Việc huyện Đức Trọng đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh là tiền đề để thực hiện thành công chuyển đổi số trên địa bàn huyện cũng như tỉnh Lâm Đồng.
- Khoai lang Viên Sơn… “vươn xa”
- Đong đầy cảm xúc lần đầu nhận Giải thưởng Báo chí
- Lâm Đồng: Trải nghiệm phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Đức Trọng
- Đà Lạt chính thức nộp hồ sơ gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO
Ngày 30/6, UBND huyện Đức Trọng phối hợp với VNPT Lâm Đồng tổ chức khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Đây là địa phương thứ 7/12 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng đã đưa vào hoạt động Trung tâm IOC.
Trung tâm IOC Đức Trọng có 2 phân hệ chính, gồm phân tích và khai thác dữ liệu tập trung; theo dõi và giám sát các hoạt động của toàn huyện.
Dữ liệu trung tâm IOC đã tích hợp, kết nối được 9 hệ sinh thái, như kinh tế – xã hội, giám sát thủ tục hành chính công, phản ánh hiện trường; hệ thống quản lý tư pháp, hộ tịch; quản lý công chức viên chức, giáo dục, kết nối hệ thống quy hoạch, hệ thống quản lý thu ngân sách, quản lý hộ kinh doanh.
Dữ liệu của 9 lĩnh vực này được cập nhật liên tục về phòng điều hành trung tâm; đồng thời, thông qua công nghệ hiện đại, như phân tích dữ liệu thông minh, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu IOC được thể hiện thành các dạng biểu đồ, thống kê, báo cáo… giúp lãnh đạo và cán bộ phụ trách trung tâm IOC khai thác thông tin dễ dàng, nhanh chóng, độ tin cậy cao, hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều hành, xử lý công việc của địa phương.
Theo ông Lê Thanh Liêm – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Lâm Đồng, việc đưa Trung tâm IOC huyện Đức Trọng đi vào hoạt động đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh và thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Để khai thác và phát huy hiệu quả Trung tâm IOC, tiến tới xây dựng đô thị thông minh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đồng đề nghị huyện Đức Trọng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, tạo sự đồng thuận tích cực của người dân đối với chủ trương xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh, thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn.
Chủ động xác định bài toán cụ thể khi triển khai Trung tâm IOC để giải quyết các vấn đề mang tính đặc thù, đặc trưng của huyện, không phụ thuộc vào các sản phẩm, giải pháp sẵn có của doanh nghiệp, chủ động xác định bài toán để đặt hàng với doanh nghiệp công nghệ và tự làm chủ công nghệ, làm chủ các nguồn dữ liệu của Trung tâm IOC.
“Đồng thời, cần sớm xây dựng kho dữ liệu dùng chung, xác định chiến lược dữ liệu là yếu tố cốt lõi của Trung tâm IOC và xây dựng nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp huyện phục vụ cho cả chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh”, ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Thời gian qua, huyện Đức Trọng đã tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp; đầu tư đồng bộ hạ tầng, kỹ thuật; hệ thống truyền hình trực tuyến kết nối đến các xã; hệ thống Camera giám sát an ninh, Camera tầm cao; hệ thống Văn phòng điện tử iOffice, chữ ký số, email công vụ, ứng dụng Đức Trọng trực tuyến… trong xử lý công việc hằng ngày, qua đó từng bước xây dựng hệ thống chính quyền điện tử tại cơ quan nhà nước từ cấp huyện đến cấp xã.
Trung tâm IOC đi vào hoạt động sẽ giúp lãnh đạo huyện và các cơ quan chức năng thu thập, đánh giá và phân tích thông tin bằng công nghệ một cách chính xác, trực quan dựa trên dữ liệu số về các ngành, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; thiết lập cầu nối để người dân tiếp cận trực tiếp với chính quyền tạo nên một môi trường hành chính thân thiện, công khai, minh bạch, vì nhân dân phục vụ.
Viên Hữu