Chưa coi phát triển dược liệu là ngành kinh tế, thiếu chính sách vĩ mô cũng như hành động cụ thể, doanh nghiệp thiếu thông tin về thị trường… được coi là những rào cản lớn khiến “mỏ vàng” dược liệu Việt Nam chưa được khai phá và tận dụng hết tiềm năng.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Đại võ sư Việt mang “tuyệt kỹ” gặp hoàng thân quốc thích
- Hàng trăm đội dự Giải đua xe địa hình vượt đại ngàn Buôn Đôn
- Lâm Đồng: Miễn phí đăng ký Doanh nghiệp tại Trung tâm phục vụ hành chính công
Thiếu từ chính sách vĩ mô đến hành động cụ thể
Tại tọa đàm “Khai mở kho vàng dược liệu Việt Nam” ngày 27/7 tại Hà Nội, PGS,TS Trần Văn Ơn – Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng bộ môn Thực vật (Đại học Dược Hà Nội), Giám đốc khối Dự án DKPharma JSC, cho biết, Nhà nước đã có nhiều ưu đãi, định hướng phát triển ngành dược liệu. Rất nhiều văn bản, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã được ban hành và các bộ, ngành cũng đã vào cuộc. Do đó, đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định.
Việt Nam đã tạo được khá nhiều sản phẩm cho y học cổ truyền, trồng được khá nhiều cây, cũng có những sản phẩm danh tiếng và tạo ra giá trị nghìn tỷ. Chẳng hạn, những sản phẩm của Traphaco khá nổi tiếng với người tiêu dùng như hoạt huyết dưỡng lão từ cây đinh lăng, borganic từ cây artiso… Việt Nam cũng đã xuất khẩu được một số dược liệu.
“Làm thế nào để đánh thức tiềm năng thực sự của dược liệu để mọi người nhìn nhận đúng hơn về giá trị nó, qua đó góp phần chăm sóc sức khỏe người dân, chữa trị bệnh tật và đặc biệt góp phần vào phát triển kinh tế của doanh nghiệp và đất nước”, PGS,TS Trần Văn Ơn chia sẻ.
Theo PGS,TS Trần Văn Ơn, tài nguyên cây thuốc được cấu thành bởi 2 yếu tố: cây và tri thức. Trên thực tế, Việt Nam có tới 5.000 cây thuốc, đa dạng về chủng loại. Việt Nam có 54 dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc có cách sử dụng cây thuốc khác nhau. Đó là thế mạnh của Việt Nam, nếu khai thác đúng hướng sẽ tạo giá trị rất lớn.
Tuy nhiên, điểm yếu của phát triển dược liệu lại rất nhiều. Trong đó, điểm yếu lớn nhất là từ xưa đến nay Việt Nam chỉ trồng cây dược liệu, quan điểm phát triển dược liệu là chỉ trồng dược liệu, chưa coi nó là nền kinh tế. Nền kinh tế dược liệu cần 2 yếu tố cơ bản là định hướng thị trường và dựa trên lợi thế để khai thác.
Thứ 2, Việt Nam gặp khó khăn trên toàn chuỗi giá trị do chưa định hướng thị trường tốt và rõ ràng, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường. Chưa biết đối thủ của mình là ai…
Thứ 3, Việt Nam mới bắt đầu chú trọng vào sản xuất, nghiên cứu, phát triển, tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ từ dược liệu. Trong khi chưa chọn được giống nguyên thủy. Chi phí cho hoạt động trồng trọt lại quá cao dẫn đến việc đội giá thành lên, doanh nghiệp mất khả năng cạnh tranh.
Về chế biến, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc thiếu công nghệ lõi, tức là công nghệ chiết xuất và tinh chế dược liệu. Điều này rất đáng lưu tâm.
“Khi đã có sản phẩm rồi thì vấn đề phân phối sản phẩm, kênh bán hàng và tiếp thị cũng như chăm sóc khách hàng cũng còn yếu. Cần phải có chiến lược để phát huy sức mạnh thực sự của chuỗi”, ông Ơn đánh giá.
