Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên triển khai nhiều Chương trình hợp tác với TP Hồ Chí Minh

Để cụ thể hoá thỏa thuận hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nguyên, từ nay đến cuối năm 2023, các địa phương sẽ “xắn tay áo” cùng nhau tổ chức nhiều chương trình, sự kiện với quy mô cấp vùng, nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đưa Tây Nguyên cất cánh.

Từ Đà Lạt đến “Hội nghị bàn tròn” Gia Nghĩa

Trong 2 ngày 24 – 25/8/2023 vừa qua, tại TP Gia Nghĩa (Đắk Nông), đã diễn ra Hội nghị thảo luận, thống nhất Kế hoạch triển khai Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023. Đây là hội nghị quan trọng nhằm sớm triển khai thực hiện hiệu quả các thoả thuận hợp tác đã ký kết ngày 29/12/2022, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe phát biểu thảo luận của các đồng chí: Võ Văn Hoan – Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; Nguyễn Thiên Văn – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; Nguyễn Hữu Tháp – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; Lưu Trung Nghĩa – TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai.

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, đồng chí Phạm S – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là “phên dậu” phía Tây của Tổ quốc, là “nóc nhà của Đông Dương”, thuộc khu vực tam giác phát triển Lào – Việt Nam – Campuchia. Trong những năm qua, nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng Tây Nguyên, các địa phương luôn tích cực đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2050, đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Do đó, Hội nghị bàn kế hoạch triển khai Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên đã ký kết vừa qua tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng; mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng.

Đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại hội nghị.

Nhiều chương trình, sự kiện liên kết vùng

Sau chương trình thảo luận sôi nổi, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên đã thống nhất 3 nội dung quan trọng, với gần 50 đầu việc sẽ triển khai trong năm 2023. Các chương trình, sự kiện sẽ xoay quanh 5 lĩnh vực hợp tác trọng tâm: Phát triển du lịch; Kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; Phát triển y tế, giáo dục; Phát triển nông nghiệp.

Đồng chí Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội nghị.

Trong đó, các sự kiện do UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì, các đơn vị trực thuộc UBND thành phố phụ trách thực hiện, bao gồm: 7 sự kiện tổ chức tại TP Hồ Chí Minh; 8 sự kiện tổ chức tại các tỉnh vùng Tây Nguyên. Điển hình như: Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 với sự tham gia của 38 tỉnh thành đã ký kết hợp tác với TP Hồ Chí Minh; Lễ hội tinh hoa làng nghề và đặc sản Việt Nam; chuỗi sự kiện kết nối cung – cầu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành; Hội chợ du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE)…

Các sự kiện do UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên chủ trì, gồm có 8 sự kiện. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Hội thảo kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các quỹ đầu tư… Tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo và tập huấn nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, phát triển thương hiệu; Xây dựng gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch của TP Hồ Chí Minh tại tỉnh Đắk Nông.

Tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình về phát triển giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức Hội nghị trao đổi các nội dung hợp tác giữa ngành y tế TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị trao đổi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình nuôi trồng, nhân giống, chế biến bảo quản trong cây trồng (cây dược liệu, cây ăn quả, cây lương thực), nấm dược liệu và nấm ăn.

Các nội dung, hoạt động hợp tác song phương 5 tỉnh vùng Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh sẽ được triển khai trên 7 lĩnh vực chính về: nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển các mô hình chuỗi liên kết, chuỗi giá trị nông sản, đa dạng hóa kinh tế nông thôn; đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; phát triển du lịch nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các dịch vụ; hợp tác nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển vùng; hợp tác xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, hạ tầng logistics.

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên thắt chặt liên kết, hợp tác, cùng nhau phát triển.

“Xắn tay áo” cùng làm

Cũng tại hội nghị, để triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác, các đại biểu đã thống nhất TP Hồ Chí Minh sẽ là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp các tỉnh vùng Tây Nguyên triển khai kế hoạch chung. Các tỉnh Tây Nguyên sẽ phân công một lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách chủ trì, chỉ đạo; thành lập tổ công tác của tỉnh để phối hợp tổ chức triển khai các nội dung đã thống nhất. Phối hợp các đơn vị của TP Hồ Chí Minh để xây dựng kế hoạch chi tiết, hỗ trợ địa điểm, kinh phí, cơ sở vật chất cần thiết để tổ chức các hoạt động.

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ điều phối triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, lưu ý, khi tổ chức các chương trình, sự kiện, dù diễn ra ở địa phương nào cũng phải gắn với cái chung của toàn vùng, để tạo liên kết vùng và thu hút người dân, doanh nghiệp cả nước tham gia. Từ đó góp phần phát triển du lịch và thu hút đầu tư.

“Đặc biệt các sự kiện gắn với văn hóa sắp diễn ra tại Tây Nguyên, phải làm sao tạo được bản sắc riêng, phải đẳng cấp và gắn với hoạt động xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư. TP Hồ Chí Minh sẽ “xắn tay áo” cùng các tỉnh xây dựng ý tưởng, huy động nguồn lực tổ chức, có trách nhiệm kề vai sát cánh chứ không để các tỉnh tự bơi”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Các đại biểu đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên chung vui cùng sự thành công của hội nghị.

Viên Hữu

Dalatinfo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *