trẻ lúc bấy giờ, tôi chỉ cảm thấy vui sướng, hạnh phúc vì mình vừa bắt được một chú chim để về khoe với mẹ. Và thật hãnh diện với bạn bè vì mình may mắn sở hữu được chú chim xinh xắn.
Vừa về tới nhà, tôi đã reo lên: “Mẹ ơi! Con vừa bắt được một con chim chào mào nè mẹ! Mẹ mua lồng về cho con nuôi nha!”.
Vì thương con nên mẹ tôi gật đầu đồng ý.
Thế là tôi lấy chiếc rổ thưa đậy tạm, không quên cho chú uống nước và nhai tấm thật nhỏ mớm cho chú ăn. Trong lòng chắc mẩm rằng mẹ sẽ mua cho mình một cái lồng chim thật đẹp để nhốt chú vào trong đó, treo ở trước cửa nhà, ngày ngày nhìn ngắm, nghe chú hót…
Chiều tối, ngoại tôi mang bánh sang cho, thấy chú chim đang bị nhốt trong chiếc rổ thưa, bèn nhẹ nhàng nói: “Cháu biết không! Chú chim non này cũng giống như cháu vậy đó. Đều thích tự do tung tăng bay nhảy, vui đùa cùng bạn bè, đều mong được mẹ ấp iu, che chở… Nếu xa mẹ, cháu sẽ như thế nào?”.
“Dạ, thưa bà, chắc là cháu sẽ buồn và nhớ mẹ lắm”, tôi lí nhí trả lời.
Ngoại tôi xoa đầu đứa cháu nhỏ: “Ừ, đúng rồi. Vậy thì tại sao cháu lại nỡ để mẹ con chúng xa lìa, phải không nào? Ngoại hy vọng con sẽ thả bạn ấy bay đi tìm mẹ. Cháu có biết rằng đó cũng là cách để phóng sinh, tạo duyên lành cho sau này không?”
Lúc ấy, tôi còn quá nhỏ để hiểu thế nào là “phóng sinh”, “duyên lành”? Nhưng không muốn làm ngoại buồn nên tôi lặng lẽ ngoan ngoãn thả chú ra, cả nhà nhìn tôi mỉm cười mãn nguyện.
Kể từ đó, tôi không bao giờ đi bẫy chim cùng bè bạn nữa…
Mãi đến sau này, tôi mới biết, thì ra vạn vật trên đời đều có sinh linh, có quyền khao khát sống và được sống chan hoà, hạnh phúc trong tình yêu thương. Và phóng sinh là một nét đẹp trong các lễ hội của người Việt, nó có ý nghĩa mang lại phước báu to lớn cho con người.
Vào những dịp Tết, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Tư, Rằm tháng Bảy, Rằm tháng Mười hay những dịp cầu nguyện cho bản thân hay gia quyến, người ta hay tổ chức phóng sinh chim, cá. Phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng Từ bi bình đẳng, mục đích phóng sinh là để đánh thức tâm Bồ đề của chúng sinh (con vật) trước khi phóng sinh. Phóng sinh là thể hiện lòng từ bi của người con Phật, tâm không mong cầu lợi ích cho riêng bản thân mình nhưng phước báu lại to lớn vô cùng.
Ai trong chúng ta cũng từng trải qua 6 cõi ta bà. Nếu chuyên tâm tu tập, ăn chay niệm Phật, làm lành tránh dữ, tạo nhiều phước đức, phóng sanh, giúp người giúp đời… thì rất có thể tội nghiệp, đau khổ sẽ được hoá giải. Thay vào đó, thanh tâm ta trong sạch, tâm hồn ta thánh thiện và lòng ta bình yên.
Bởi “nhân chi sơ vốn bản thiện”, ai trong chúng ta cũng có tâm Phật, tánh thiện và đức tin làm kim chỉ nam, điểm tựa vững chắc để sống tốt đời đẹp đạo, vươn đến tình yêu thương bao la dịu vợi, lòng bác ái vị tha mênh mông như trời bể…
Hoàng Hạc