Nhấn mạnh đến khó khăn trong chính sách, TS Vũ Văn Thoại – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm cho biết, Việt Nam đang thiếu từ chính sách vĩ mô đến hành động cụ thể cho chương trình phát triển dược liệu và các cây trồng khác.
“Giờ không thể duy trì quan điểm trồng rừng mà phải là kinh tế rừng, không thể là quan điểm trồng dược liệu mà phải là kinh tế dược liệu. Trồng cây gì phải gắn với đầu ra của sản phẩm, chế biến sâu và trở thành hàng hóa thì mới thể tiêu thụ được. Phải thay đổi tư duy để tạo ra hàng hóa, giá trị gia tăng cũng như sinh kế bền vững cho người trồng”, ông Thoại nói.
Theo chia sẻ của ông Thoại, với 5 năm học tập, nghiên cứu ở Ấn Độ, ông nhận thấy họ đã quy hoạch các cây có tiềm năng, sau đó kết hợp với các nhà khoa học để lai tạo giống, bảo tồn nguồn gen và đưa vào chế biến sâu, đưa sản phẩm đến với toàn cầu. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người trồng và nhà khoa học.
“Ấn Độ không phải là nước giàu nhưng rất chú trọng hàm lượng khoa học, hàm lượng chất xám để biến các sản phẩm thành hàng hóa chế biến sâu. Lương của nhà khoa học khoảng hơn 2.000 USD/tháng, trong khi ở Việt Nam chỉ hơn 10 triệu đồng”, ông Thoại nói.
Doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Hiền Trung – Tổng Giám đốc Công ty Dược liệu TH (TH Herbals) chia sẻ, Việt Nam có số lượng cây thuốc rất lớn. Về cơ bản, cây thuốc nằm ở những vùng núi xa xôi. Để làm kinh tế dưới tán rừng, DN phải trực tiếp hướng dẫn người dân trồng trọt để cuối cùng đưa sản phẩm ra thị trường.
Thực tế, DN gặp vô vàn khó khăn khi tham gia phát triển kinh tế dưới tán rừng và cây dược liệu nói chung. Ngoại trừ các DN lớn, các DN vừa và nhỏ thiếu thông tin về việc Việt Nam nên làm cây dược liệu gì, trên thế giới có nhu cầu như thế nào với sản phẩm dược liệu cũng như giá cả.
Những ngành lớn của Việt Nam như quế, hồ tiêu… có chỉ số rất rõ nên người dân biết được các thông tin liên quan đến sản lượng của thế giới, nhu cầu của thị trường. Với thị trường dược liệu có giá trị 200 – 300 tỷ USD thì DN lại thiếu thông tin về cụ thể các sản phẩm thế giới cần, mức giá nào có thể chấp nhận được. Do đó, người dân và DN không có thông tin để đánh giá và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Trong khi đó, những thông tin này cơ quan quản lý Nhà nước hoàn toàn có thể cung cấp được thông qua việc mua dữ liệu từ các cơ quan nghiên cứu thị trường có uy tín trên thế giới, từ đó phân tích, sàng lọc và đưa ra chỉ số khuyến cáo cho người dân và DN.
Theo đuổi ngành dược liệu, DN phải đầu tư rất nhiều bởi đầu tư ở những vùng sâu xa tốn gấp nhiều lần so với các vùng thuận lợi. Rất nhiều khó khăn, rủi ro mà các DN ngành dược liệu gặp phải.
Trong khi đó, những ưu đãi của Nhà nước, các văn bản của cơ quan quản lý ban hành ra vẫn tương đối chung chung, chưa cụ thể. DN cũng gặp khó khăn về hạ tầng cần thiết như điện, nước để tiến hành chế biến sâu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Rất mong khi các bộ, ban, ngành đã chú trọng vào lĩnh vực này nên có những ưu đãi, quy định cụ thể để DN có thể áp dụng được hoặc khi làm việc với chính quyền địa phương có những quy định rành mạch, để tạo đà cho DN và người dân có thể phát triển cây dược liệu quý và phát triển kinh tế dưới tán rừng thành công trong thời gian tới”, ông Trung kiến nghị.
Nguyệt Minh