Với mục tiêu số hóa ngành điện, trong những năm qua, Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đổi mới, cải tiến quy trình quản lý, vận hành hệ thống điện và nâng cao chất lượng các dịch vụ điện.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Tuổi trẻ EVNCPC với Chương trình Tháng 7 tri ân
- Thực hành tiết kiệm điện tại Công ty Thủy điện Đồng Nai
- Nâng tầm Lễ hội Bunpimay Buôn Đôn thành sản phẩm du lịch mới của Đắk Lắk
Hiện nay, PC Đắk Lắk đang cung cấp điện cho gần 590.000 khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Trước đây, hợp đồng mua bán điện được thực hiện trên giấy nên việc tìm kiếm thông tin khách hàng mất nhiều thời gian và dễ gây nhầm lẫn.
Từ khi công ty thực hiện chuyển đổi hợp đồng mua bán điện từ bản giấy sang hợp đồng điện tử, khách hàng dễ dàng cập nhật, tra cứu thông tin về tiền điện, nợ tiền điện, lịch ghi chỉ số công tơ, lịch cắt điện, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm… chỉ bằng thao tác đơn giản do Zalo cung cấp hoặc thông qua ứng dụng EVNCPC.CSKH. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% hợp đồng mua bán điện với khách hàng đã được PC Đắk Lắk chuyển đổi sang hợp đồng điện tử.
Cùng với đó, công ty đã đưa toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, sổ sách kỹ thuật lên các chương trình, các dạng lưu trữ đám mây để từng bước nâng cao hiệu quả quản lý. Chẳng hạn, công ty đã cập nhật thông tin, hồ sơ kỹ thuật của các thiết bị chính như máy biến áp, trạm biến áp, máy cắt, dao cách ly, chống sét van, dây dẫn, cáp ngầm… lên Chương trình quản lý kỹ thuật PMIS để theo dõi, quản lý.
Các đợt kiểm tra lưới điện được thực hiện qua Chương trình kiểm tra hiện trường, có sự hỗ trợ của app trên điện thoại; các vị trí cột điện, tuyến đường dây được đưa lên web server và app giúp nhân viên phụ trách có thể thấy hình ảnh thực tế lưới điện và tìm kiếm đường đi ngắn nhất đến vị trí có xảy ra sự cố…
Nhằm hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng cũng như thể hiện sự minh bạch trong công tác mua bán điện với khách hàng, từ năm 2011, PC Đắk Lắk đã bắt đầu triển khai lắp đặt công tơ điện tử đo xa thay thế công tơ cơ khí. Sau khi được lắp đặt công tơ điện tử, khách hàng có thể truy cập vào website, ứng dụng chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Trung để tra cứu, kiểm tra sản lượng điện tiêu thụ hằng ngày và hóa đơn tiền điện hằng tháng của gia đình, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện phù hợp nhằm tiết kiệm điện.
Bà Lê Thị Bát, người dân ở phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Trước đây, khi nhân viên ngành điện đến để ghi chỉ số công tơ thì tôi mới biết mức điện tiêu thụ của gia đình và số tiền phải đóng trong tháng đó. Còn nay, số liệu đã được ngành điện cập nhật theo hình thức trực tuyến nên bất cứ thời gian, địa điểm nào tôi cũng có thể xem được mức độ tiêu thụ điện của gia đình để từ đó có hướng sử dụng điện phù hợp”.
Việc áp dụng công tơ điện tử đo xa cũng đã giúp ngành điện giảm nhân công ghi chỉ số điện, khai thác tốt dữ liệu phục vụ cho công tác kinh doanh, quản lý vận hành hệ thống điện và cung cấp số liệu cho việc phân tích, đánh giá việc cải tạo, đầu tư xây dựng lưới điện, dự báo nhu cầu phụ tải…
Đến hết năm 2022, công ty đã hoàn thành lắp đặt công tơ điện tử đo xa cho 100% khách hàng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công ty đã lắp đặt khoảng 5.600 điểm đo thu thập số liệu công tơ bằng giải pháp mạng LAN/WAN cho các điểm đo trạm biến áp (TBA) 110 kV và modem GSM cho các điểm ranh giới, công tơ tổng tại TBA phụ tải thông qua chương trình DSPM; tỷ lệ kết nối đo xa trung bình luôn duy trì trên 99%.
Để cải thiện và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện truyền tải, từ cuối năm 2016, công ty cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển hệ thống điện tỉnh Đắk Lắk và các TBA 110 kV không người trực. Hiện, công ty đang quản lý 14 TBA 110 kV, có tổng dung lượng 745 MVA.
Nếu như trước đây, với chế độ trực 3 ca 5 kíp thì mỗi TBA truyền thống đòi hỏi phải có ít nhất 10 nhân viên vận hành thay phiên nhau trực và họ phải trực tiếp thao tác, giám sát các thiết bị điện nên tiềm ẩn những tình huống mất an toàn, rủi ro. Từ khi chuyển các TBA sang mô hình vận hành không người trực thì các trạm không còn nhân viên vận hành trực tiếp; thay vào đó, các điều độ viên, nhân viên của Trung tâm điều khiển sẽ trực tiếp quản lý, giám sát và điều khiển thiết bị tại các TBA thông qua hệ thống thông tin SCADA và camera. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm điều khiển đã thực hiện thao tác xa 21.600 lần, đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành các TBA 110 kV không người trực và theo dõi, điều hành lưới điện phân phối.
Theo anh Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Phòng Điều độ, việc đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển và các TBA 110 kV không người trực đã giải phóng được toàn bộ kíp trực; giúp nhân viên vận hành loại bỏ việc ghi chép, lưu trữ thủ công các số liệu báo cáo, giảm thời gian truy cập thông số vận hành tức thời trên máy tính. Việc vận hành hợp lý luồng công suất trên hệ thống điện nhờ có Trung tâm điều khiển đã góp phần giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và bảo đảm chất lượng điện năng…
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng kinh doanh, dịch vụ cũng như hướng đến sự hài lòng của khách hàng, PC Đắk Lắk đã ký kết hợp tác với 15 ngân hàng trên địa bàn tỉnh và 9 tổ chức trung gian thanh toán, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn trong việc thanh toán tiền điện, hạn chế thanh toán tiền mặt và giảm thời gian, chi phí đi lại.
Bên cạnh đó, công ty cũng đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Trung với nhiều kênh cung cấp dịch vụ, như: Tổng đài 19001909, email, website và qua mạng xã hội (Facebook…) để tiếp nhận, giải đáp thắc mắc của khách hàng.
“Lợi ích lớn nhất của việc ứng dụng công nghệ thông tin là đã giúp công ty tiết kiệm được thời gian và nhân lực lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ điện, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tương tác với ngành điện nhanh chóng qua môi trường số”, Ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc PC Đắk Lắk.
Tuyết Mai