Đà Lạt xây dựng hồ sơ đề xuất trở thành Thành phố di sản

Nếu trở thành Thành phố di sản, Đà Lạt sẽ là một trong chín di sản thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam. Đây không chỉ là danh hiệu mà còn là cơ hội phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Ngày 31/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo, ban soạn thảo đề xuất TP Đà Lạt trở thành thành phố di sản.

Ban chỉ đạo gồm 12 thành viên, do ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng làm Trưởng ban; TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó trưởng ban thường trực. Ban sẽ chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ và vận động kinh phí thực hiện trong công tác đề xuất TP Đà Lạt trở thành thành phố di sản.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. (Ảnh: Internet).

Ban soạn thảo gồm 22 thành viên, do ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP Đà Lạt làm trưởng ban; ông Võ Ngọc Trình – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt làm Phó trưởng ban thường trực.

Ban soạn thảo có chức năng giúp việc cho ban chỉ đạo trong công tác xây dựng hồ sơ; là cầu nối giữa ban chỉ đạo và đơn vị tư vấn; giao đơn vị có tư cách pháp nhân ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập hồ sơ đề xuất TP Đà Lạt trở thành thành phố di sản.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao UBND TP Đà Lạt chủ trì, phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục có liên quan để đề xuất công nhận TP Đà Lạt trở thành thành phố di sản.

Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản đề nghị Cục Di sản văn hóa, Cục Hợp tác quốc tế, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội hướng dẫn và hỗ trợ UBND TP Đà Lạt thực hiện các thủ tục hồ sơ theo quy định của UNESCO về xây dựng hồ sơ đề xuất TP Đà Lạt trở thành thành phố di sản.

Thành phố di sản (đô thị di sản) được hiểu là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên.

Đà Lạt là đô thị hội đủ 4 giá trị đặc biệt để xây dựng trở thành đô thị di sản – đô thị du lịch sinh thái, đó là: khí hậu ôn hoà, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, quỹ di sản kiến trúc đô thị phong phú, bản sắc văn hoá và lịch sử đặc trưng.

Qua tham vấn các chuyên gia, Đà Lạt đáp ứng 2 tiêu chí về di sản văn hóa thế giới của UNESCO, đó là: (II) Biểu hiện sự giao lưu các giá trị của con người, trong một thời gian dài hoặc trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những bước phát triển trong kiến trúc, nghệ thuật tượng đài hoặc quy hoạch thành phố và thiết kế cảnh quan; (IV) Là một mẫu hình nổi bật của một loại công trình xây dựng hoặc quần thể kiến trúc hay cảnh quan minh họa cho một (các) giai đoạn lịch sử loài người.

Nếu trở thành thành phố di sản, Đà Lạt sẽ là một trong chín di sản thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam. Đây không chỉ là danh hiệu mà còn là cơ hội phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Đặng Quang Tú cũng đã nộp hồ sơ chính thức đến UNESCO đề nghị xét duyệt để Đà Lạt tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

Sơ đồ đề xuất vùng chính của di sản.

8 di sản thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam

– 2 di sản thiên nhiên thế giới: Vịnh Hạ Long, được công nhận năm 1994 theo tiêu chí (VII) và năm 2000 theo tiêu chí (VIII); Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, năm 2003, là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí (VIII) và năm 2015 theo tiêu chí (IX), (X).

– 5 di sản văn hóa thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế, năm 1993, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (IV); Phố cổ Hội An, năm 1999, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (II) (V); Thánh địa Mỹ Sơn, năm 1999, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (II) (III); Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, năm 2010, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (II) (III) và (VI); Thành nhà Hồ, năm 2011, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (II) và (IV).

– 1 di sản thế giới hỗn hợp: Quần thể danh thắng Tràng An, năm 2014, theo các tiêu chí (VII) và (VIII) của một di sản thiên nhiên thế giới và tiêu chí (V) của một di sản văn hóa thế giới.

Viên Hữu

Doanh nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *