Là doanh nghiệp Lâm Đồng đi đầu trong việc đưa món ăn dân dã, bình dị như khoai lang chinh phục thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Duy Đa – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Viên Sơn, cho rằng, để bước chân vào thị trường này, người sản xuất phải có chữ “tín” lẫn chữ “tâm” và phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu.
- Khoai lang Viên Sơn… “vươn xa”
- Sôi nổi Hội thi tay nghề Công ty Cổ phần Viên Sơn năm 2022
- Công ty Cổ phần Viên Sơn đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
- Cà phê đặc sản Arabica LangBiang, Moka Cầu Đất chinh phục người Nhật
- Bà Tống Thị Kim Giao làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản
“Nâng tầm” khoai lang
Ông Nguyễn Duy Đa – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn (Đức Trọng, Lâm Đồng) kể, trong những chuyến công tác, ông rất ấn tượng với hình ảnh người Nhật thư thái bên tách trà nóng và đĩa khoai lang nướng (Yaki Imo), khoai lang sợi chiên giòn (Imo Kenpi) vàng ươm. Họ cùng nhau nhâm nhi thưởng thức và đàm đạo chuyện đời, chuyện nghề. Dần dà, các món ăn từ khoai lang đã gắn liền với văn hoá trà đạo của “Đất nước mặt trời mọc”.
“Vốn là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu rau – củ – quả, trong đó có khoai lang sang các nước, tôi ấp ủ dự định đầu tư nhà máy, kho lạnh, trang thiết bị… để chế biến khoai lang thành nhiều món ăn để chinh phục thị trường Nhật Bản. Chỉ có con đường chế biến thì mới ổn định được đầu ra, nâng cao giá trị cho nông sản, giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao thu nhập”, ông Đa cho biết.
Năm 2012, Viên Sơn khởi công xây dựng nhà máy chế biến, cấp đông nông sản công suất 3.500 tấn/năm, với sự tư vấn và chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia thực phẩm Hà Lan. Đến năm 2015, khi cho ra lò mẻ khoai lang cấp đông đầu tiên, đích thân ông chủ doanh nghiệp này mang sản phẩm đi chào hàng tại thị trường Nhật Bản.
Sau khi tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm, các doanh nhân Nhật Bản đã trực tiếp bay qua Việt Nam, đến tận khu nhà xưởng của công ty để nắm bắt thông tin về quy trình sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm, khảo sát trực tiếp vùng nguyên liệu, kiểm tra hàng loạt chỉ số về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và nhiều yếu tố khác.
Các cuộc làm việc giữa 2 bên liên tục diễn ra và khi công ty đạt được những yêu cầu hết sức khắt khe của đối tác thì việc ký hợp đồng mới được thực hiện.
Trong năm 2015, hơn 700 tấn khoai lang cấp đông đầu tiên của Viên Sơn được xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản. Đây là dấu mốc quan trọng, tạo bước ngoặt trong lịch sử của công ty. Đến năm 2016, đơn hàng tăng lên 220 tấn. Năm 2018-2019 là 2.000 tấn.
Hiện nay, mỗi năm Viên Sơn xuất sang Nhật khoảng 4.500 tấn khoai lang cấp đông và mới đây đã xuất thành công sản phẩm khoai lang nướng. Ngoài Nhật Bản, công ty cũng chú trọng đến thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và đang mở rộng sang thị trường châu Âu, Mỹ, Canada… Đồng thời, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cho thị trường nội địa như khoai lang sấy, khoai lang chiên…
Để bảo đảm nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu, Viên Sơn liên kết với khoảng 200 hộ dân ở các tỉnh Tây Nguyên để mở rộng vùng nguyên liệu lên khoảng 1.000ha, sản lượng trung bình từ 9.000-10.000 tấn/năm. Tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến đều dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế như FSSC 22000, GlobalGAP, Halal…
Chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu
Theo ông Nguyễn Duy Đa, Nhật Bản là thị trường tiềm năng và mang lại giá trị. Tuy nhiên, để bước chân vào thị trường này, doanh nghiệp, người sản xuất phải có chữ “tín” lẫn chữ “tâm” và phải đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất phải khoa học, bài bản từ khâu xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đến việc sơ chế, chế biến. Phải có nhật ký nông dược, vùng trồng phải có định vị và sản xuất phải bám sát các quy định an toàn thực phẩm.
Nhà máy chế biến phải bảo đảm tuân thủ an toàn thực phẩm, hóa chất, kiểm soát vật lạ, tạp chất trong sản phẩm. Quy trình sản xuất phải theo từng công đoạn và thiết bị sản xuất phải hiện đại… Việc cân đong, đo đếm sản phẩm cũng phải chính xác, tỉ mỉ từng li từng tí và đội ngũ quản lý phải chuyên nghiệp.
“Để làm việc được với người Nhật thì phải đọc được suy nghĩ của họ, sản xuất phải đưa chất lượng lên hàng đầu. Là đơn vị sản xuất và chế biến nông sản nên Viên Sơn đặt tiêu chí “Thực phẩm chất lượng cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Khi thực phẩm có chất lượng thì người sử dụng sẽ có sức khỏe và tạo ra giá trị cao hơn, chất lượng cuộc sống vì thế sẽ tốt hơn. Đơn hàng sẽ tăng, việc kinh doanh vì thế cũng có lợi nhuận cao hơn và có thể giúp được nhiều bà con nông dân hơn”, ông Đa chia sẻ.
Theo thống kê, diện tích khoai lang trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2022 là 2.166,4ha, sản lượng 46.916 tấn/năm. Năm 2022, sản lượng xuất khẩu khoai lang trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng sang thị trường Nhật Bản đạt 8.776 tấn; một số thị trường khác như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… là hơn 4.560 tấn. Khoai lang xuất khẩu đa dạng, cả khoai chế biến và khoai tươi, trong đó thị trường Nhật Bản chủ yếu là khoai đã chế biến.
Tỉnh Lâm Đồng đã và đang thực hiện xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để người dân, doanh nghiệp xuất khẩu khoai lang sang Trung Quốc. Đây là thị trường tiêu thụ tiềm năng rất lớn vì nhu cầu rất cao, điều kiện vận chuyển, logistics chi phí thấp. Nếu đặt chân bền vững được tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Lâm Đồng sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất.
Tâm An
- APO thăm dự án đã tài trợ tại Công ty Cổ phần Viên Sơn
- Vai trò, vị thế Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng ngày càng được nâng cao
- Bầu Đức đưa HAGL “trở lại”: Tôi thứ hai thì không ai đứng thứ nhất
- Motiti Group ra mắt Văn phòng đại diện thương hiệu Aishodo tại Việt Nam
- Doanh nhân sử dụng chiêu khích tướng để tuyển mộ Nhân tài