Truyền thông qua Cổng thông tin điện tử còn nhiều dư địa phát triển

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, trong các phương thức truyền thông hiện nay, Cổng thông tin điện tử (TTĐT) là một phương thức mới, còn nhiều dư địa phát triển, có tính chất riêng có, hấp dẫn thiết yếu và sát sườn với nhu cầu của người dân.

Cổng TTĐT của cơ quan Nhà nước là kênh cung cấp thông tin chính thống, tập trung của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, nơi điểm truy cập thông tin của người dân, doanh nghiệp; là địa chỉ cung cấp dịch vụ công trực tuyến hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Cổng TTĐT không những là tiếng nói, là cầu nối chính quyền với người dân và doanh nghiệp, mà còn là đơn vị chủ lực, trọng yếu trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hình ảnh của chính quyền trên không gian mạng.

Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác thông tin và truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách, công tác phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Hiện nay cùng với cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, Chính phủ rất quan tâm đến hoạt động của các cổng TTĐT. Đây là một nội dung quan trọng xây dựng và thực hiện truyền thông số, hướng đến thực hiện Chính phủ số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm (bên trái) cùng các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu tại “Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động cổng TTĐT các bộ, ngành năm 2023”, ngày 12/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, cổng TTĐT của các bộ, ngành có vai trò kết nối, hướng dẫn nghiệp vụ kết hợp thông tin đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ thông tin và truyền thông, truyền thông về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Trong một xã hội thông tin và mạng xã hội phát triển như hiện nay, với vai trò của cổng TTĐT Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương, vấn đề đặt ra cho chúng ta là bài toán làm sao để tiếp tục phục vụ người dân ngày càng hiệu quả hơn.

“Cổng TTĐT tiếp tục khẳng định vai trò là địa chỉ tin cậy cung cấp thông tin chính thức, chính thống, tập trung của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng. Thực hiện hiệu quả việc định hướng thông tin báo chí và dư luận xã hội, là cầu nối giao tiếp thông tin hai chiều giữa Chính phủ, giữa các bộ, ngành với người dân và doanh nghiệp, là diễn đàn của nhân dân”, ông Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, trong các phương thức truyền thông hiện nay, cổng TTĐT là một phương thức mới, còn nhiều dư địa phát triển, có tính chất riêng có, hấp dẫn thiết yếu và sát sườn với nhu cầu của người dân.

Cổng TTĐT các cấp đóng vai trò ngày càng quan trọng. Cổng TTĐT là phương thức duy nhất làm một lúc hai việc là vừa cung cấp thông tin vừa tương tác với người dân. Nhiều cổng TTĐT có lượng truy cập ngày càng tăng, có những mục, những chuyên trang vượt lên một số báo điện tử lớn.

“Chúng ta đang ở thời điểm có thể tạo được bước chuyển biến quan trọng. Cổng TTĐT của các cơ quan Nhà nước có thể giúp các phóng viên báo chí làm việc tốt hơn. Chúng ta đã đưa ra các thông tin nguồn, cách thức truyền tải thông tin vừa nhanh nhạy kịp thời, vừa chính thống. Từ đó, có thể biến các cổng TTĐT thành phương thức giao tiếp mà sau này người dân có thể tìm đến đầu tiên”, ông Lâm khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, phương thức truyền thông cổng TTĐT là một phương thức mới, còn nhiều dư địa phát triển.

Cũng theo ông Lâm, để tăng tương tác hơn, một số cổng TTĐT đã triển khai các hình thức tương tác mới, hướng tới khai thác dữ liệu. Điển hình như Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội thông qua dữ liệu. Đây là dữ liệu “sống”, cập nhật thường xuyên; là nét mới, tương đối đột phá trong cách thức cung cấp thông tin đến người dân.

Người dân có thể truy cập, tùy biến, sử dụng và đáp ứng nhu cầu của mình; tiếp cận thông tin mà mình muốn, thay vì tiếp cận dữ liệu thông qua hình ảnh, thông tin, dữ liệu một chiều, ở dạng tĩnh như trước đây.

“Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của các công nghệ mới, cho phép tới đây người dân có thể tương tác với cổng TTĐT của các cơ quan Nhà nước thông qua ngôn ngữ tự nhiên và nhận được câu trả lời dựa trên các dữ liệu từ trí tuệ nhân tạo.

Người dân trong tương lai gần có thể hỏi bằng giọng nói những vấn đề từ đơn giản đến phức tạp trên cổng TTĐT của các cơ quan Nhà nước”, ông Lâm cho biết.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cần tiếp tục giải quyết bài toán đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường năng lực nội tại của các cán bộ cổng TTĐT.

“Bộ Thông tin và Truyền thông nhận nhiệm vụ kết nối và tạo nên những mô hình đào tạo để trau dồi năng lực nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác thông tin của các bộ, ngành địa phương”, ông Lâm nói.

Hà Anh

Doanh nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *