Câu lạc bộ sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) được thành lập sẽ giúp các Hội viên liên kết, giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện.
- Ngắm Sen Hà thành nhung nhớ những mùa Sen quê
- Crystal Bay hồi sinh tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang – Đà Lạt
Ông Sử Thanh Hoài – Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) vừa ban hành Quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương, trụ sở đặt tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương.
Bước đầu, CLB có 16 Hội viên, do ông Trương Bình Nguyên (Công ty Cổ phần Nguyên Long) làm Chủ nhiệm; ông Tô Quang Dũng (Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc) làm Phó Chủ nhiệm; bà Liêng Jrang K’Chăm (Cơ sở Yŭ M’Nang) làm Thư ký.
Ban Chủ nhiệm CLB sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương chịu trách nhiệm trước Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Nông nghiệp và UBND huyện Lạc Dương về mọi hoạt động của CLB. Đồng thời tiếp tục vận động phát triển Hội viên, duy trì hoạt động của CLB theo quy ước.
CLB sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương là tổ chức do Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương thành lập, với mục đích tạo môi trường để các Hội viên giao lưu, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, cách làm hay trong sản xuất kinh doanh.
CLB cũng nhằm giúp các Hội viên liên kết, giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện.
CLB sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất; Tổ chức các buổi thông tin, giao lưu giữa các sản phẩm OCOP cho các Hội viên; Tổ chức các sự kiện, các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương; Cung cấp các dịch vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp…
Lạc Dương là một địa phương có thế mạnh về phát triển nông sản và các sản phẩm nông thôn có tính đặc hữu vùng miền. Để phát huy lợi thế đó, trong thời gian qua huyện đã quan tâm phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời hỗ trợ các sản phẩm này tiếp cận người tiêu dùng qua nhiều kênh khác nhau.
Mới đây, Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Lạc Dương đã tổ chức hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt I năm 2022. Có 11 sản phẩm của 4 công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện tham gia.
Trong đó có 1 sản phẩm rượu men rừng của Hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Thuận ở xã Lát xin xét cấp lại. 10 sản phẩm đề nghị đánh giá xếp hạng mới, gồm: 6 sản phẩm Cà phê phin giấy Chocolate, cà phê phin giấy Arabica, Cà phê phin giấy Đẳng Sâm, Cà phê phin giấy Linh Chi, Cà phê đặc sản Arabica Caturra, cà phê đặc sản Arabica Yellow Bourbon của Công ty TNHH Daisy International (xã Đạ Chais); 1 sản phẩm Rau xà lách thủy canh của Công ty TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc (xã Lát); 3 sản phẩm Cà rốt baby, Bông cải xanh Baby và Cà chua Cherry Cam Sữa của Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc (xã Đạ Sar) tham gia đánh giá, xếp hạng lần đầu.
Căn cứ báo cáo của các chủ thể sản phẩm, các thành viên Hội đồng đã thẩm định hồ sơ, thảo luận, đánh giá và chấm điểm từng sản phẩm theo các nội dung chấm điểm của Bộ tiêu chí quốc gia.
Kết quả đánh giá chấm điểm trong tổng số 11 sản phẩm tham gia xếp hạng lần này, sản phẩm rượu men rừng của Hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Thuận xã Lát được Hội đồng OCOP của huyện xét đạt tiêu chuẩn 3 sao, 10 sản phẩm còn lại xét đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Đây đều là những sản phẩm có uy tín, chất lượng và là cơ sở để giúp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Sau xếp hạng sản phẩm tại huyện, cả 11 sản phẩm của 4 công ty, cơ sở tham gia đánh giá đợt I sẽ tiếp tục bảo vệ sản phẩm và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại Hội đồng đánh giá của tỉnh để được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Đến nay, Lạc Dương đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận 19 sản phẩm OCOP, chủ yếu là các loại nông sản địa phương như cà phê, rau sạch, nấm và các sản phẩm chế biến từ Phúc bồn tử.