Ông Đặng Quý Nhân – Phó trưởng phòng Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, cần cơ chế riêng để sản phẩm OCOP tiếp cận sàn thương mại điện tử và các siêu thị lớn. Làm sao để cả người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đều được hưởng lợi.
- L’angfarm: Mỗi sản phẩm là một món quà
- Công ty Cổ phần Viên Sơn đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
- Có một thiên đường nghỉ dưỡng mang tên Thủy Hoàng Nguyên Đà Lạt
- Đà Lạt: Trao chứng nhận Nhãn hiệu xanh, Điểm mua sắm chất lượng cao
- Công ty TNHH Vĩnh Tiến phát triển Du lịch canh nông gắn với tiêu thụ đặc sản Đà Lạt
Theo ông Đặng Quý Nhân chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế, xã hội trọng điểm nhằm phát huy giá trị gia tăng của nông sản. Qua 5 năm triển khai, đến nay, cả nước đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 42 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận. Hiện có hơn 5.400 chủ thể tham gia vào chương trình trên phạm vi cả nước, chủ yếu là các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể.
Để đạt được thành công này, chương trình được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Nhất là từ Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/5/2018 với mục tiêu hình thành và cấp chứng nhận cho 12.000 sản phẩm từ 3 sao trở lên. Quyết định đặt ra yêu cầu các sản phẩm phải khẳng định về chất lượng, tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã bao bì; bảo đảm yêu cầu sử dụng trong dịp quà tặng lễ hội, đối ngoại.
Tuy nhiên, theo ông Nhân, Chương trình OCOP còn gặp không ít khó khăn. Đó là đối tượng làm ra sản phẩm chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, người nông dân làm ăn nhỏ lẻ nên về mặt công nghệ khó cạnh tranh với các thiết bị máy móc của các công ty lớn.
Sản phẩm OCOP thường là đặc sản quý hiếm ở vùng miền, địa phương, có tính lịch sử và câu chuyện văn hóa. Trong khi, các chủ thể này đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ cho quá trình sản xuất, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
“Sản phẩm OCOP được sản xuất ở vùng nông thôn, trong đó có miền núi, dân tộc nên người sản xuất còn khó tiếp cận được những chính sách của Nhà nước. Các chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân. Trình độ tiếp cận khoa học công nghệ của chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP còn yếu nên khả năng tiếp cận với các sàn thương mại điện tử, trung tâm thương mại, siêu thị lớn rất khó khăn”, ông Nhân cho biết.
Phó trưởng phòng OCOP cho rằng, muốn bán được sản phẩm OCOP tại đô thị lớn thì phải có kênh thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm. Bởi vậy, rất cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đào tạo, nâng cao năng lực của chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp họ đổi mới sáng tạo, đổi mới mẫu mã sản phẩm mang tính đặc sắc của cộng đồng bản địa, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.
Thậm chí, cần đào tạo, giúp chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP không chỉ đạt quy chuẩn mẫu mã bao bì mà còn có thể tạo ra kích thước, mẫu mã thuận lợi cho việc ship hàng của các hãng vận chuyển. Những mẫu mã bao bì phải đạt được sự bắt mắt, thân thiện với môi trường; thuận tiện cho việc làm quà biếu và trong vận chuyển, sử dụng.
Để người nông dân cập nhật được kiến thức này không phải đơn giản, đòi hỏi phải có thời gian cũng như cách đào tạo, hướng dẫn. Làm sao phải hướng dẫn họ từ cách chụp ảnh sản phẩm, mô tả sản phẩm, đặc tính chất lượng tính năng tác dụng. Có như vậy, sản phẩm OCOP mới thể hiện là đặc sản tiêu biểu mang bản sắc vùng miền, địa phương.
Thương mại điện tử đang bùng nổ, việc hỗ trợ cho chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tiếp cận sàn thương mại điện tử là rất cần thiết, điều này cần sự hỗ trợ của toàn hệ thống chính trị. Các sàn thương mại điện tử, đơn vị cung ứng cần đồng hành cùng với các cơ quan Nhà nước để hỗ trợ bà con nông dân thông qua khóa đào tạo, kênh tuyên truyền. Qua đó, giúp các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP sản xuất ra sản phẩm tốt hơn, người tiêu dùng cũng hiểu biết hơn về sản phẩm để lựa chọn vào giỏ hàng.
“Hy vọng các cơ quan chức năng, các ban ngành, doanh nghiệp cung ứng cùng hỗ trợ bà con, tạo ra cơ chế riêng, sân chơi riêng, khu vực riêng tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, sàn giao dịch điện tử để bà con có thể giới thiệu, bán được sản phẩm OCOP. Hướng tới việc tất cả đều được hưởng lợi, từ người sản xuất, kinh doanh tới người tiêu dùng và sản phẩm ngày càng có chất lượng cũng như giá cả tốt nhất”, ông Nhân nói.
Hà Anh