Chưa nở rộ muôn màu ngàn sắc như “thủ phủ” du lịch canh nông Đà Lạt, nhưng với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cộng với sự năng động, sáng tạo của những doanh nghiệp đầy tâm huyết ở vùng đất được mệnh danh là Hà Nội trên Cao nguyên – huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng – loại hình du lịch canh nông, khám phá hứa hẹn sẽ “nở hoa”.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Đong đầy cảm xúc lần đầu nhận Giải thưởng Báo chí
- Lâm Đồng: Miễn phí đăng ký doanh nghiệp qua mạng
- Đà Lạt chính thức nộp hồ sơ gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO
Vùng đất nhiều tiềm năng
Nằm sát TP. Đà Lạt, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) có địa hình đồi núi, sông suối, thác, hồ đập nhiều, được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hoà mát mẻ quanh năm, thuận lợi cho du lịch sinh thái, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao mạo hiểm và kết hợp với các loại hình du lịch khác.
Vùng đất được mệnh danh là Hà Nội trên Cao nguyên này còn quy tụ nhiều dân tộc anh em, đặc biệt là những người con đất Thủ đô về đây sinh sống, lập nghiệp, đã tạo nên sự đa dạng, phong phú bản sắc văn hoá. Là những ché rượu cần bên mái nhà sàn, điệu múa cồng chiêng, làng nghề thổ cẩm của đồng bào dân tộc bản địa. Là những đồi núi trập trùng, bạt ngàn màu xanh của những rặng thông rì rào, sông suối uốn lượn quanh co, của những thác, những ghềnh ngày đêm tung bọt trắng xoá… hoà thành bản tình ca hùng vĩ, nên thơ quyến rũ trái tim bao người.
Đồng thời, với điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là đất Bazan màu mỡ, Lâm Hà có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn trái, gia trại, sản xuất hoa công nghệ cao, là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch canh nông.
Với những thế mạnh đó, Lâm Hà hội đủ “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hoà” để phát triển ngành “công nghiệp không khói” nói chung và du lịch canh nông nói riêng. Đây được xem là hướng đi mới, kết hợp phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, tạo điểm đến hấp dẫn, có sức cuốn hút lạ kỳ, “níu chân” du khách gần xa.
Theo thống kê, huyện Lâm Hà hiện có 33 cơ sở lưu trú du lịch, với 376 phòng. Trong đó, có 14 nhà nghỉ và 19 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; có 1 Khu du lịch Thác Voi và 2 điểm Du lịch canh nông đã được tỉnh Lâm Đồng công nhận, của Công ty cổ phần Long Đỉnh (Công ty Long Đỉnh) và DNTN Sản xuất Tơ lụa và Dịch vụ du lịch Cường Hoàn (DNTN Cường Hoàn), đang phát triển mạnh tại địa phương.
Công ty Long Đỉnh được thành lập từ năm 2009, là một trong những doanh nghiệp lớn nhất của huyện Lâm Hà, nổi tiếng về trồng và chế biến, xuất khẩu trà (chè). Tuy nhiên, đến tháng 2/2018, điểm du lịch của Long Đỉnh, tại xã Phúc Thọ, mới được Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Lâm Đồng công nhận là mô hình du lịch canh nông. Thế nhưng, chỉ qua hơn 2 năm hoạt động, đã thu hút trên 10.000 lượt khách tham quan và nghỉ dưỡng…
Cũng trong năm 2018, điểm du lịch của DNTN Cường Hoàn, ở thị trấn Nam Ban, cũng được Sở VH-TT&DL Lâm Đồng công nhận là mô hình du lịch canh nông. Cường Hoàn chuyên sản xuất tơ lụa, kết hợp với mô hình tham quan nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Hàng năm, điểm du lịch này đón khoảng 10.000-12.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Ấp ủ nhiều mô hình, dự án
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài 2 mô hình du lịch canh nông đã được công nhận, hiện trên địa bàn huyện Lâm Hà còn có 4 mô hình du lịch canh nông đang hoàn thiện và có tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Đó là mô hình của Cơ sở ươm tơ Huy Liên (thị trấn Nam Ban), với sản phẩm du lịch tham quan tìm hiểu trải nghiệm quy trình hái dâu, cho tằm ăn và ươm tơ. Mô hình của Hợp tác xã (HTX) Su su Công Thành (thị trấn Nam Ban), tham quan tìm hiểu quy trình trồng trọt, canh tác các loại rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP và quy trình sơ chế các loại nông sản.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Tám Trình và Công ty TNHH Kinh doanh nông sản Phước Sơn (cùng ở xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà), cũng đang hoàn thiện mô hình du lịch canh nông, tham quan trải nghiệm quy trình chăm sóc, chế biến cà phê của mình.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện Lâm Hà, cũng đang “ủ mưu” với các dự án du lịch canh nông dựa trên thế mạnh của các Farm sản xuất, vùng nguyên liệu sẵn có của mình, với hy vọng làm đẹp cho quê hương, tạo nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Điển hình như HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Nam Hà (HTX Nam Hà), một đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh các loại nông đặc sản địa phương. Thời gian gần đây, nhận thấy xu hướng nhiều bạn trẻ thích trải nghiệm, tìm hiểu văn hoá, quy trình sản xuất, thích được hoà mình cùng thiên nhiên, kết hợp thưởng thức, mua sắm đặc sản vùng miền, HTX đã bắt tay triển khai dự án phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch canh nông, trải nghiệm.
Anh Nguyễn Đăng Bằng, Giám đốc HTX Nam Hà “bật mí”, dự án đang trong quá trình “hiện thực hoá” tại vùng nguyên liệu sản xuất khoảng 30ha, tại xã Mê Linh (huyện Lâm Hà). Nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, quy tụ nhiều dân tộc anh em, trong đó có đồng bào K’ho, tạo nên bản sắc độc đáo của vùng đất Cao nguyên.
Giám đốc 8x cho biết thêm, vùng đất này tiếp giáp với TP. Đà Lạt, đường đi uốn lượn, quanh co, nhiều khu vực có cảnh quan đẹp, trải dài từ Vạn Thành xuống Tà Nung đến Mê Linh có rừng thông đặc chủng, nhiều thác, suối lớn nhỏ, hiện đã hình thành một số khu du lịch nổi tiếng, như: Hoa sơn Điền trang, Hồ trên mây, Cà phê Mê Linh… có thể khai thác để phát triển thành tuyến du lịch canh nông.
“Chúng tôi sẽ hình thành vườn cây ăn trái với sản phẩm nông sản đa dạng phục vụ tham quan, thưởng thức trái cây cho du khách. Đồng thời, hình thành một Làng văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống của người đồng bào, nhằm phục vụ nhu cầu khách du lịch tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất của người dân nơi đây”, chàng kỹ sư nông nghiệp thủ lĩnh của HTX Nam Hà, chia sẻ.
Để du lịch canh nông Lâm Hà “nở hoa”…
Theo ông Đinh Đức Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch tại địa phương nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, gia đình quan tâm đầu tư, kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, du lịch… tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình du lịch canh nông phát triển.
“Nhận thức rõ du lịch là một trong những ngành kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam nói chung, huyện Lâm Hà nói riêng, nên thời gian qua, địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến phát triển du lịch, đặc biệt là mô hình du lịch canh nông –thế mạnh của huyện”, ông Đinh Đức Chí cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Chí, việc phát triển du lịch canh nông trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Hệ thống giao thông liên huyện, liên xã kết nối các khu, điểm du lịch chưa đồng bộ; Một số tuyến đường còn khó đi, các khu, điểm còn thiếu hệ thống bảng chỉ dẫn; Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch chưa được đầu tư, nâng cấp, chưa có hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp…
“Cũng phải nhìn nhận rằng, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa thực sự hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, công tác đào tạo đội ngũ phục vụ du lịch chưa mạnh, chưa sâu, chưa theo kịp yêu cầu đa dạng, phong phú của phát triển du lịch”, Phó Chủ tịch huyện Lâm Hà, nhìn nhận.
Nhằm tạo “đòn bẩy” giúp các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực du lịch canh nông phát triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Đinh Đức Chí cho biết rằng, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Sở VH-TT&DL hướng dẫn, thẩm định, khảo sát, tư vấn nhằm hoàn thiện và nhân rộng thêm mô hình.
Bên cạnh việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư để phát triển du lịch đồng bộ; hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn; đẩy mạnh và đổi mới công tác quảng bá xúc tiến, để có thể kết nối tour, tuyến với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài địa phương, nhằm thu hút khách đến tham quan các mô hình du lịch canh nông, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề… của địa phương.
“Điều quan trọng nữa, đó là, nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng dịch vụ, tổ chức hoạt động du lịch theo hướng chuyên nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Với những giải pháp đồng bộ này, hy vọng du lịch canh nông sẽ “nở hoa” ở vùng đất Hà Nội trên Cao nguyên”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, chia sẻ.
Viên Hữu – Tâm An