Phụ nữ và bình an

Những lần đi chùa, tôi đều quan sát thấy sự có mặt của nữ Phật tử luôn đông và có phần áp đảo hơn so với giới nam.

Tôi luôn tự hỏi vì đâu mà nơi cửa Phật luôn là chốn nương tựa của nhiều phụ nữ. Phải chăng, khổ đau trong cuộc sống dễ đến với người nữ hơn, và có thể do đặc thù về giới mà họ phải chịu đựng nhiều hơn phái nam chăng?

Tạm gác quan sát trên lại để kể chuyện mình.

Sau đại dịch Covid-19, tôi đã hình thành được cho mình một thói quen có lợi, đó là ngồi yên lắng nghe tiếng lòng của bản thân. Ban đầu, tôi lặng lẽ ngồi chỉ để mình có được sự thả lỏng trong sức ép kinh hoàng của cơn dịch thế kỷ.

Sau thời gian, tôi vẫn chưa nhận ra việc ngồi thả lỏng tâm trí như vậy có lợi lạc gì, nhưng bên trong tôi vẫn mách bảo rằng điều này là cực kỳ cần thiết như oxy hít vào thở ra vậy. Cho nên tôi đã luôn duy trì để thành thói quen riêng. Sau này, tôi mới hay rằng: sự thả lỏng đó đã giúp ích cho tôi có được sự minh mẫn và nguồn năng lượng dồi dào, nhất là ở vị trí của một phụ nữ, càng thả lỏng càng trôi chảy.

Thực hành theo chánh niệm và ánh sáng của Phật. (Ảnh: Internet).

Nhờ thả lỏng mà tôi mới định tâm lắng nghe tâm tư của nhiều phụ nữ mà không kèm thái độ phán xét cũng như bài trừ quan điểm của họ. Ngược lại, tôi còn có thể đặt những câu hỏi quan tâm và ân cần hơn với họ.

Qua những cuộc trò chuyện, tôi quan sát thấy phụ nữ khổ tâm vì nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến như là: xem trọng quá những thứ không đáng trọng hoặc mắc vào tiểu tiết, để bụng những thứ không đáng, không chánh niệm được vì tâm quá bay bổng, chưa biết nuôi dưỡng tâm hoan hỉ…

Nhưng xét cho cùng điều tôi kể ở trên đây gây khổ tâm cho cả nam giới chứ không riêng gì nữ giới.

Tôi lại tiếp tục nhìn vào bản thân mình. Tôi thường thấy mình là một phụ nữ dễ nhìn vào tiểu tiết và nhạy cảm. Và tôi tin rằng rất nhiều phụ nữ cũng giống như thế. Những thứ nhỏ nhặt lần lượt lọt vào tầm mắt tôi một cách tự nhiên mà tôi cũng không chủ ý nhìn.

Nhưng từ khi biết đến đạo, tôi không xem đặc tính này của mình là thứ gây khổ nữa. Mà ngược lại, chấp nhận bản thân tối đa, càng chấp nhận càng thương mình hơn. Tôi nhận ra trong mình có tồn tại một đôi mắt “nội soi”, có thể soi ra những thứ quá nhỏ nhặt, cảm nhận năng lượng nhạy cảm hơn người khác. Nó làm khó tôi nhiều phen và thật là mừng khi tôi nhận ra được nó. Vì vậy đến bước 2 tôi không để tâm mình dính mắc vào mấy cái vụn vặt mà mình thấy nữa.

Nếu như những điều vụn vặt ảnh hưởng đến tổng thể thì tôi luôn lên tiếng. Ví dụ tình huống có vũng nước trên sàn mà không ai thấy. Như vậy sẽ dễ trượt té, nhất là người già. Và khả năng chú ý vào chi tiết của tôi được phát huy, vì tôi thấy vũng nước trước khi người khác thấy, tôi sẽ lau dọn sàn nhà hoặc nhờ người tạp vụ lau chùi ngay, để không ai té ngã tổn thương.

Sống thanh thản, bình an trong từng phút giây. (Ảnh: Internet).

Còn nếu như việc nhỏ nhặt đó là chuyện vô tình hoặc chút sơ suất của đối phương, nhất là trong mối quan hệ giữa người với người, giữa các thế hệ… Tôi sẽ chủ động bỏ qua. Tôi nhắc nhở bản thân rằng mình hướng đến tâm bình an mà, muốn có bình an thì không nuôi buồn bực quá lâu được. Và cách tôi bỏ qua muộn phiền là câu thần chú:

Buông xả! Xả! Xả! Xả!

Tôi hô thật to lên để những thứ dính mắc trong lòng được xả ra trong hơi thở. Và càng thực hành, tôi càng cảm nhận tốt đẹp hơn, nhanh chóng buông được buồn bực hơn.

Thế đấy, Đạo Phật giúp tôi uyển chuyển hơn trong mọi việc. Đặc biệt chú ý đến tâm mình đang khởi lên cảm xúc gì.

Sau này tôi mới nhận ra, sự thả lỏng của một người phụ nữ giúp chữa lành tâm hồn cho chính người đó và còn có thể xoa dịu tâm hồn của những ai có dịp trò chuyện cùng họ.

Vì khi thả lỏng là lúc ta lắng nghe cả tâm và cả hồn của con người mình. Khi mình làm cho chính mình được tốt đẹp vững vàng rồi thì mới có sức mạnh để nâng đỡ những tâm hồn khác. Đó là nguyên lý đi lên bền vững cho toàn nhân loại.

Cúi đầu, tôi biết ơn đạo Phật vô vàn.

Phương Hạnh

Phật giáo

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *