Dưới góc nhìn của chuyên gia Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), tính chân thực của thông tin và chiều sâu phân tích là hai lợi thế của báo chí mà mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế được.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Về Đam Rông ăn dứa mật, uống trà trầm
- Những câu nói hay tôn vinh Nghề viết lách
- TS Phạm S: Đà Lạt là “kho báu” khơi nguồn cảm xúc sáng tạo
Hai lợi thế của báo chí
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, TS Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho biết, là ngành khoa học máy tính, tái tạo trí thông minh của con người trong máy móc, AI làm được nhiều thứ. Với báo chí, AI có 2 điểm mạnh cần quan tâm. Đó là tổng hợp thông tin, tạo nội dung rất tốt và rất nhanh. Để phục vụ độc giả bằng các sản phẩm chất lượng trung bình thì con người không thể theo kịp được máy móc.
Chỉ cần gõ bất kỳ cụm từ nào mà người dùng muốn tìm hiểu trong ChatGPT hay Google sẽ cho ra kết quả nhanh hơn với nội dung thậm chí hay hơn nhà báo viết, bởi vì các công cụ này cập nhật thông tin nhanh hơn.
“Điều này hàm ý rằng, khi so sánh báo chí với những thế hệ công nghệ mới, những chức năng thông thường của báo chí có thể bị “bỏ lại phía sau”. Tôi e rằng nếu phát triển theo mô hình như hiện tại thì báo chí không thể cạnh tranh được với những công cụ mới. Trong bối cảnh đó, cần hiểu khía cạnh công nghệ này dẫn đến điều gì và báo chí cần có chiến lược thích ứng như thế nào để đạt hiệu quả”, TS Nguyễn Quang Đồng chia sẻ.
Tuy vậy, Viện trưởng IPS nhấn mạnh, so với mạng xã hội và AI, báo chí có hai lợi thế không thể thay thế được. Thứ nhất là tính chân thực, xác thực của thông tin. Thứ hai là chiều sâu về mặt phân tích. Với hai đặc thù này, các tờ báo đều tồn tại, vượt qua được sự cạnh tranh của mạng xã hội và AI.
Hiện trên mạng xã hội tràn ngập thông tin giả, thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng. Việc yêu cầu AI một cách máy móc như viết lại thông tin nhưng lại dựa trên thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng thì tiếp tục tạo ra tin giả tiếp, từ đó gây nguy hiểm.
“Có thể nói AI chỉ là công cụ. Cần dùng công cụ đó như thế nào để có ích cho người dùng. Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều rủi ro do AI tạo ra như tin giả, tin không xác thực, thông tin lừa đảo. Do vậy, chức năng kiểm tra tính xác thực của thông tin càng ngày càng quan trọng. Không ai có thể thay thế báo chí kiểm tra thông tin trước khi xuất bản tin – bài. Đó là giá trị lâu dài trong tương lai mà báo chí vẫn theo đuổi được và nó trở thành lợi thế của báo chí trong bối cảnh thông tin ngày càng nhiễu loạn”, TS Đồng nêu.
Kết quả các khảo sát của Reuters về niềm tin của người dùng đối với báo chí cho thấy, trước khoảng năm 2015 trở về trước, niềm tin đi xuống bởi người dùng không tin nhiều vào báo chí. Sau giai đoạn này, niềm tin của người dùng với báo chí bắt đầu “đảo chiều” bởi mạng xã hội tràn ngập thông tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng… Người đọc ở các nước phát triển bắt đầu thấy rằng mạng xã hội không thể tin tưởng được và quay về với báo chí chính thống.
Báo chí cần chú trọng nội dung chuyên sâu để phát triển bền vững
Từ phân tích thế mạnh của AI và báo chí, liên quan đến chất lượng nội dung, Viện trưởng IPS khuyến nghị, các đơn vị báo chí cần quan tâm đến nội dung phân tích sâu. Economic Times, The New York Times… là những tờ mang tính chuyên sâu và “sống khỏe” được là do họ đầu tư vào nội dung mang tính chuyên sâu. Mạng xã hội chạy theo số lượng nên không thể có nội dung chuyên sâu. Do đó, phân tích chuyên sâu mới là lợi thế của báo chí và là điều phải được các tòa soạn chú trọng.
Theo đánh giá của ông Đồng, báo chí Việt Nam có xu hướng chạy đua với thông tin trên mạng xã hội, chạy đua số lượng tin – bài và view bài viết để đánh giá năng lực của phóng viên. Điều này đi ngược với xu thế phát triển hiện nay. Xu thế đúng đắn của các cơ quan báo chí để thích ứng được với thời đại mới là chạy theo chất lượng tin – bài thay vì số lượng. Trong khi đó, đa phần các tòa soạn ở Việt Nam, kể cả các báo lớn, hiện nay chưa “dứt” ra được điều này.
“Tóm lại, lợi thế của báo chí là sự thật, nếu không bảo đảm thông tin thực sự cho người đọc thì không cạnh tranh được mạng xã hội và AI. Thứ hai là nội dung chuyên sâu. Việc sử dụng công nghệ như thế nào để tạo ra lợi thế cho hoạt động của báo chí mới là quan trọng. Công nghệ có tác dụng lớn nhưng công nghệ không phải là “chìa khóa vạn năng”, chuyên gia Nguyễn Quang Đồng nhìn nhận.
Việc tận dụng lợi thế này tùy thuộc vào ứng xử của mỗi tòa soạn. Nếu đặt nặng vấn đề số lượng tin bài, chạy theo khối lượng thông tin thì tòa soạn đã sai về mặt chiến lược. Ngược lại, cần định hướng bằng việc cạnh tranh thông qua chất lượng. Các tòa soạn cần chú trọng đến các bài phân tích sâu cho từng vấn đề, lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Việc phát triển những nội dung chuyên sâu mang sắc thái riêng của mỗi tờ báo, tạp chí nói riêng và ngành báo chí nói chung sẽ giúp báo chí tồn tại và phát triển bền vững.
Nguyệt Minh