Mặc dù doanh số bán lẻ trực tuyến của các doanh nghiệp Lâm Đồng trên các kênh thương mại điện tử tăng cao, nhưng nông sản (một trong những ngành hàng thế mạnh của tỉnh) lại tương đối thấp.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Khoai lang Viên Sơn… “vươn xa”
- TS Phạm S: Giải bài toán 3 hơn cho Nông sản Lâm Đồng
- Công ty Nông sản LangBiang khai trương showroom đặc sản cực chất tại Đà Lạt
Doanh số chưa cao
Thông tin tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh này cho biết, theo thống kê, từ tháng 8/2021 đến hết tháng 7/2022, doanh số bán lẻ trực tuyến trên các sàn và website TMĐT bán hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hơn 258 tỷ đồng.
Ngoài các sàn TMĐT, việc bán lẻ hàng hóa trực tuyến trên các trang mạng xã hội đang phát triển rất mạnh mẽ. Doanh số ước đạt 36% tổng giá trị bán lẻ hàng hóa trực tuyến trên các sàn và website TMĐT bán hàng (ước đạt 93 tỷ đồng).
“Mặc dù doanh số bán lẻ trực tuyến tại các doanh nghiệp của tỉnh trên các kênh TMĐT là cao, nhưng đối với ngành hàng nông sản – một trong những ngành hàng thế mạnh của tỉnh, vẫn còn tương đối thấp”, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đánh giá.
Với các sàn TMĐT do trung ương quản lý, vận hành như Postmart, đến hết tháng 6/2023, đã đưa 65 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh trở lên, tạo gian hàng trên sàn; tổng số nông sản của tỉnh lên sàn đạt 2.569 sản phẩm; tạo tài khoản, gian hàng cho 50.766 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 5.906 tài khoản người bán trên sàn TMĐT có tài khoản thanh toán điện tử. Doanh số bán các mặt hàng nông sản từ tháng 12/2022 đến hết tháng 6/2023 đạt hơn 3,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, các sàn TMĐT lớn trên toàn quốc cũng đã và đang mở rộng không gian cho nhiều gian hàng bán mặt hàng nông sản, kết nối và tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh đó, nhằm định hướng phát triển, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản, từ cuối tháng 12/2022 đến nay, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đang vận hành trang thông tin TMĐT chuyên về nông sản đầu tiên của tỉnh. Hiện nay, trang đã cập nhật toàn bộ thông tin 214 sản phẩm của 123 chủ thể OCOP và thông tin 1.149 mặt hàng nông sản của 350 doanh nghiệp, HTX kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các mặt hàng còn được giới thiệu, bán hàng trên các trang TMĐT khác của tỉnh do Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch quản lý; các trang website của doanh nghiệp.
“Mặc dù trong thời gian qua các sàn giao dịch nông sản nói riêng và TMĐT nói chung của tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, giao dịch trên TMĐT của tỉnh còn nhiều hạn chế”, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận.
Nguyên nhân và giải pháp
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, tuy sàn giao dịch nông sản nói riêng và TMĐT nói chung nở rộ, nhưng hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng là do tâm lý của người mua hàng vẫn muốn được “nhìn tận mắt, sờ tận tay” sản phẩm cần mua.
Bên cạnh đó, trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân, đặc biệt vùng nông thôn còn hạn chế, dẫn tới tâm lý e ngại mua hàng trên không gian mạng; dịch vụ logistics giao hàng, hoàn tất đơn hàng còn nhiều hơn chế do chưa có nhiều đơn vị mở loại hình dịch vụ này…
Đồng thời, theo ông Võ Văn Khanh – Trưởng đại diện Hiệp hội TMĐT khu vực miền Trung – Tây Nguyên, hạn chế lớn nhất khi ứng dụng TMĐT trong xúc tiến thương mại hàng nông sản, sản phẩm OCOP đó là nhiều loại nông sản chưa được tiêu chuẩn hóa, không đáp ứng được các điều kiện đóng gói, bảo quản, vận chuyển khi tham gia sàn TMĐT. Chưa kể do đặc thù là hàng tươi sống nên nhiều loại “sáng là rau, chiều là rác”.
Trên phương diện doanh nghiệp, sau nhiều lần bị “ức chế” do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi tham gia bán hàng nông sản trên các nền tảng mạng xã hội, TMĐT, bà Nguyễn Thanh Huyền – Công ty TNHH Hoàng Anh Maca, cho rằng, điều cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển TMĐT, ngành chức năng cần sớm xây dựng những quy định, quy chế về việc kinh doanh trên nền tảng số, để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần tham gia bán hàng.
Bên cạnh nỗ lực khắc phục khó khăn của doanh nghiệp, cũng rất cần được địa phương hỗ trợ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đồng thời, triển khai các gian hàng trên các trang TMĐT của tỉnh.
“Đối với các nền tảng TMĐT, doanh nghiệp rất mong được hỗ trợ nhiều hơn về mặt quảng bá các sản phẩm nông sản. Có cơ chế riêng cho việc vận chuyển cũng như kho vận phù hợp với các loại nông sản tươi. Hỗ trợ xây dựng các gian hàng có nhận diện thương hiệu chính chủ. Kiểm soát kỹ hơn các gian hàng bán các sản phẩm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm”, đại diện công ty Hoàng Anh Maca đề nghị.
Chợ phiên “Nông sản trong mây” đạt gần 250 triệu đồng
Trong ngày diễn ra Hội nghị kết nối, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng, đã có 16 phiên livestream bán hàng trực tuyến “Chợ phiên OCOP – Nông sản trong mây”, với gần 500.000 lượt xem, gần 2.000 đơn đặt hàng với tổng giá trị giao dịch đạt gần 250 triệu đồng.
Chương trình có sự tham gia của các đơn vị tiêu biểu với nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: Nông sản LangBiang, Hoàng Anh Macca, Hoa Linh Coffee, ENNY, Dalahuf, cà phê Thái Châu, cà phê rang xay Phu Đoan, tinh dầu Kava Việt Nam, Berryland Việt Nam, Sống Lành, ICHIFOODS, Trà Ngọc Duy, Seed Coffee với gần 50 nông đặc sản, sản phẩm OCOP các loại.
Viên Hữu